19/01/2025 | 09:26 GMT+7, Hà Nội

Đề xuất cấm tua công - tơ - mét ô tô là cần thiết để bảo vệ khách hàng

Cập nhật lúc: 12/09/2023, 13:45

Không chỉ các lái xe sử dụng chiêu trò tua công – tơ – mét để ăn gian cước vận chuyển, những người bán xe cũ cũng tua để giảm chỉ số km xe chạy nhằm lừa khách hàng.

Nở rộ dịch vụ “tua công”

Việc tua công – tơ – mét (tua công) chỉ là việc làm được coi là thường ngày của dân mua bán xe. Bởi, việc tua công này để giảm chỉ số km xe chạy nhằm lừa khách hàng mua ô tô cũ. Tuy nhiên hiện nay chiêu thức này còn được nhiều lái xe thực hiện nhằn ăn gian cước vận chuyển hay rút ruột tiền thanh toán chi phí xăng dầu.

Từng mua phải chiếc xe bị “tua công”, anh Nguyễn Văn Thắng (Văn Phú, Hà Đông, Hà Nội) cho hay, cách đây 1 năm anh có mua chiếc xe Mazda 3 đời 2010. Theo như thông tin rao bán, xe này chỉ mới chạy được 8 vạn km. Khi tới xem thì thấy da bọc ghế đã nhăn đi rất nhiều, thậm chí bị nứt nhưng máy móc còn khá ổn. Chủ xe chốt giá 500 triệu đồng.

Đề xuất cấm tua công  tơ  mét ô tô là cần thiết để bảo vệ khách hàng
Một thợ sửa xe đang thực hiện "tua công" cho khách.

Tuy nhiên, khi anh Thắng mang xe tới một garage của người quen, chủ garaga sau khi kiểm tra kỹ thuật đã khẳng định, chiếc xe này đã bị “tua công”. Số km thực tế đã lên đến 14 vạn, chênh 6 vạn km so với đồng hồ km trên xe. “Sau khi biết được sự việc như vậy, tôi đã điện cho garage để đối chất, cuối cùng người này đã thừa nhận và đồng ý giảm giá xe xuống còn 450 triệu đồng” – Anh Thắng kể lại.

Để tìm hiểu thực hư việc “tua công” xe ô tô, chúng tôi có kết nối với anh Đăng Văn Đ chủ một cửa hàng chuyên buôn xe ô tô cũ trên đường Dương Đình Nghệ (Hà Nội), anh này cho hay, việc “tua công là khá phổ biến hiện nay.

Tuy nhiên việc “tua công” này chỉ dễ dàng với những loại xe phổ thông, xe đời cũ có giá bình dân. Còn với những loại xe sang thì việc “tua công” khá phức tạp, cần phải có thiết bị chuyên dụng, giá từ vài chục đến cả trăm triệu đồng tùy loại.

“Do đa số khách hàng đều không có chuyên môn gì về xe, thứ duy nhất họ đánh giá xe cũ và mới chỉ là đồng hồ chỉ công - tơ – mét. Chính vì thế việc “tua công” gần như garage nào cũng sử dụng. Theo tôi khách mua xe cũ nên chọn chỗ người quen, hoặc nhờ những người có chuyên môn đi xem xe trước khi quyết định mua”- Anh Đ tiết lộ.

Đề xuất cấm tua công  tơ  mét ô tô là cần thiết để bảo vệ khách hàng
Với những chiếc xế xịn thì việc "tua công" khó hơn rất nhiều.

Không chỉ “tua công” để bán xe cũ mà còn có hiện tượng “tua công” để tăng số km nhằm “ăn gian” cước vận chuyển hoặc thanh toán chi phí xăng dầu. Anh Đ tiết lộ, một số tài xế vẫn thường xuyên vào các garage để nhờ nhân viên điều chỉnh số ODO (đồng hồ đo quãng đường xe hạy) theo hướng tăng số km xe chạy. “Khách “tua công” thường là những lái xe cho các công ty, cơ quan Nhà nước

Nhân viên garage này cho hay, một số lái xe cho các công ty, cơ quan Nhà nước thường “tua công” để tăng chỉ số ODO nhằm thanh toán chi phí tiền xăng cao hơn mức khoán.

Một điều đặc biệt, dịch vụ “tua công” này gần đây không chỉ được làm trực tiếp tại các garage mà còn cả dịch vụ tại nhà. Chỉ cần lên mạng gõ từ khóa “dịch vụ tua công” có thể cho ra hàng loạt những dịch vụ này. Tại các trang này quảng cáo: “Tua công nhanh gọn, giá rẻ phục vụ tại nhà, giá chỉ 300 – 1 triệu đồng nghìn đồng tùy vào loại xe”.

Kết nối với một người đăng quảng cáo “tua công”, người này cho biết: “Đối với những xe đơn giản, có thể cắm trực tiếp vào cổng OBD (hệ thông có chức năng đọc thông số trên xe, giám sát hoạt động của các bộ phận quan trọng trên động cơ, đồng thời chẩn đoán lỗi của các bộ phận này và phát ra tín hiệu cảnh báo). Những dòng xe không thao tác được qua việc cắm máy vào cổng OBD đều phải tháo đồng hồ xe ra vì ở đó mới có chân cắm”.

Đề xuất cấm tua công  tơ  mét ô tô là cần thiết để bảo vệ khách hàng
Dịch vụ 'tua công" tại nhà được quảng cáo khắp các trang mạng xã hội.

