19/01/2025 | 10:22 GMT+7, Hà Nội

Điểm mới trong dự thảo tờ trình Chính phủ về hoạt động bán hàng đa cấp

Cập nhật lúc: 15/11/2016, 11:27

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công Thương chủ trì xây dựng Dự thảo Nghị định của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp (thay thế Nghị định số 42/2014/NĐ-CP ngày 14/5/2014 về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp), Bộ Công Thương đã xây dựng dự thảo Tờ trình Chính phủ và dự thảo Nghị định.

Tại Dự thảo tờ trình Chính phủ, Bộ Công thương đã đưa ra một số điểm mới, bổ sung so với Nghị định cũ.

Mở rộng phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

Phạm vi điều chỉnh của Nghị định số 42/2014/NĐ-CP chỉ giới hạn ở hoạt động bán hàng đa cấp của các doanh nghiệp bán hàng đa cấp, người tham gia bán hàng đa cấp và các tổ chức, cá nhân có liên quan.

Để có cơ sở xử lý hoạt động kinh doanh đa cấp biến tướng nhằm thực hiện các hành vi huy động vốn trái phép thời gian qua, Dự thảo Nghị định mở rộng phạm vi để điều chỉnh hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp nói chung.

Theo đó, ngoài các đối tượng áp dụng như tại Nghị định số 42/2014/NĐ-CP, Dự thảo Nghị định còn áp dụng cho cả các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp.

Sửa đổi, bổ sung điều kiện đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp 

Bổ sung quy định nhằm minh bạch hóa thông tin

Để bảo vệ quyền lợi của người tham gia bán hàng đa cấp, Dự thảo Nghị định bổ sung quy định nhằm minh bạch hóa thông tin của doanh nghiệp bán hàng đa cấp, cụ thể:

(1) Yêu cầu doanh nghiệp xây dựng và vận hành hệ thống công nghệ thông tin quản lý nhà phân phối để nhà phân phối có thể truy cập và truy xuất các thông tin liên quan đến hoạt động bán hàng đa cấp của họ.

Máy chủ quản lý phải được đặt tại Việt Nam và cung cấp quyền truy cập tài khoản quản lý khi được cơ quan có thẩm quyền yêu cầu.

(2) Yêu cầu doanh nghiệp xây dựng và vận hành website để thông tin về doanh nghiệp, sản phẩm, kế hoạch trả thưởng, quy tắc hoạt động và Chương trình đào tạo cơ bản của doanh nghiệp, danh sách đào tạo viên.

Phải công bố, cập nhật giá bán của sản phẩm, nêu rõ giá bán do doanh nghiệp tự công bố và chịu trách nhiệm, không phải do cơ quan có thẩm quyền thẩm định và xác nhận.

Doanh nghiệp phải công bố công khai thông tin về hoạt động bán hàng đa cấp, quy trình thực hiện các giao dịch với người tham gia bán hàng đa cấp, việc xử lý vi phạm, chấm dứt hợp đồng của người tham gia bán hàng đa cấp....

Sửa đổi, bổ sung điều kiện đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp

Luật Doanh nghiệp 2014 và Luật Đầu tư 2014 đã không còn quy định về vốn pháp định và đăng ký ngành nghề kinh doanh của doanh nghiệp.

Vì vậy, các quy định tương ứng trong điều kiện đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp quy định tại Nghị định 42/2014/NĐ-CP cũng cần được loại bỏ để đảm bảo tính đồng bộ.

Không cho phép doanh nghiệp bán hàng đa cấp tổ chức các hoạt động trung gian thương mại phục vụ mạng lưới bán hàng đa cấp

Thực tế hoạt động bán hàng đa cấp thời gian qua cho thấy một số doanh nghiệp bán hàng đa cấp đã sử dụng các hình thức trung gian thương mại (đại diện, môi giới, ủy thác, đại lý) để phát triển và mở rộng mạng lưới của mình.

Tuy nhiên, khi xảy ra tranh chấp với người tham gia bán hàng đa cấp, một số doanh nghiệp đã đùn đẩy trách nhiệm cho các tổ chức, cá nhân trung gian này.

Các cơ quan quản lý không thể quy trách nhiệm cho doanh nghiệp bán hàng đa cấp mà chỉ có thể xử lý các tổ chức, cá nhân trung gian, làm giảm hiệu quả thực thi của pháp luật.

Để nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp bán hàng đa cấp, Dự thảo Nghị định bổ sung quy định doanh nghiệp không được tổ chức các hoạt động trung gian thương mại phục vụ trực tiếp cho việc duy trì, phát triển và mở rộng mạng lưới bán hàng đa cấp của mình.