Điều trị bệnh nhân BN91 là biểu tượng chống Covid-19 thành công của Việt Nam
Cập nhật lúc: 14/07/2020, 16:38
Cập nhật lúc: 14/07/2020, 16:38
Khẳng định tinh thần nhân văn của người Việt Nam
Phi công người Anh được Bộ Y tế công bố nhiễm Covid-19 vào ngày 18/3, điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM. Đây là bệnh nhân thứ 91 tại Việt Nam nhiễm Covid-19.
Sau 115 ngày điều trị, ngày 11/7, bệnh nhân BN91 - nam phi công người Anh đã xuất viện và trở lại bầu trời trên chính chiếc máy bay Boeing-787-10 Dreamlines - dòng máy bay lớn hiện đại nhất được khai thác tại Việt Nam.
Đây cũng là hành động tri ân dành cho phi công người Anh khi anh từng lái máy bay này. Như vậy, BN91 đã chính thức khoẻ mạnh và trở về quê hương trên chính chiếc máy bay mình đã trực tiếp cầm lái.
BN92 đã trở về quê hương với tình trạng sức khoẻ tốt, chiến thắng căn bệnh Covid-19 tại đất nước Việt Nam đong đầy tình người.
Trong suốt quãng đường đi, phi công người Anh luôn nhận được sự quan tâm, hỏi han của các thành viên tổ bay.
Chiều 12/7, phi công người Anh đã về nước an toàn trong tình trạng sức khoẻ tốt. Các phi công của Vietnam Airlines cũng gửi hoa chúc mừng đồng nghiệp trước khi chia tay.
Sau khi trở về nước nghỉ ngơi, hồi phục sức khoẻ, thời gian tới khi mở cửa đường bay trở lại, hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam sẵn sàng đón phi công này trở lại nếu đảm bảo điều kiện sức khỏe tốt.
Sự kiện bệnh nhân BN91 đã trở thành tâm điểm chú ý của truyền thông do đây là ca bệnh mà các bác sĩ hàng đầu Việt Nam đã tập trung trí tuệ để lựa chọn đưa ra phương pháp điều trị cho người bệnh.
Theo Reuters, những nỗ lực của Việt Nam trong việc cứu sống nam phi công người Anh trở thành biểu tượng cho cuộc chiến thành công của Việt Nam chống lại virus.
“Khi đa số các bệnh nhân Covid-19 ở Việt Nam hồi phục, tin tức về ca có khả năng không qua khỏi đã thu hút sự ủng hộ lớn trên toàn quốc, hàng chục người muốn hiến phổi nhưng các bác sĩ đã từ chối vì họ chỉ nhận phổi hiến từ các ca chết não. Tuy nhiên, dưới sự chăm sóc không ngừng nghỉ, tình trạng của bệnh nhân này đã được cải thiện”, báo Anh viết.
“Đáng ra tôi không thể có mặt ở đây, nên tôi chỉ có thể cảm ơn tất cả mọi người về những gì họ đã làm”, phi công người Anh nói khi ngồi xe lăn rời bệnh viện.
Kỳ tích trong y khoa này không chỉ thể hiện sự nỗ lực cứu chữa hết mình của các y, bác sĩ, mà còn khẳng định tinh thần nhân văn của người dân Việt Nam với truyền thống “thương người như thể thương thân” từ ngàn đời nay.
Có thể nói, trong suốt 115 ngày đêm điều trị của BN91 đã in đậm dấu ấn sự nỗ lực của đội ngũ y, bác sĩ Việt Nam. Tất cả những kỹ thuật tiên tiến hiện đại nhất trong lĩnh vực hồi sức cấp cứu đều được các y bác sĩ sử dụng cho BN91, có những phác đồ điều trị, những loại thuốc chưa bao giờ sử dụng tại Việt Nam cũng đều được áp dụng để cứu sống bệnh nhân này.
