28/04/2024 | 18:07 GMT+7, Hà Nội

Doanh nghiệp cần tận dụng kênh siêu thị để phục hồi

Cập nhật lúc: 15/03/2022, 06:10

Theo các chuyên gia kinh tế, kênh siêu thị không chỉ thúc đẩy việc tiêu thụ hàng hóa, mà còn giúp các nhà sản xuất trong nước, quảng bá đến người tiêu dùng theo xu hướng hiện đại.

Hướng tới kênh siêu thị

Theo các chuyên gia phân tích thị trường, hai năm Covid-19 đã ảnh hưởng lớn tới kênh phân phối sản phẩm truyền thống, việc bán hàng qua các đại lý, tạp hoá, quán ăn, nhà hàng, khách sạn khá chậm chạp. Tâm lý của các kênh phân phối này đều chưa muốn lấy sản phẩm nhiều như trước đây do dịch bệnh phức tạp, khó dự đoán. Bên cạnh đó, phần lớn những DN nhỏ và vừa vẫn còn khá lúng túng trong giai đoạn đầu đưa hàng vào siêu thị và thiếu tính chuyên nghiệp. Bởi lẽ chuỗi siêu thị hiện đại đều có tiêu chuẩn chặt chẽ, quản lý chất lượng, hồ sơ công bố, truy xuất nguồn gốc…

Việc đưa sản phẩm vào hệ thống siêu thị giúp các DN phục hồi, đảm bảo thương hiệu và chất lượng sản phẩm khi đến tay người tiêu dùng. (ảnh: Văn Biên)
Việc đưa sản phẩm vào hệ thống siêu thị giúp các DN phục hồi, đảm bảo thương hiệu và chất lượng sản phẩm khi đến tay người tiêu dùng. (ảnh: Văn Biên)

Đặc biệt, khi tiến vào hệ thống siêu thị nước ngoài, tiêu chí về chất lượng sản phẩm, an toàn vệ sinh thực phẩm được đặt lên hàng đầu. Bên cạnh đó, lượng hàng đưa vào kệ các siêu thị cần số lượng lớn, chất lượng đồng đều, tính ổn định cao... Tuy nhiên, nhiều sản phẩm của các DN nội chưa đáp ứng được các tiêu chí này. Đơn cử như mặt hàng chuối của Việt Nam, theo Lotte Mart, đây là sản phẩm được nhiều người tiêu dùng Hàn Quốc ưa chuộng nhưng tiêu chí để trái chuối của người nông dân Việt có thể đứng trên các kệ hàng của hệ thống siêu thị này là phải đồng đều về chất lượng, đặc biệt là sản lượng hàng phải cung cấp một cách liên tục và ổn định. Thế nhưng yếu tố này là khó thực hiện với không chỉ trái chuối của người nông dân Việt mà đối với nhiều sản phẩm nông sản khác.

Hàng nông sản của Việt Nam tuy có nhiều loại ngon, được người tiêu dùng cả trong và ngoài nước quan tâm, song chúng ta chưa sản xuất được theo chuỗi đảm bảo tính an toàn và ổn định cũng như các yếu tố khác liên quan đến các quy chuẩn quốc tế, do đó, rất khó bước chân vào các siêu thị ngoại. Theo các chuyên gia kinh tế, khó khăn lớn nhất hiện giờ của các DN khi nhắm vào thị trường tiêu thụ nội địa là đầu ra sản phẩm bị chậm lại. Còn nếu tập trung vào xuất khẩu thì chi phí logistics lại tăng quá cao, thời gian vận chuyển lâu, kiểm định chất lượng sản phẩm, nguồn gốc xuất xứ phức tạp... Bởi vậy, nhiều DN hiện đang hướng tới kênh bán hàng qua các hệ thống siêu thị.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, kênh siêu thị không chỉ thúc đẩy việc tiêu thụ hàng hóa, mà còn giúp các nhà sản xuất trong nước, nhất là nông sản Việt Nam hoàn thiện quy trình sản xuất, cách tiếp cận thị trường, đóng gói bao bì cũng như quảng bá đến người tiêu dùng theo xu hướng hiện đại. Theo đó, định vị giá trị thương hiệu của hàng Việt Nam tại thị trường trong nước cũng như nâng tầm cho hàng Việt Nam tại thị trường quốc tế.

Cần kết nối thường xuyên giữa DN sản xuất với hệ thống phân phối

Do vậy, để có thể đưa hàng vào hệ thống siêu thị hiện đại nói chung, các DN sản xuất hàng hàng hóa cần nâng cao tính chuyên nghiệp, có bộ phận chuyên trách để nghiên cứu, thực hiện đầy đủ các quy định, yêu cầu khắt khe từ phía nhà nước như phải đảm bảo hồ sơ về an toàn vệ sinh thực phẩm nhằm tránh mất thời gian, công sức trong quá trình triển khai…

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh nhận định, đưa hàng hóa tham gia vào hệ thống mạng lưới siêu thị phân phối của các tập đoàn bán lẻ nước ngoài là một kênh hiệu quả, bền vững bởi các tập đoàn bán lẻ nước ngoài không chỉ có hệ thống trung tâm thương mại, siêu thị hiện đại liên tục được đầu tư mở rộng ở các TP lớn ở cả trong và ngoài nước mà còn dẫn đầu về chuyển đổi sang hình thức mua sắm trực tuyến. “Thời gian đầu, việc này có vẻ khó khăn nhưng về lâu dài, khi đã quen với yêu cầu, điều này giúp đảm bảo thương hiệu và đảm bảo chất lượng sản phẩm cho người tiêu dùng”, ông Lê Đăng Doanh nhấn mạnh.

Theo ông Lê Đăng Doanh, việc kết nối thường xuyên giữa DN sản xuất với hệ thống phân phối sẽ giúp cho các DN hiểu hơn về nhu cầu của chuỗi hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi; cung cấp thông tin về tiêu chuẩn kỹ thuật, xu hướng ứng dụng công nghệ mới trong đóng gói, bảo quản sản phẩm thực phẩm chế biến; kết nối để đưa hàng hoá của DN Việt vào hệ thống siêu thị. Qua đó, sẽ giúp cho DN dễ dàng đưa sản phẩm tiếp cận với lượng khách hàng sẵn có của hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, góp phần nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của DN.

Theo chuyên gia thị trường Vũ Vinh Phú, để gia tăng lượng hàng hóa Việt tiêu thụ qua các kênh siêu thị hiện đại trong nước và nước ngoài, các DN Việt phải nâng cao năng lực sản xuất để có thể cung ứng các sản phẩm đáp ứng những tiêu chí, quy chuẩn mà phía đối tác đưa ra như phải đảm bảo hồ sơ về an toàn vệ sinh thực phẩm nhằm tránh mất thời gian, công sức trong quá trình triển khai…. Đồng thời, các DN sản xuất hàng hàng hóa cần nâng cao tính chuyên nghiệp, có bộ phận chuyên trách để nghiên cứu... để đảm bảo tính đồng đều cho sản phẩm.

Nguồn: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/doanh-nghiep-can-tan-dung-kenh-sieu-thi-de-phuc-hoi-281396.html