19/01/2025 | 10:38 GMT+7, Hà Nội

Đề thi theo “Hot Trend”: Được lòng học sinh, nhưng không nên lạm dụng

Cập nhật lúc: 23/12/2018, 12:13

Sau chức vô địch AFF Suzuki Cup 2018, HLV Park Hang Seo và đội tuyển Việt Nam bất ngờ xuất hiện trong đề thi học kỳ I của một số trường THPT. Đề thi được học sinh và giáo viên đón nhận một cách tích cực, bởi chủ đề “hot” đã trở thành quen thuộc trong đề Ngữ văn “mở” tại các kỳ thi.

  Đội tuyển bóng đá Việt Nam và HLV Park Hang Seo được đưa vào đề Ngữ văn học kỳ I tại TPHCM và Sơn La. Ảnh: TL

Đội tuyển bóng đá Việt Nam và HLV Park Hang Seo được đưa vào đề Ngữ văn học kỳ I tại TPHCM và Sơn La. Ảnh: TL

HLV Park Hang Seo vào đề Ngữ văn

Trong đề thi môn Ngữ văn học kỳ I dành cho học sinh lớp 12 của Trường THPT Nguyễn Du (TP HCM) có nội dung được nêu ở câu số 1 phần Làm văn với câu hỏi sau: "Viết đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về sự cống hiến hết mình của những cầu thủ vừa đăng quang ngôi vô địch AFF Cup 2018, lứa cầu thủ yêu quê hương đất nước, tự hào tự tôn dân tộc, có ý thức bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của dân tộc, lao động và học tập để khẳng định bản lĩnh, tài năng cá nhân và phục vụ cống hiến cho đất nước, sẵn sàng có mặt khi Tổ quốc cần".

Theo đánh giá của một số giáo viên dạy Ngữ văn bậc THPT, đề thi rất theo “vấn đề hot” được người hâm mộ cả nước quan tâm, vậy nên khi đọc đề bài, nhiều học sinh cảm thấy thích thú, say sưa làm bài, bày tỏ niềm yêu mến Đội tuyển bóng đá Quốc gia và khát vọng cống hiến cho Tổ quốc. Sau khi đề Văn nói trên được chia sẻ trên mạng xã hội, nhận được hiệu ứng tích cực của cộng đồng, nhất là giới trẻ, những người yêu mến bóng đá và đội tuyển Việt Nam. Nhiều học sinh lớp 12 bày tỏ mong muốn tại kỳ thi THPT Quốc gia 2019 sắp tới, đề thi môn Ngữ văn sẽ tái hiện những hình ảnh nói trên.

Trước đó, Trường THPT chuyên Sơn La cũng khiến nhiều học sinh của trường như “phát cuồng” với đề thi môn Ngữ văn học kỳ I của khối 11. Trích Status trên trang facebook của nhà báo Trương Anh Ngọc ngày 3/12/2018), với nội dung nhắc đến hình ảnh HLV Park Hang Seo, nhóm nhạc BTS của Hàn Quốc với thông điệp “Love yourself” như những sứ giả văn hóa cho đất nước mình khi ra nước ngoài. Từ hình ảnh đó, đề thi yêu cầu học sinh viết đoạn văn nói về việc cần phải làm gì trong giai đoạn hiện nay, trong vai trò của một “đại sứ văn hóa”.

Nói thêm về đề thi của trường, cô Trần La Giang, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Sơn La cho biết, đề thi học kì I môn Ngữ văn lớp 11 của trường được các giáo viên tổ bộ môn của trường thiết kế và ra đề. Những năm gần đây, giáo viên thường ra đề theo hướng “mở”, bám sát các sự kiện có tính thời sự để học sinh làm bài liên hệ thực tế, bổ sung kiến thức xã hội. Đề thi Ngữ văn có lồng hình ảnh của HLV Park Hang Seo và nhóm nhạc BTS được nhiều giáo viên và học sinh hưởng ứng, đánh giá cao. Đây cũng là cách giúp học sinh làm quen với dạng đề thi theo hướng “mở” của kỳ thi THPT Quốc gia ở môn Ngữ Văn.