Đặc biệt, để “tua công”, tăng chỉ số ODO, lái xe còn có thể tự tìm kiếm trên mạng để mua thiết bị với giá tương đối rẻ. Môt thiết bị có hành dạng tẩu cắm trên ô tô được quảng cáo, hướng dẫn như sau:“Để “tua công”, khi cắm nguồn vào, thiết bị sẽ hoạt động. Trong thời gian 60 phút sẽ hoạt động tối đa theo đồng hồ. Ví dụ, khi chạy thiết bị 60 phút thì đồng hồ xe Fortuner sẽ tăng tối đa 200 km”.

Gọi vào số điện thoại trang web trên, PV được một người đàn ông báo giá có 2 loại 500.000 và 700.000 đồng, thời gian lắp đặt chỉ mất 5 phút. Người này còn hỏi thêm: “muốn tua km lên hay xuống?”.

Theo các chuyên gia, việc “tua công” có những hậu quả rất lớn, nếu mua xe cũ bị “tua công”, người mua sẽ không thể biết thời điểm chính xác để thực hiện mục bảo dưỡng ô tô. Điều này ảnh hưởng rất nhiều đến việc vận hành, thay thế các chi tiết định kỳ. Nếu xe đang trong thời gian bảo hành mà bị phát hiện “tua công” sẽ bị hãng từ chối bảo hành.

Anh Lê Bằng (cố vấn kỹ thuật của hãng xe Nissan) cho hay, với những xe bảo dưỡng đều được lưu lại thông tin, nếu xe mang tới đại lý, bằng các biện pháp đối chiếu, kiểm tra bằng máy có thể biết được xe có bị “tua công” hay không, kể cả với nhiều mẫu xe đời mới”, cố vấn dịch vụ chia sẻ thêm.

Bổ sung Luật là cần thiết

Trước tình trạng đó, nhiều ý kiến cho rằng việc siết chặt hơn nữa Luật Trật tự an toàn giao thông là vô cùng cần thiết. Cụ thể tại dự thảo, Bộ công an đã xuất đưa nhiều nội dung liên quan đến phương tiện vào hành vi bị nghiêm cấm.

Việc nghiêm cấm cải tạo các loại xe ô tô loại khác thành ô tô chở người; tự ý thay đổi kết cấu, hình dáng, bố trí, tổng thành, hệ thống của xe không đúng với thiết kế của nhà sản xuất hoặc thiết kế cải tạo đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Chủ phương tiện cũng ko được cải tạo, lắp đặt thêm hoặc tháo bỏ phụ tùng liên quan đến an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện khi tham gia giao thông so với thiết kế, thông số kỹ thuật của nhà sản xuất đã được phê duyệt; tự ý cắt, hàn, tẩy xóa, đục lại số khung, số máy của xe cơ giới, xe máy chuyên dùng.

Ngoài ra, các hành vi tự ý can thiệp, thay đổi phần mềm điều khiển của xe cơ giới, xe máy chuyên dùng, động cơ đã được đăng ký với cơ quan quản lý, nhằm mục đích gian lận kết quả kiểm tra, thử nghiệm, kiểm định cũng bị nghiêm cấm.

Đề xuất cấm tua công  tơ  mét ô tô là cần thiết để bảo vệ khách hàng
Nhiều ý kiến cho rằng việc siết chặt hơn nữa Luật Trật tự an toàn giao thông là vô cùng cần thiết.

Như vậy, chủ phương tiện không được tự ý cải tạo xe. Nếu muốn cải tạo, chủ phương tiện phải thực hiện thủ tục cải tạo phương tiện với phương án cải tạo cụ thể (đi kèm bản vẽ thiết kế cải tạo tuỳ từng hạng mục) để cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Sau khi được phê duyệt mới thực hiện việc cải tạo và vẫn cần phải nghiệm thu, kiểm định lại phương tiện sau cải tạo.

Bên cạnh đó, so với quy định hiện hành (tại Luật Giao thông đường bộ 2008), dự thảo Luật TTATGT đã bổ sung thêm các hành vi bị nghiêm cấm như: tự ý thay đổi chỉ số trên đồng hồ báo quãng đường đã chạy của xe ô tô hay thay đổi phụ tùng xe cơ giới để tạm thời đạt tiêu chuẩn kỹ thuật của xe khi đi đăng kiểm.

Thực tế, đây là những hành vi diễn ra phổ biến trên thực tế, nhiều trường hợp xe cũ bị tua công tơ mét để nâng giá trị xe, song cũng không ít tình huống chủ xe công khai có nhu cầu thuê phụ tùng "zin" của phương tiện để lắp đặt cho xe đã "độ" mà chưa qua phê duyệt cải tạo nhằm qua mặt đơn vị đăng kiểm.

Theo các chuyên gia, việc bổ sung các quy định này vào hành vi bị nghiêm cấm là cơ sở để xây dựng chế tài xử phạt, ngăn chặn tình trạng này xảy ra, giúp đảm bảo an toàn kỹ thuật cho phương tiện.

Theo quy định hiện hành, chưa có văn bản pháp luật nào quy định cụ thể chế tài đối với hành vi tua công – tơ – mét ô tô, thay thế phụ tùng để đưa xe đi kiểm định, do đó, lực lượng chức năng chưa có căn cứ để xử phạt.

 

Nguồn: https://thuongtruong.com.vn/news/vietjet-va-tap-doan-carlyle-ky-ket-tai-tro-tau-bay-tri-gia-550-trieu-usd-109023.html