22/01/2025 | 15:52 GMT+7, Hà Nội

Doanh nghiệp cho vay tiêu dùng có lãi trở lại song áp lực nợ cũng gia tăng

Cập nhật lúc: 01/10/2024, 10:38

Mặc dù hoạt động vay tiêu dùng đã “ấm” lên khi nhiều công ty tài chính có lãi trở lại. Song gánh nặng nợ của nhiều công ty cũng gia tăng.

Từ lỗ chuyển sang lãi nhưng "nặng" nợ

Tín dụng tiêu dùng đóng vai trò then chốt trong hệ thống tín dụng quốc gia, chiếm hơn 20% tổng dư nợ toàn hệ thống. Trước năm 2022, thị trường này ghi nhận mức tăng trưởng mạnh mẽ, với tốc độ trung bình khoảng 20% mỗi năm.

Tuy nhiên, bước sang năm 2023, thị trường tín dụng tiêu dùng đã gặp nhiều khó khăn do hàng loạt yếu tố bất lợi từ môi trường kinh tế vĩ mô. Dịch Covid-19 kéo dài, cùng với suy thoái kinh tế toàn cầu, đã tác động nặng nề đến thu nhập của người dân, khiến sức mua giảm sút. Bên cạnh đó, lạm phát gia tăng và lãi suất tăng cao để kiểm soát lạm phát đã khiến người tiêu dùng e dè hơn trong việc vay vốn, dẫn đến sự suy giảm đáng kể trong tăng trưởng tín dụng tiêu dùng.

Các công ty cho vay tiêu dùng cũng không tránh khỏi tác động từ cuộc khủng hoảng này. Chất lượng tài sản của nhiều công ty đi xuống rõ rệt, khi nợ xấu tăng cao và nhu cầu tiêu dùng giảm mạnh. Điều này buộc các doanh nghiệp phải trích lập dự phòng rủi ro lớn, gây ra những khoản lỗ nặng nề.

Tuy nhiên, tình hình đã có dấu hiệu cải thiện trong nửa đầu năm nay nhờ môi trường lãi suất giảm và các biện pháp hỗ trợ tiêu dùng từ Chính phủ.

Nhìn vào bức tranh lợi nhuận của nhóm tài chính chuyên cho vay tiêu dùng, có thể nhận thấy phần lớn các doanh nghiệp đều cải thiện được kết quả kinh doanh.

Đối với F88, công ty báo lãi báo lãi 89 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2024, trong khi cùng kỳ năm ngoái lỗ 368 tỷ đồng. Dù báo lợi nhuận tích cực nhưng kết thúc quý II/2024, nợ phải trả của F88 cũng tăng 30% từ mức 2.287,7 tỷ đồng lên 2.978,5 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, dư nợ trái phiếu của doanh nghiệp tăng mạnh lên 592,6 tỷ đồng, gấp 2,66 lần cùng kỳ năm trước.

Năm nay, FE Credit đặt mục tiêu lãi 1.200 tỷ đồng, dư nợ tín dụng dự kiến vượt 66.500 tỷ đồng. Ảnh: FE Credit.

Cũng giống như F88, Công ty Tài chính TNHH Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng SMBC (FE CREDIT) cũng dần có dấu phục hồi trở lại.

Theo báo cáo từ Chứng khoán KB, FE CREDIT đã có lãi trong quý II với lợi nhuận trước thuế đạt 145 tỷ đồng, cải thiện so với khoản lỗ "khổng lồ" 853 tỷ đồng trong quý I. Năm nay, FE CREDIT đặt mục tiêu lợi nhuận 1.200 tỷ đồng, một con số mà giới phân tích cho rằng khó có thể thực hiện được khi doanh nghiệp đã báo lỗ gần 3.000 tỷ đồng trong năm ngoái.

Bên cạnh F88 và FE CREDIT, nhiều công ty tài chính khác cũng ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan trong nửa đầu năm. Công ty Tài chính TNHH MTV Home Credit Việt Nam đã báo cáo lợi nhuận sau thuế 474 tỷ đồng, tăng gấp 2,2 lần so với cùng kỳ năm trước. Tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu (ROE) của công ty cũng tăng từ 3,22% lên 6,77%.

Dù vậy, gánh nặng tài chính vẫn là bài toán mà Home Credit cần lưu tâm khi tổng nợ phải trả đã gấp 3 lần vốn chủ sở hữu, tương ứng gần 21.300 tỷ đồng. Dư nợ trái phiếu vẫn ở mức cao, còn hơn 3.500 tỷ đồng.

Trong khi đó, một số doanh nghiệp có thị phần nhỏ hơn như Công ty Tài chính TNHH MTV Shinhan Việt Nam đã giảm lỗ từ 246 tỷ đồng cùng kỳ năm trước xuống còn 95 tỷ đồng.

