19/01/2025 | 10:37 GMT+7, Hà Nội

Đến hẹn lại... lo chuyện cúm gia cầm lây sang người dịp cận Tết Nguyên đán

Cập nhật lúc: 23/01/2019, 01:12

Đề cập đến nguy cơ dịch cúm gia cầm xuất hiện trong mùa đông - xuân năm nay, Cục Y tế dự phòng cho biết, các chủng virus cúm gia cầm độc lực cao đang lưu hành ở một số quốc gia trong khu vực hiện nay, chủ yếu là cúm A/H5N1, cúm A/H1N1, cúm A/H7N9, cúm A/H10N8, cúm A/H5N6.

Ngày 20/1, Bộ trưởng Y tế Romania Sorina Pintea cho biết số người tử vong vì nhiễm virus cúm gia cầm AH3 từ đầu năm 2019 đến nay tại nước này đã lên đến 20. Hầu hết những người mắc bệnh đều chưa được tiêm vaccine phòng cúm và mắc bệnh hô hấp nghiêm trọng, tờ Romaniajournal đưa tin.

Romania là nước chỉ có 8% dân số tiêm chủng, thấp gần cuối cùng trong số các quốc gia châu Âu.

 Người dân tuyệt đối không ăn tiết canh và sử dụng thịt, sản phẩm gia cầm ốm, chết, không rõ nguồn gốc

Người dân tuyệt đối không ăn tiết canh và sử dụng thịt, sản phẩm gia cầm ốm, chết, không rõ nguồn gốc

PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, trong tháng cuối năm 2018, tình hình dịch bệnh trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp. Còn tại Việt Nam, một số bệnh truyền nhiễm lưu hành vẫn có số ca mắc cao hoặc gia tăng cục bộ tại một số địa phương.

Một số nơi vẫn ghi nhận rải rác bệnh cúm A/H5N6 trên gia cầm. Hiện tại là thời điểm gia tăng các hoạt động giao thương nên nguy cơ có dịch xảy ra nhiều hơn...

Đề cập đến nguy cơ dịch cúm gia cầm xuất hiện trong mùa đông - xuân năm nay, Cục Y tế dự phòng cho biết, các chủng virus cúm gia cầm độc lực cao đang lưu hành ở một số quốc gia trong khu vực hiện nay, chủ yếu là cúm A/H5N1, cúm A/H1N1, cúm A/H7N9, cúm A/H10N8, cúm A/H5N6.

Các chủng virus cúm này đều có thể xâm nhập, lây nhiễm trên các đàn gia cầm ở nước ta và gây bệnh cho người, nhất là trong dịp Tết, mùa lễ hội. Việc kiểm soát tốt được dịch bệnh trên gia cầm sẽ làm giảm nguy cơ gây bệnh sang người.

Bệnh cúm A/H5N1, cúm A/H7N9 là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus cúm A/H5N1, cúm A/H7N9 (ở gia cầm) lây sang người. Bệnh lây qua đường hô hấp, qua tiếp xúc trực tiếp với gia cầm, phân gia cầm, sản phẩm từ gia cầm, vật dụng, môi trường bị nhiễm mầm bệnh; qua ăn thịt, sản phẩm gia cầm chưa được nấu chín.

Biểu hiện của bệnh là sốt, ho, mệt mỏi, đau họng, đau người, đau cơ… Bệnh thường diễn biến phức tạp, nhanh và có thể dẫn tới tử vong. Hiện bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vaccine phòng bệnh cho người.

Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo, không giết mổ, vận chuyển, mua bán gia cầm và các sản phẩm từ gia cầm ốm, chết, hoặc không rõ nguồn gốc. Đảm bảo vệ sinh chuồng trại, tiêm phòng cho gia cầm theo hướng dẫn của cơ quan thú y.

Khi phát hiện gia cầm ốm chết phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương, cơ quan thú y, trạm y tế xã phường. Khi có biểu hiện sốt, ho, đau ngực, khó thở và có tiền sử tiếp xúc với gia cầm, phải đến ngay cơ sở y tế để được khám kịp thời.

Còn PGS.TS Trần Đắc Phu cho rằng, để chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, bảo đảm sức khỏe người dân trong dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội 2019, Cục Y tế dự phòng yêu cầu các đơn vị y tế dự phòng tăng cường hoạt động giám sát tại khu vực cửa khẩu và cộng đồng, phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh, trường hợp bệnh xâm nhập, nhất là các ổ dịch cũ. Các trường hợp về từ vùng có dịch cần tổ chức cách ly, quản lý kịp thời và xử lý triệt để các ổ dịch mới phát sinh.

Cục Y tế dự phòng cũng yêu cầu các địa phương tổ chức tốt công tác cấp cứu, phân tuyến điều trị bệnh nhân; đồng thời, thực hiện nghiêm việc kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện, phòng, chống lây nhiễm chéo tại các cơ sở khám, chữa bệnh.

Đối với người dân, cần thực hiện tốt việc vệ sinh phòng bệnh trong chăn nuôi, buôn bán, giết mổ, chế biến gia cầm và các sản phẩm gia cầm. Khi tiếp xúc với gia cầm và các sản phẩm gia cầm cần sử dụng khẩu trang, găng tay. Người dân tuyệt đối không ăn tiết canh và sử dụng thịt, sản phẩm gia cầm ốm, chết, không rõ nguồn gốc.

Q.An