19/01/2025 | 13:27 GMT+7, Hà Nội

Điều ít biết về chàng trai “vàng” thiên văn học và vật lý thiên văn quốc tế

Cập nhật lúc: 30/11/2018, 08:30

Lần đầu tham gia cuộc thi Olympic Thiên văn học và vật lý thiên văn quốc tế nhưng chàng trai Trần Xuân Tùng - học sinh lớp 12 Lý 1, trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam đã mang về tấm HCV danh giá đầu tiên cho ngành thiên văn học và vật lý thiên văn Việt Nam. Ít ai biết rằng suýt chút nữa, tấm HCV này đã không thuộc về chúng ta.

Đề thi Olympic Thiên văn học và vật lý thiên văn quốc tế năm nay được đánh giá là khó hơn rất nhiều lần so với các năm trước. Không chỉ đoàn Việt Nam mà các đoàn khác tham dự đều nhận định như vậy. Trưởng đoàn Việt Nam – bà Bùi Thị Minh Nga (Phó trưởng Phòng Giáo dục trung học - Sở GD&ĐT Hà Nội) chia sẻ, trong phần bài làm của mình, Trần Xuân Tùng đã có bài giải hay hơn đáp án của BTC nhưng lại không được tính điểm vì họ cho rằng không đúng so với đáp án. Đứng trước nguy cơ bị mất tấm HCV danh giá, thầy cô trong đoàn Việt Nam đã có màn phản biện chặt chẽ khiến Tổng thư ký và Phó GĐ của đài thiên văn Bắc Kinh phải công nhận bài giải của Trần Xuân Tùng là lời giải đúng, thậm chí là rất xuất sắc.

Từ đó, BTC đã tính điểm cho Trần Xuân Tùng, đồng nghĩa cậu mang về tấm HCV đầu tiên cho ngành thiên văn của chúng ta. Cô Lê Thị Oanh - Hiệu trưởng trường THPT chuyên Hà Nội-Amsterdam chia sẻ, hàng loạt tin nhắn tới tấp được gửi về từ Trung Quốc. Lúc thì sắp được HCV rồi, lúc lại vẫn là HCB khiến cô rất lo lắng, không ngủ được. Đến lúc kết quả cuối cùng được công bố, Việt Nam đã thay đổi được màu huy chương thì tất cả thầy cô, học sinh ở Trung Quốc và những người ở Việt Nam đều vỡ òa trong hạnh phúc.

Một điều đáng tự hào nữa là trong khi ban giám khảo và hội đồng phản biện của các nước đều gồm những giáo sư đầu ngành về thiên văn học, vật lí thiên văn thì đoàn Việt Nam, các thành viên dẫn học sinh tham gia đều là các giáo viên dạy cấp 3 và chuyên viên của Sở GD&ĐT Hà Nội. Sự phản biển vững chãi của đoàn Việt Nam để biến tấm HCB thành tấm HCV chính là một kỳ tích đối với ngành thiên văn học và vật lý thiên văn nước ta.

dieu it biet ve chang trai vang thien van hoc va vat ly thien van quoc te
Trần Xuân Tùng và gia đình. Ảnh: NVCC

Trần Xuân Tùng chia sẻ, từ nhỏ em đã thích nhghiên cứu, tìm tòi những sách vở liên quan đến thiên văn học. Bản thân em cũng rất thích môn vật lý. Khi nhà trường có đợt thi tuyển môn thiên văn học và vật lý thiên văn để đại diện Việt Nam dự thi quốc tế, cậu mạnh dạn đăng ký tham gia và được lựa chọn vào đội tuyển. Chia sẻ về lý do thích môn học được cho là khô khan này, Tùng bảo ngành này đa phần là những câu hỏi mở nên người học tập và nghiên cứu có thể thỏa sức sáng tạo. Còn gì hứng thú bằng việc lúc nào trong tâm trí cũng có những điều tò mò cần giải đáp. Chính sự kích thích ấy đã giúp Tùng ngày càng yêu ngành học này hơn.

Trong quá trình học tập và nghiên cứu, Tùng luôn được các thầy cô đánh giá thông minh, ham học hỏi và tập trung cao độ. Giây phút biết mình chính thức giành được tấm HCV đầu tiên cho ngành thiên văn học và vật lý thiên văn Việt Nam, Tùng vui sướng tột cùng. Đây chính là món quà vô giá đền đáp cho công lao của các thầy cô trong đoàn, cho gia đình đã luôn bên cạnh động viên, chia sẻ với Tùng, cho những tháng này vật lộn nghiên cứu, thi cử xa nhà,…

Mẹ Tùng chia sẻ, gia đình không có đủ điều kiện để đáp ứng nhu cầu học tập môn thiên văn học của Tùng vì chi phí để mua máy móc rất đắt đỏ. Nhưng nhờ vào những nỗ lực học tập của Tùng cùng sự quan tâm, tận tình giúp đỡ của thầy cô trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam và Sở GD&ĐT Hà Nội, Tùng đã có cơ hội được học tập và nghiên cứu, đi sâu vào thực tiễn. Nhờ đó, cậu mới gặt hái được thành công như ngày hôm nay.

Điều đặc biệt ở chàng trai tài năng này là cậu rất thích chơi game. Tùng cho biết việc chơi game sau những giờ học tập căng thẳng chính là một cách giải tỏa stress hiệu quả. Ngoài giờ học, Tùng không có nhiều đam mê bay nhảy, vui chơi như bạn bè cùng trang lứa. Hỏi Tùng, điều đó có làm cuộc sống của cậu thiếu đi sự thú vị, cậu bảo thiên văn học và vật lý thiên văn chính là đam mê lớn nhất nên chỉ cần đầm mình trong niềm đam mê đó đã là một hạnh phúc lớn lao. Điều mà cậu luôn mong muốn chính là được theo đuổi ngành học này lâu dài.

Tùng cho biết cậu có khát khao đưa ngành này của Việt Nam lên một tầm cao mới bởi hiện tại, đây là ngành học chưa được các bạn trẻ chú trọng và yêu thích. Chắc chắc rằng, với tài năng, ý chí và khao khát chinh phục những đỉnh cao nhiều khó khăn, Tùng sẽ luôn truyền cảm hứng học tập, phấn đấu cho các bạn trẻ. Muốn thành công không có con đường nào khác là phải mạnh mẽ bước đi với tất cả sự cố gắng của bản thân. Dù có chông gai, khó khăn phía trước hãy cứ bản lĩnh vượt qua để không bao giờ phải nói hai từ hối tiếc, giá như. Cuối cùng, rồi thành công cũng sẽ mỉm cười.

An Nhiên