19/01/2025 | 16:02 GMT+7, Hà Nội

Điều kiện để được tuyển vào Đại học Fulbright là gì?

Cập nhật lúc: 10/06/2016, 13:16

Theo dự kiến, từ tháng 9/2016 tới đây, đại học Fulbright sẽ bắt đầu tuyển sinh. Ban đầu, trường sẽ tập trung đào tạo bậc thạc sĩ các chuyên ngành chính sách công, quản lý và kỹ thuật. Sau đó mở rộng đào tạo bậc đại học và tiến sĩ.

Đại học Fulbright Việt Nam (FUV) được biết đến là đại học tư thục phi lợi nhuận đầu tiên ở Việt Nam.

Đây là cơ sở giáo dục có 100% vốn đầu tư nước ngoài, có tư cách pháp nhân, con dấu, tài khoản riêng, hoạt động không vì lợi nhuận do Quỹ Sáng kiến Đại học Việt Nam (TUIV) đầu tư. 

Tổng vốn đầu tư của FUV dự kiến khoảng 70 triệu USD, gồm 5,3 triệu USD trong giai đoạn 1; 20 triệu USD (tiền từ Quốc hội Mỹ) trong giai đoạn 2 và 44,7 triệu USD của giai đoạn 3.

Đại học Fulbright đào tạo gì?

Theo kế hoạch, FUV sẽ tuyển sinh sớm nhất vào khoảng tháng 9 năm 2016.

Hoạt động đào tạo và nghiên cứu của FUV sẽ tập trung vào các lĩnh vực chính sách công và quản lý, các ngành STEM (khoa học, kỹ thuật, cơ khí, toán) và y khoa, các ngành khoa học xã hội - nhân văn và các ngành khoa học liên ngành.

Ban đầu sẽ tập trung đào tạo bậc thạc sĩ các chuyên ngành chính sách công, quản lý và kỹ thuật. Sau đó mở rộng đào tạo bậc đại học và tiến sĩ. Các chương trình đào tạo khác của trường được phát triển với sự hợp tác một số đại học Mỹ.

Đồng thời, FUV sẽ tiếp nhận chương trình thạc sĩ chính sách công (MPP) cùng hoạt động nghiên cứu hiện nay của Trường Fulbright.

 Đại học Fulbright dự kiến sẽ bắt đầu tuyển sinh từ tháng 9/2016

Đối với chương trình MPP học viên trúng tuyển đượcnhận học bổng gồm học phí toàn bộ hai năm học và trợ cấp sinh hoạt, đi lại trong năm học đầu tiên.

Với chương trình MBA, học phí cao hơn.

Còn với một số chương trình khác, trường sẽ có riêng chính sách cấp học bổng cho người có khả năng nhưng ít có điều kiện về kinh tế.

Theo công bố của dự án ĐH Fulbright VN (FUV), 5 năm đầu tiên trường sẽ tập trung xây dựng 3 cơ sở đào tạo tích hợp:

  • Trường Chính sách công và quản lý Fulbright (đào tạo sau ĐH trong lĩnh vực chính sách công, luật kinh doanh quốc tế, tài chính và quản trị kinh doanh, nghiên cứu và đối thoại chính sách)
  • Trường Công nghệ và khoa học ứng dụng Fulbright (cung cấp các chương trình đào tạo cử nhân và sau ĐH trong lĩnh vực khoa học, công nghệ, cơ khí, toán ứng dụng và y khoa)
  • Fulbright College (cung cấp các chương trình đào tạo cử nhân trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn)

Thủ tục đăng ký thi tuyển vào FUV

Đối với Chương trình thạc sĩ chính sách công, hồ sơ dự tuyển sẽ vẫn như từ trước đến nay, gồm:

  • Đơn dự tuyển
  • Bài luận
  • Bản sao bằng và bảng điểm đại học

Trong chương trình đào tạo này, trường vẫn có chính sách ưu tiên ứng viên từ vùng sâu vùng xa, phụ nữ, người có điều kiện bất lợi.

Sau đó, trường tổ chức thi tuyển tương tự các kỳ thi chuẩn hóa của Mỹ, gồm các môn:

  • Tiếng Anh
  • Kỹ năng phân tích
  • Toán

Được biết, việc xét tuyển của FUV dựa vào tổng hợp các tiêu chí, trong đó có điểm thi, bài luận, học lực bậc đại học và kinh nghiệm công tác.

Mặc dù mỗi ngành đào tạo sẽ có các tiêu chí ưu tiên khác nhau, việc tuyển sinh của FUV sẽ dựa trên việc đánh giá một cách toàn diện như các trường đại học ở Mỹ chứ không chỉ dựa vào điểm thi.

Theo chia sẻ của thạc sĩ Hoàng Ngọc Lan - Cán bộ quản lý đào tạo Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright: Năm 2016 khi FUV chính thức tuyển sinh thì thỏa thuận hợp tác trong Chương trình Giảng dạy kinh tế Fulbright giữa Trường Đại học Kinh tế TP HCM với Trường Quản lý nhà nước Harvard Kennedy sẽ hết thời hạn.

Chương trình Giảng dạy kinh tế Fulbright sẽ trở thành Trường Chính sách công và quản lý Fulbright trực thuộc FUV, với đối tác học thuật vẫn là Trường Harvard Kennedy.

Theo bà Lan, với Chương trình Chính sách công, sinh viên vẫn sẽ nhận được học bổng toàn phần như tại Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright. Chương trình MBA có học phí cao hơn so với các trường tư thục hiện nay tại Việt Nam. Cũng sẽ có một chương trình hỗ trợ tài chính đối với người học có khả năng nhưng ít có điều kiện về tài chính (cấp học bổng) như cách làm của các trường đại học phi lợi nhuận khác trên thế giới.