Đi du lịch ở đâu thời điểm virus Corona bùng phát?
Cập nhật lúc: 05/02/2020, 07:20
Cập nhật lúc: 05/02/2020, 07:20
Ngày 28/01/2020, Tổng cục Du lịch đã có công văn số 78/TCDL-LH gửi các Sở Du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch, các doanh nghiệp du lịch trên toàn quốc yêu cầu tạm dừng đưa, đón khách du lịch đến vùng có dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus Corona.
Nhiều công ty lữ hành cho biết, Tết Nguyên đán vừa qua họ phải hủy toàn bộ các tour đi du lịch Trung Quốc hoặc từ Trung Quốc tới Việt Nam. Anh Nguyễn Tiến Đạt, Giám đốc Công ty du lịch AZA chia sẻ: “Từ Tết tới hết mùa hè là mùa cao điểm khách Trung Quốc tới Việt Nam. Đây cũng là thị trường chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu lượng khách quốc tế đến nước ta, chiếm 1/3. Mất thị trường này không chỉ chúng tôi mà toàn ngành du lịch bị ảnh hưởng nặng nề. Ngoài ra, việc dịch bệnh lây lan sang các nước cũng sẽ kiến 2/3 thị trường còn lại bị sụt giảm theo”.
Đại diện Công ty du lịch Vietravel cho hay, dịp Tết Nguyên đán 2020, Vietravel đã hủy khoảng 60 đoàn khách Trung Quốc sang Việt Nam (khoảng 1.000 khách). Hiện tại, công ty đã hủy tất cả tour từ Trung Quốc sang Việt Nam. Theo đánh giá của đơn vị này, không chỉ các doanh nghiệp lữ hành bị ảnh hưởng mà mọi dịch vụ đi kèm như hàng không, ô tô, nhà hàng, khách sạn… cũng sẽ đều gặp khó khăn và thiệt hại đáng kể trong thời gian tới.
Là chủ một nhà nghỉ nằm giữa khu phố du lịch nổi tiếng Vườn Đào, Bãi Cháy, Quảng Ninh - nhà nghỉ Bình Minh, anh Nguyên đang cảm thấy hoang mang lo lắng vì nguồn thu chính từ khách Trung Quốc bị mất.
“Nguồn thu của gia đình phụ thuộc hoàn toàn vào khách du lịch, giờ thì không biết đến bao giờ virus mới được kiểm soát, lượng khách từ Tết đến giờ thì ít đến đáng thương. Chúng tôi cũng chưa nghĩ ra được cách gì để cải thiện tình hình kinh doanh trong thời gian tới”, anh Nguyên nói.
Cũng theo anh Nguyên, không chỉ có gia đình anh mà tất cả những cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch như nhà hàng, khách sạn, tàu, cửa hàng bán đồ lưu niệm, chợ… liên kết cùng anh đều đang cảm thấy đau đầu vì dịch bệnh. Khách Trung Quốc, Việt Nam và Nga chiếm tới 80% lượng khách tới Hạ Long nhưng nay đã mất hẳn nguồn thu từ Trung Quốc, người dân trong nước thì sợ hãi tránh dịch nên không rõ đến khi nào việc kinh doanh mới ổn định lại.
Dịch bệnh bùng nổ ảnh hưởng tiêu cực tới ngành du lịch, nhưng một số doanh nghiệp cho rằng đây là cơ hội để Việt Nam cơ cấu, định hướng lại sự phát triển của ngành.
Anh Nguyễn Văn Cường, Chủ tịch Công ty TT Group nhận định, ngành du lịch đang bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh nhưng đây cũng là dịp tốt để sàng lọc đối tượng khách, chấn chỉnh tình trạng chất lượng du lịch kém trong những năm qua.
“Khách du lịch Trung Quốc đang chiếm 1/3 lượng khách quốc tế tới Việt Nam nhưng chỉ được về số lượng còn lại ảnh hưởng khá xấu tới du lịch Việt Nam. Thông thường, họ đến đâu sẽ bị mất khách Tây Âu, Bắc Mỹ đến đó, trong khi đây lại là những đối tượng vừa tạo ra nguồn thu lớn, vừa không gây áp lực đến hạ tầng du lịch, xã hội. Nhân cơ hội này, du lịch Việt Nam chấn chỉnh và định hướng lại để đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn của nước ta”, anh Cường nói.