Trái ngược với thị trường, hiếm hoi chỉ có Công ty Tài chính TNHH MTV Mirae Asset (Việt Nam) là đang báo lỗ 347 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm nay, dù đã giảm lỗ từ mức 392 tỷ đồng.

Do vẫn chưa thoát được lợi nhuận âm nên vốn chủ sở hữu của Mirae Asset đã giảm xuống còn 1.397 tỷ đồng, giảm 24% so kỳ trước; tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu tiếp tục âm 24,8%. Nợ phải trả của doanh nghiệp cũng tăng mạnh lên 11.720 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ trái phiếu chiếm 796 tỷ đồng.

Cho vay tiêu dùng triển vọng ra sao?

Nhìn chung, mặc dù chưa có sự phục hồi đồng đều trong bức tranh cho vay tiêu dùng, song những dấu hiệu phục hồi đã bắt đầu xuất hiện trở lại. Không chỉ vậy, dư địa để thị trường này bứt phá sau "cơn bão" còn rất nhiều.

Tính đến giữa tháng 6 năm 2024, dư nợ tín dụng của Việt Nam đạt 14,07 triệu tỷ đồng, tăng gần 3,8% so với cuối năm 2023. Trong đó, cho vay tiêu dùng đóng góp hơn 3 triệu tỷ đồng. Đặc biệt, trong 6 tháng đầu năm, tín dụng tiêu dùng phục vụ đời sống đã tăng trưởng nhanh, chiếm hơn 21% tổng dư nợ của nền kinh tế, tương đương hơn 1/5 tổng số dư nợ.

Điều này cho thấy, so với các nước phát triển, tín dụng tiêu dùng ở Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa để phát triển. Ở các quốc gia như Mỹ hay châu Âu, tín dụng tiêu dùng chiếm khoảng 60-70% tổng dư nợ cho vay. Với một thị trường có dân số hơn 100 triệu người như Việt Nam, tỷ lệ này còn rất tiềm năng để mở rộng. Theo FiinGroup, quy mô tín dụng tiêu dùng của Việt Nam mới chỉ chiếm trên 10% GDP, thấp hơn nhiều so với một số quốc gia và vùng lãnh thổ khác như Hàn Quốc (hơn 40% GDP) và Hồng Kông – Trung Quốc (hơn 20% GDP).

Năm 2024 được kỳ vọng là năm mà nền kinh tế Việt Nam có triển vọng phục hồi rõ rệt, tạo điều kiện thuận lợi cho lĩnh vực tài chính tiêu dùng. Sự gia tăng trong sức mua của người tiêu dùng, nhu cầu tín dụng và thu nhập hộ gia đình được cải thiện sẽ thúc đẩy sự phát triển của tín dụng tiêu dùng. Tuy nhiên, sau cú sốc năm 2023, các công ty cho vay tiêu dùng đã trở nên thận trọng hơn trong việc giải ngân, chú trọng đến sự phát triển bền vững và kiểm soát rủi ro.

Để ngăn chặn "tín dụng đen" và bảo vệ người tiêu dùng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã thực hiện nhiều biện pháp, trong đó có việc rà soát và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho hoạt động cho vay tiêu dùng, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của thị trường. NHNN cũng yêu cầu các tổ chức tín dụng công khai lãi suất cho vay bình quân, chênh lệch giữa lãi suất tiền gửi và cho vay, cũng như các thông tin về các chương trình tín dụng và sản phẩm vay trên website để người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận và so sánh thông tin khi cần vay vốn.

Ngoài ra, NHNN đang phối hợp với các cơ quan chức năng để khai thác dữ liệu "sạch" nhằm thúc đẩy tín dụng tiêu dùng an toàn và hiệu quả hơn. Cụ thể, việc kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư giúp xác thực thông tin khách hàng bằng phương tiện điện tử. Việc này cũng liên quan đến việc gắn mã số định danh công dân với tài khoản cá nhân, giúp quản lý và xác thực thông tin khách hàng một cách chính xác khi cung cấp các sản phẩm tín dụng và dịch vụ thanh toán.

Theo dự báo của Công ty Chứng khoán MB, tăng trưởng tín dụng của Việt Nam trong năm 2024 có thể đạt 14%, với mức tăng trưởng GDP dự kiến trong khoảng 6,3 - 6,5%. Trong đó, các lĩnh vực như tài chính tiêu dùng, thẻ tín dụng và cho vay mua ô tô dự kiến sẽ có nhu cầu cao hơn, nhờ lãi suất cho vay thấp và sự phục hồi của doanh số bán lẻ. Điều này tạo nền tảng thuận lợi cho sự phát triển của các sản phẩm vay tiêu dùng, mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực tài chính.

Nguồn: https://reatimes.vn/doanh-nghiep-cho-vay-tieu-dung-co-lai-tro-lai-song-ap-luc-no-cung-gia-tang-202241001140308665.htm