Ngay cả khi tính đến phương án ghép phổi, hàng chục người Việt tình nguyện hiến 1 phần lá phổi để cứu chữa cho BN91. Họ đều là những người xa lạ chưa hề gặp mặt anh, có người liên hệ với trung tâm qua điện thoại, có người qua fanpage… nhưng đều có chung một tâm niệm muốn hiến tặng một phần lá phổi của mình để cứu chữa cho phi công người Anh, từ đó lan tỏa thêm yêu thương trong cộng đồng.
Khi trái tim của bệnh nhân 91 hồi phục cũng là lúc hơn 90 triệu trái tim Việt Nam cùng vui mừng. Với riêng đội ngũ y, bác sĩ trực tiếp chăm sóc, điều trị cho BN91, việc phi công người Anh có thể khỏe mạnh bước ra từ ngưỡng cửa tử thần thì không niềm vui nào có thể tả xiết.
Ông Nguyễn Đình Anh, Vụ trưởng Vụ Truyền thông và Thi đua khen thưởng (Bộ Y tế) chia sẻ: "Là người theo sát các ca bệnh để cung cấp thông tin cho báo chí, đối với bệnh nhân 91 người Anh này đưa lại cho tôi nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau. 115 ngày điều trị tại các cơ sở y tế, có những giây phút tưởng chừng không còn hy vọng. Thế nhưng điều kỳ diệu đã xảy ra, câu chuyện cổ tích thời hiện đại được viết tiếp
Bệnh nhân BN91 may mắn hơn bao nhiêu bệnh nhân khác trên thế giới, bạn mắc bệnh ở Việt Nam khi chúng tôi kiểm soát tốt dịch Covid-19, số ca mắc không nhiều, số ca nặng rất ít nên mọi thầy thuốc giỏi đều tập trung cho bệnh nhân này.
Đất nước chúng tôi tuy nền kinh tế chưa bằng nước Anh nhưng với tinh thần hiếu khách, luôn chào đón các bạn. Qua đây này, ngành Y tế cũng học được nhiều bài học kinh nghiệm cho công tác phòng, chống và điều trị dịch bệnh trong tương lai.
Xin cám ơn các đồng nghiệp của tôi ở Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh vì các bạn đã làm được được một việc hết sức ý nghĩa, nhân văn".
Trên chuyến máy bay trở về quê hương, bệnh nhân BN91 cho biết mình đã "choáng ngợp" trước sự hào hiệp của người dân Việt Nam, tinh thần tận tụy và tính chuyên nghiệp của đội ngũ y bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy.
Bệnh nhân này cũng cho biết mình trở về nhà với một "trái tim hạnh phúc", dù cảm thấy buồn vì phải tạm biệt nhân dân và bạn bè ở Việt Nam: "Ngay sau khi bình phục, tôi sẽ trở lại. Tôi vẫn là một phi công. Giấy phép của tôi đã hết hạn”.
PGS. TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế, Phó trưởng Tiểu ban điều trị Covid-19 đã gửi những lời tạm biệt đối với bệnh nhân trước khi ra viện, đồng thời trao giấy ra viện cho bệnh nhân.
PGS. TS Lương Ngọc Khuê khẳng định kết quả điều trị thành công cho bệnh nhân đến hiện nay là sự nỗ lực tuyệt vời của toàn ngành y tế. Đặc biệt là tinh thần, tình cảm của Chính phủ, người dân Việt Nam trong nỗ lực đẩy lùi dịch bệnh.
Tính từ 6h ngày 16/4 đến 6h ngày 13/7, 88 ngày Việt Nam không có ca lây nhiễm trong cộng đồng. Tính đến 6h ngày 13/7, Việt Nam có tổng cộng 232 ca nhiễm nhập cảnh được cách ly ngay; Tính từ 18h ngày 12/7 đến 6h ngày 13/7 không có ca mắc mới.
Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly): 11.256. Trong đó: Cách ly tập trung tại bệnh viện: 25; Cách ly tập trung tại cơ sở khác: 10.816; Cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 415 người.
Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị, Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19: Số ca âm tính lần 1 với SARS-CoV-2: 1 ca; Số ca âm tính lần 2 trở lên với SARS-CoV-2: 3 ca.
14:30, 13/07/2020
14:00, 23/06/2020
14:40, 22/06/2020