19/01/2025 | 10:27 GMT+7, Hà Nội

Điểm danh những vụ việc khiếu nại đáng chú ý trong tháng 10

Cập nhật lúc: 14/11/2016, 13:51

Riêng trong tháng 10/2016, Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) đã nhận được 53 đơn thư khiếu nại của người tiêu dùng qua các phương thức khác nhau như gửi qua bưu điện, qua trang web bảo vệ người tiêu dùng và gửi qua email.

Song song với đó, Cục Quản lý cạnh tranh (QLCT) cũng đã tiến hành tư vấn, hỗ trợ người tiêu dùng thông qua Tổng đài 1800-6838.

Trong số 53 đơn thư khiếu nại, có một số vụ việc đáng chú ý như sau:

Vụ việc khiếu nại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Hàng hải (Maritime Bank)

Ngày 06/10/2016, Cục QLCT nhận được đơn khiếu nại của người tiêu dùng Nguyễn N.A. về việc ngân hàng Maritime Bank trừ tiền phí thường niên sử dụng thẻ tín dụng trong khi người tiêu dùng không đăng ký sử dụng thẻ của ngân hàng.

Sau khi nhận được thông báo của Cục về việc tiếp nhận và giải quyết khiếu nại, Ngân hàng đã liên hệ, cung cấp thông tin và đạt được phương án giải quyết thống nhất với người tiêu dùng.

Trong tháng 10, có 53 đơn thư khiếu nại của người tiêu dùng qua các phương thức khác nhau gửi tới Cục Quản lý cạnh tranh

Vụ việc mua hàng qua trang web Lazada.vn

Trong tháng 10/2016, Cục Quản lý cạnh tranh đã nhận được đơn khiếu nại của 3 người tiêu dùng mua hàng trên trang web Lazada.vn do Công ty TNHH Recess quản lý, cụ thể như sau:

- Người tiêu dùng N.T mua sản phẩm tivi LED Asanzo 43 inch Full HD, khi nhận hàng thì phát hiện tivi bị rạn một nửa màn hình. Sau 13 ngày phản ánh với Công ty, người tiêu dùng không nhận được phản hồi về việc giải quyết khiếu nại;

- Người tiêu dùng Nguyễn T.M.H mua sản phẩm điện thoại Asus Zenfone 2, sau khi nhận, kiểm tra sản phẩm thì phát hiện số imei trên sản phẩm không trùng với số imei trên phiếu bảo hành;

- Người tiêu dùng L.V.T mua sản phẩm sữa bột Pediasure, sau khi sử dụng thấy sữa có dấu hiệu kém chất lượng. Người tiêu dùng đề nghị Công ty hoàn tiền, tuy nhiên trong quá trình làm việc với người tiêu dùng, Công ty đã đưa ra những giải thích không rõ ràng gây tâm lý bức xúc.

Sau khi Cục QLCT thông báo về đề nghị Công ty TNHH Recess tiếp nhận các khiếu nại trên, Công ty đã tiến hành hoàn tiền (đối với sản phẩm Tivi và sản phẩm sữa bột Pediasure) và giải thích (đối với sản phẩm điện thoại), đồng thời thực hiện các biện pháp bù đắp quyền lợi cho khách hàng như xin lỗi và tặng quà.

Vụ việc bảo hành điện thoại Iphone

Người tiêu dùng Châu V.Th. gửi đơn khiếu nại về việc điện thoại Iphone mắc lỗi không khởi động được nguồn kể cả khi đã cắm sạc, theo đó người tiêu dùng đã mang đến Trung tâm Bảo hành Thuận Mỹ (địa điểm bảo hành chính thức các sản phẩm Apple tại Việt Nam) và được xác nhận sản phẩm sẽ được bảo hành.

Tuy nhiên, khi Trung tâm Thuận Mỹ gửi điện thoại sang Apple Service thì bị từ chối bảo hành.

Sau khi nhận được đơn khiếu nại, Cục QLCT đã liên hệ với các bên liên quan, trong đó có Công ty Apple tại Singapore. Sau quá trình trao đổi, Công ty đã đồng ý đổi mới sản phẩm cho người tiêu dùng.

Vụ việc mua mỹ phẩm qua facebook

Ngày 11/10/2016, Cục QLCT nhận được đơn khiếu nại của người tiêu dùng Ph. H.Tr. về việc mua 3 sản phẩm làm đẹp của Hàn Quốc trên facebook với tổng trị giá 450.000 đồng, tuy nhiên khi nhận hàng thì phát hiện là hàng giả.

Đối với việc mua hàng qua mạng, đặc biệt là mua hàng qua facebook, Cục QLCT khuyến cáo người tiêu dùng như sau:

- Cân nhắc kỹ càng trước giá cả và nguồn gốc của sản phẩm;

- Khi xảy ra tranh chấp mà không thể liên hệ với người bán, người tiêu dùng nên để lại đánh giá (feedback) trên các trang facebook bán hàng, trong đó nêu rõ vụ việc của mình;

- Quan trọng nhất, do tính chất đặc biệt của việc bán hàng qua facebook, người tiêu dùng nên tham khảo kỹ từ nhiều nguồn và lựa chọn nơi uy tín để giao dịch.