21/01/2025 | 14:40 GMT+7, Hà Nội

Đi lễ đầu năm: "Không phải lễ vật nhiều trước mặt thần thánh mới gặp điều tốt"

Cập nhật lúc: 17/02/2019, 12:00

Theo PGS.TS văn hóa học Phạm Ngọc Trung, dù đi lễ chùa hay đi lễ hội là phải thành tâm. Tâm phải tĩnh, hướng thiện chứ không phải để lễ vật nhiều trước mặt thần thánh…!

Đầu Xuân là thời điểm hàng nghìn lễ hội lớn nhỏ diễn ra trên khắp cả nước. Việc đi lễ chùa, lễ hội đầu năm như thế nào cho đúng và mang giá trị nhân văn là điều rất đáng lưu tâm của rất nhiều người. Nhân dịp này, PV đã có buổi trao đổi với PGS.TS Văn hóa học Phạm Ngọc Trung, nguyên Trưởng khoa Văn hóa - Phát triển (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) về những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc quaviệc đi lễ chùa, đilễ hội đầu năm.

- Bao giờ cũng vậy, sau dịp Tết Nguyên đán là hàng nghìn lễ hội mở ra ở khắp các địa phương trong cả nước, chúng ta đang tốn quá nhiều thời gian cho việc vui xuân đầu năm, thưa ông?

- PGS.TS Phạm Ngọc Trung: Như chúng ta đã biết, hiện cả nước có khoảng hơn 8.000 lễ hội lớn, nhỏ trải rộng khắp đất nước trong bốn mùa. Mỗi lễ hội mang một nét tiêu biểu và giá trị riêng, là cầu nối giữa quá khứ với hiện tại, làm cho thế hệ trẻ hôm nay hiểu được công lao tổ tiên, thêm tự hào về truyền thống quê hương, đất nước của mình.

Tien-sy-pham-ngoc-trung01

PGS.TS Văn hóa học Phạm Ngọc Trung, nguyên Trưởng khoa Văn hóa - Phát triển (Học viện Báo chí và Tuyên truyền).

Trong đời sống xã hội hiện nay, nước ta đang đổi mới để theo kịp sự phát triển của khu vực và thế giới. Từ đó, xuất hiện hai luồng tư tưởng cũng như hai phong cách sinh hoạt dịp đầu xuân, trong đó một bộ phận nhân dân vẫn mải mê sống theo truyền thống nông nghiệp. Họ vẫn cứ nghỉ triền miên cả tháng.

Còn lại nhóm người sống theo guồng máy công nghiệp, guồng máy đô thị như: Công chức, viên chức, sinh viên học sinh, công nhân… nên phải theo guồng mới. Chúng ta phải tuyên truyền giáo dục để người dân thay đổi nhận thức và không nên giữ quan niệm cũ - văn minh nông nghiệp.

- Lễ hội là hoạt động văn hoá tín ngưỡng, tuy nhiên kéo dài lại làm nảy sinh những tệ nạn xã hội, ông nhìn nhận thế nào về vấn đề này?

- PGS.TS Phạm Ngọc Trung: Lễ hội dù ngắn hay dài nếu như công tác quản lý hoạt động văn hóa, lễ hội không tốt đều có thể sinh ra cái gọi là tiêu cực, mất an ninh. Ví dụ, Lễ hội chọi trâu ở Phúc Thọ (Hà Nội) hay Sầm Sơn (Thanh Hóa) nhiều năm qua diễn ra sự cạnh tranh không lành mạnh, thương mại hóa như bán thịt trâu chọi với giá rất cao. Trước đây, trâu chọi xong mổ ra là phát cho nhân dân. Những người nhận thịt trâu tự đưa bao nhiêu tiền thì đưa. Hay như lễ hội chém lợn cũng là một ví dụ điển hình về sự phản cảm nhưng đến nay đã thay đổi làm kín đáo và không còn dung tục.

- Việc du xuân, cúng bái theo phong trào, đôi khi lố lăng thể hiện sự thiếu hiểu biết của một bộ phận người Việt về văn hoá, tín ngưỡng. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

- PGS.TS Phạm Ngọc Trung: Tại các lễ hội tâm linh việc thờ cúng có từ lâu đời, đó là những truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Tuy nhiên, nếu không hiểu sâu về văn hóa, tín ngưỡng mà thực hiện nghi lễ theo số đông hay tự phát dễ dẫn đến phản cảm.

Tham gia lễ hội sẽ có một bộ phận là các nhà quản lý, nhà trí thức hiểu biết về văn hóa. Họ tham gia một cách điềm đạm, đúng quy định và cảm thấy chất văn hóa, chất thanh cao, rất rõ nét.

Nhóm thứ hai có thể tạm gọi là không hiểu biết sâu về văn hóa mà hiểu sai lệch, đi cứ đến đâu cầu cúng lễ đến đó, lễ bái nhiều, với tâm lý cầu càng nhiều năm đó sẽ được nhiều tài lộc… Đó là quan điểm sai lầm.