Hay nhưng không nên quá lạm dụng

Dù cả hai đề thi theo chủ đề “hot” nói trên được học sinh thích thú, nhiều người đánh giá cao, song vẫn còn có những ý kiến cho rằng, việc đưa hình ảnh Đội tuyển Việt Nam cùng trích đoạn có phần chưa khớp. “Đề thi của Trường THPT Nguyễn Du có trích đoạn cho rằng, các cầu thủ “có ý thức bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của dân tộc”, “sẵn sàng có mặt khi Tổ quốc cần"… mang nhiều cảm xúc của người viết là chủ yếu. Dù rằng thành công này đáng để nhiều người học tập, noi theo. Song cần biểu đạt chuẩn hơn về khát khao, cống hiến vì màu cờ sắc áo, vì người hâm mộ cả nước, từ đó khơi dậy lòng tự hào, ý thức và khát vọng vươn lên của học sinh”, một giáo viên Ngữ văn tại Hà Nội nhận xét.

Không chỉ đội tuyển bóng đá Việt Nam, HLV Park Hang Seo, thời gian gần đây các hiện tượng âm nhạc, thể thao, cũng được đưa vào đề thi. Những đề thi này được đánh giá là “lạ”, tuy nhiên nó dường như đã trở thành trào lưu, một số đề thi gây nhiều tranh cãi. Trước đó, không ít người bất ngờ khi hai tên tuổi khá tai tiếng là “Nữ hoàng nội y” Ngọc Trinh và “Bà Tưng” có tên trong đề thi học sinh giỏi môn Văn lớp 12. Không thể phủ nhận, việc ra đề thi theo hướng “mở” được ngành Giáo dục tạo điều kiện, nhằm tránh tình trạng “học vẹt”, thay vào đó là vừa học, vừa gắn với thực tiễn xã hội. Đề thi THPT Quốc gia luôn có các câu hỏi “mở” xuất hiện ở các môn xã hội.

Đánh giá về các đề thi Ngữ văn theo hướng “mở” như hiện nay, NGƯT Đặng Đình Đại, nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Gia Thiều (quận Long Biên, Hà Nội) cho biết, đề thi ra theo hướng “mở” không chỉ ở Việt Nam mà nhiều nơi trên thế giới áp dụng, nó phù hợp với điều kiện hiện nay, nhằm khơi gợi khả năng tự học của học sinh. Hướng ra đề này chủ yếu là ở môn Ngữ văn, được học sinh hưởng ứng vì ngay cả các em học lệch về khối Tự nhiên cũng thích thú vì được “chém gió”, dễ được điểm.

“Tuy nhiên, đề thi “mở” cần phải bám sát với khả năng học, vận dụng kiến thức của học sinh, chủ đề được đề cập cũng là các thông tin quan trọng mà học sinh nắm được. Cần xác định rõ năng lực của học sinh, tính chất của kỳ thi để ra đề cho phù hợp. Học sinh ngoài nắm chắc kiến thức, cũng nên trau dồi thêm kiến thức từ cuộc sống hàng ngày, nếu làm bài không được cũng không nên đổ lỗi cho việc không nắm bắt đến sự kiện, hiện tượng nào đó trong khi báo chí nói đến nhiều, người dân bàn luận nhiều”, NGƯT Đặng Đình Đại đưa ra lời khuyên.

Thời gian qua, Bộ GD&ĐT đã có chỉ đạo các Sở GD&ĐT, trường THPT trên phạm vi cả nước tăng cường công tác chỉ đạo, quản lý hoạt động dạy học, kiểm tra đánh giá thường xuyên và học kỳ theo đúng các quy định. Việc ra đề, tổ chức kiểm tra phải đảm bảo tính chính xác, khoa học, phù hợp học sinh. Đặc biệt, nghiêm cấm ra đề và tổ chức kiểm tra, đánh giá sai quy định, vượt quá yêu cầu của chương trình. Bộ cũng yêu cầu các đơn vị, trường học rà soát, đánh giá toàn bộ hoạt động ra đề, tổ chức kiểm tra, đánh giá trong thời gian vừa qua.

Quang Anh