Theo Tổng cục Du lịch, lượng khách Trung Quốc đến Việt Nam trong năm 2019 qua chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu khách quốc tế, trung bình dao động từ 30 - 50%. Trước khi dịch bệnh bùng phát, tháng 1/2020, ngành du lịch Việt Nam ghi nhận lượng khách quốc tế đến ước đạt gần 2 triệu lượt người, tăng 32,8% so với cùng kỳ năm trước, cao nhất từ trước đến nay. Trong đó, tăng mạnh nhất là khách Trung Quốc - tăng 72,6%, đạt 644.700 lượt khách.
Trước tình hình khó khăn đó, anh Nguyễn Tiến Đạt, giám đốc Công ty Du lịch AZA cho rằng, thị trường quan trọng nhất là Trung Quốc không còn, thị trường du lịch toàn cầu cũng sẽ giảm theo nhưng nhiều nhất ở những nước có người bị nhiễm virus Corona như Thái Lan, Hàn Quốc, Singapore… hay như Việt Nam.
“Nếu Việt Nam để dịch bùng phát và trở thành ổ dịch thì du khách nước ngoài (khách Châu Âu, Châu Mỹ, Nhật, Hàn, Nga…) sẽ rất sợ đến Việt Nam. Đó là điều chúng ta cần quan tâm vì chúng ta đã mất 1/3 lượng du khách Trung Quốc, 2/3 còn lại cũng bị ảnh hưởng thì ngành du lịch năm 2020 sẽ bị giảm tới đáy. Do đó, tình hình du lịch của Việt Nam sẽ phụ thuộc vào sự quản lý, kiểm soát dịch của Nhà nước trong giai đoạn này.
Trong trường hợp Nhà nước kiểm soát được dịch trong 1, 2 tháng tới thì cũng sẽ mất thêm 2 đến 3 tháng để ổn định dần ngành du lịch", anh Đạt nói.
Không chỉ có thị trường khách quốc tế tới Việt Nam bị ảnh hưởng mà ngay cả thị trường khách nội địa cũng có sự xê dịch lớn. Theo anh Đạt, thực tế nhiều người lo ngại đi du lịch giữa đại dịch Corona, nhưng vẫn có nhiều người sẵn sàng xách balo lên và đi. Đơn giản đối với họ du lịch là cuộc sống.
"Không phải cứ đi du lịch là không an toàn. Quan trọng là đi đâu và khi đi du lịch cần lưu ý điều gì", anh Đạt chia sẻ.
Theo anh Đạt nên chia thành 3 thị trường. Thứ nhất là Trung Quốc và đã bị đóng cửa do dịch bệnh. Thị trường thứ hai là những nước ngoài Trung Quốc, nhưng vẫn có người bị nhiễm virus như Thái Lan, Hàn Quốc, Đài Loan, Mỹ… mặc dù bị ảnh hưởng nhưng vẫn có khách lựa chọn đi du lịch. Nguyên nhân là do đây là thị trường có tiềm năng và nhu cầu khá lớn.
Thị trường thứ 3 là những nước không bị nhiễm virus. Mặc dù tâm lý chung sợ nhiễm bệnh khi đến những nơi công cộng như sân bay, nhưng thay vì đi Trung Quốc hay những nước bị nhiễm bệnh thì du khách sẽ chuyển hướng sang những nước này như Myanma, Bali (Indonesia), Maldives, Châu Phi, Châu Mỹ… Nguyên nhân là do đây là những nước có khí hậu nóng, chủ yếu là thiên nhiên, nhiệt độ trên 30 độ C, dịch bệnh khó tồn tại và hạn chế virus lây lan hơn so với những nước du lịch hiện đại như Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan… nơi mà nhiều điểm du lịch đều ở trong phòng kín.
Ngoài ra, Việt Nam cũng có một số nơi để du khách lựa chọn đi du lịch như Phú Quốc, Ninh Thuận, Bình Thuận, Tuy Hòa, Phú Yên… Nơi có nhiệt độ cao, luôn nắng gắt...
“Khách du lịch nên lưu ý các biện pháp phòng tránh dịch bệnh khi đi du lịch như đeo khẩu trang nơi công cộng ở các nước và vùng có người nhiễm bệnh, thường xuyên rửa tay xà phòng, bổ sung nhiều vitamin C để tăng sức đề kháng, thường xuyên uống nước để giữ ẩm cổ họng, không nên dùng chung đồ cá nhân...”, anh Đạt đưa ra lời khuyên.
14:12, 03/02/2020
13:46, 03/02/2020
11:55, 03/02/2020