19/01/2025 | 02:26 GMT+7, Hà Nội

Đề xuất tước vĩnh viễn giấy phép lái xe đối với tài xế say xỉn

Cập nhật lúc: 05/09/2019, 10:56

Tước vĩnh viễn quyền sử dụng giấy phép nếu sử dụng rượu, bia khi lái xe là một trong những đề xuất gây chú ý trong thời gian gần đây

Được biết, theo PLVN, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung nội dung của 41/142 điều của Luật XLVPHC; sửa kỹ thuật 10/142 điều của Luật XLVPHC; bổ sung mới 03 điều; bãi bỏ 02 điều sửa đổi, bổ sung 01 điều của Luật thanh tra số 56/2010/QH12.

Đối với đề xuất tước vĩnh viễn giấy phép nếu tài xế sử dụng rượu bia khi đang lái xe, trong quá trình triển khai thi hành Luật XLVPHC, nhiều ý kiến đề nghị bổ sung một số hình thức xử phạt mới trong dự thảo Luật như: Tước vĩnh viễn quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề (để xử lý đối với các hành vi vi phạm quy định về sử dụng rượu, bia, ma túy khi điều khiển phương tiện trong lĩnh vực an toàn giao thông); buộc lao động phục vụ cộng đồng… Có 02 loại ý kiến khác nhau liên quan đến vấn đề này. Loại ý kiến thứ nhất, cần thiết phải bổ sung các hình thức xử phạt nêu trên trong dự thảo Luật để đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Đề xuất tước vĩnh viễn bằng lái đối với các tài xế sử dụng rượu bia khi lái xe đang gây chú ý (Ảnh: PLVN)

Loại ý kiến thứ hai, không nhất trí bổ sung một số hình thức xử phạt mới trong dự thảo Luật, bởi đây là vấn đề lớn, liên quan trực tiếp đến quyền con người, quyền công dân đã được Hiến pháp quy định, do vậy, cần được tiếp tục nghiên cứu một cách kỹ lưỡng, có đánh giá tác động cụ thể để bổ sung khi xây dựng Luật thay thế Luật XLVPHC; trong điều kiện chỉ xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật XLVPHC như hiện nay thì việc bổ sung quy định nêu trên là không phù hợp.

Bên cạnh đó, việc xem xét tước vĩnh viễn quyền sử dụng giấy phép lái xe đối với lái xe thực hiện các hành vi vi phạm quy định về sử dụng rượu, bia, ma túy khi điều khiển phương tiện trong lĩnh vực an toàn giao thông cũng chưa phải là giải pháp căn cơ, triệt để, vì “phần gốc” của vấn đề là công tác đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe, cấp phép cho các doanh nghiệp vận tải, kiểm định phương tiện vận tải, công tác hậu kiểm… Cần phải tiến hành đồng bộ, siết chặt, nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả của các công tác này trên thực tế.

Trước đó, theo Tuổi trẻ, tại cuộc họp báo ngày 26/6, Bộ Công an thông báo, để Luật Phòng chống tác hại rượu bia, trong đó nghiêm cấm các hành vi sử dụng rượu bia trước lái xe, được thực hiện nghiêm, Bộ sẽ đề xuất Chính phủ ban hành chế tài xử lý ở mức cao với tài xế uống rượu bia, chẳng hạn tước bằng vĩnh viễn.

Thống kê mới nhất của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho thấy, mỗi năm nước ta có 15.000 người chết vì tai nạn giao thông, trong đó 4.800 trường hợp có liên quan đến say xỉn. Có tới 70% số người sau khi uống rượu, bia tại các nhà hàng vẫn tiếp tục tự lái xe, với tỷ lệ vi phạm các quy tắc an toàn giao thông rất cao: 36% chuyển hướng không đúng quy định, 26% đi ngược chiều, 17% không bật đèn xe...