Tôi từng đến Lạng Sơn, đến Lễ hội bà Chúa Kho tại Bắc Ninh. Tại đó, có những người dâng lễ hóa lễ vật lên đến hàng trăm triệu đồng với 4 - 5 con voi, con ngựa to như thật để hóa. Như vậy thì quá tốn kém và do họ không hiểu biết đúng về văn hóa, cũng như các nghi lễ tâm linh.

Nhóm thứ ba cũng không hiểu sâu về văn hóa, khi thấy mọi người làm lễ theo tâm lý đám đông cùng với sự ganh đua, ai cũng muốn mâm cao cỗ đầy, muốn đặt mâm cỗ cúng vào vị trí trung tâm; lễ vật của mình phải trước mặt thần thánh, thần phật như thế mới đạt ý niệm…

Tôi cho rằng, những quan điểm như thế là sai lầm. Có rất nhiều người hàng xóm, hay họ hàng của tôi cũng hay đến những nơi tâm linh để cầu, thờ cúng nhưng đến nay chưa thành đạt hay giàu có.

Vậy tốt nhất, để đạt được những cái gọi là nguyện vọng của mình, tôi cho rằng chúng ta phải phấn đấu lao động, học tập, sản xuất liên tục và có một kế hoạch cụ thể mới thành công được.

Le-hoi01

Đi lễ chùa hay đi lễ hội là phải thành tâm. Tâm phải tĩnh hướng thiện. Không cần phải chen lên hàng trên, không phải để lễ vật nhiều trước mặt thần thánh mà gặp được điều tốt.

- Những năm gần đây, không ít người trẻ, người có học thức sa đà vào mê tín dị đoan. Ông đánh giá như thế nào về hiện thực này?

- PGS.TS Phạm Ngọc Trung: Đúng là có hiện tượng này. Có thể theo truyền thống gia đình, từ bé họ đã theo cha mẹ, đến đình chùa, đền thờ, miếu mạo nên giờ vẫn duy trì. Thứ hai, có thể trong cuộc sống bây giờ người ta cho rằng giữa thế giới hiện tại với thế giới tâm linh có những mối quan hệ với nhau. Họ cho rằng có thờ có thiêng và việc cúng lễ như vậy sẽ giúp bạn trẻ yên tâm trong năm mới để lao động sản xuất, học hành thành đạt…Tôi cho rằng, nếu dừng ở mức đó thì chấp nhận được nhưng có một bộ phận không nhỏ lớp trẻ cuồng tín, cúng lễ vật phẩm nhiều, cầu cúng rất mê say.

Họ cho rằng muốn học hành giỏi giang hay làm ăn phát đạt, tình duyên như ý thì cầu cúng sẽ đạt được. Suy nghĩ và hành động đó thể hiện rằng họ chưa hiểu biết sâu về cái gọi là văn hóa lễ hội, đình chùa, miếu mạo của Việt Nam.

Tôi nghĩ rằng, xã hội văn minh hiện đại, các bạn trẻ phải phấn đấu học tập, đam mê lao động bằng sức trẻ thì những kỳ vọng từ thần thánh sẽ giảm đi và có cuộc sống tốt đẹp hơn.

- Gần đây, một số doanh nhân đầu tư khá nhiều, xây dựng các quần thể chùa chiền với quy mô hoành tráng, phô trương. Ông nhìn nhận thế nào về việc này?

- PGS.TS Phạm Ngọc Trung: Việc đông đảo nhân dân, doanh nghiệp thành tâm có những đóng góp về kinh phí, vật liệu, vật tư trí tuệ, sức lao động… để xây dựng những công trình kiến trúc tâm linh lịch sử là rất tốt, cần khuyến khích. Bởi từ trong lịch sử Việt Nam cũng như thế giới các quốc gia xây dựng công trình tâm linh như: Nhà chùa, nhà thờ, thánh đường… phần lớn không chỉ có cá nhân hay tổ chức nào chung sức để xây dựng mà còn có sự đóng góp của nhân dân.

Le-hoi02

Đầu xuân là thời điểm hàng nghìn lễ hội trên cả nước được tổ chức.

Những công trình kiến trúc tâm linh đó nếu được sự ửng hộ của nhân dân về mặt tinh thần thì mới dẫn đến ủng hộ về vật chất tạo ra sự đồng thuận trong xã hội, tạo sự đoàn kết trong nhân dân tôi cho rằng là tốt.

Tuy nhiên, bất cứ xây dựng các công trình kiến trúc tâm linh nào thì các đơn vị, tổ chức cá nhân phải hiểu sâu về văn hóa, truyền thống của dân tộc thì tâm mình mới bình an và thành công.

Không nên có suy nghĩ mình đóng góp nhiều vàng, tiền bạc là sẽ được bổng lộc của Phật, hay thần thánh phù hộ. Những công trình tâm linh hướng con người đến cái thiện, sống tốt đời đẹp đạo. Xu hướng xây chùa, đóng góp nhiều là tốt nhưng phải là những đồng tiền bằng mồ hôi sức lao động của mình chứ không phải những đồng tiền bất chính tham nhũng…

Tâm xuất là Phật biết. Đi lễ chùa hay đi lễ hội là phải thành tâm. Tâm phải tĩnh hướng thiện. Không cần phải chen lên hàng trên, không phải để lễ vật nhiều trước mặt thần thánh mà gặp được điều tốt.

- Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!