19/01/2025 | 06:58 GMT+7, Hà Nội

Đề phòng sốc nhiệt do nắng nóng kéo dài

Cập nhật lúc: 10/06/2019, 22:07

Sốc nhiệt do nắng nóng có thể gây ra các biến chứng não và đe doạ đến tính mạng con người. Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo người dân chủ động phòng bệnh mùa nắng nóng, đặc biệt là sốc nhiệt.

Thời tiết nắng nóng làm cơ thể ra nhiều mồ hôi, gây mất nước, điện giải, đặc biệt ở trẻ em dễ dẫn đến mắc các bệnh rối loạn chuyển hóa. Thời tiết nắng nóng làm cho thức ăn, thực phẩm dễ bị ôi thiu, dễ nhiễm nấm và vi khuẩn là nguyên nhân gây bệnh tiêu đường tiêu hóa. 

de phong soc nhiet do nang nong keo dai
Nắng nóng kéo dài khiến cơ thể mệt mỏi, dễ mất nước - Ảnh minh họa

Bên cạnh đó, khi chống nóng bằng biện pháp bật quạt gió mạnh trực tiếp vào người hoặc để nhiệt độ điều hòa quá thấp gây nên nhiễm lạnh, viêm phổi, sốc nhiệt…Đối với nhiều người lao động phải làm việc ngoài trời, trong điều kiện nắng nóng vượt quá sức chịu đựng của cơ thể có thể khiến họ bị sốc nhiệt, hôn mê.

Sốc nhiệt thường là hệ quả của việc tập luyện hay làm việc nặng trong môi trường nóng, đi kèm với việc không uống đủ nước. Trẻ nhỏ, người cao tuổi, những người béo phì và những người rối loạn bài xuất mồ hôi sẽ có nguy cơ cao bị sốc nhiệt. Những yếu tố nguy cơ khác bao gồm mất nước, sử dụng rượu bia, bệnh tim mạch và sử dụng một số loại thuốc.

Theo Ths.BS. Vũ Hồng Anh, sốc nhiệt do nắng nóng là hiện tượng thường gặp nếu như cơ thể lao động, tập luyện dưới thời tiết có nhiệt độ trên 39 độ C mà không cung cấp đủ nước để bù lại mồ hôi đã toát ra.

de phong soc nhiet do nang nong keo dai
Sốc nhiệt là hiện tượng thường gặp vào những đợt nắng nóng cao điểm - Ảnh minh họa

Để chủ động phòng bệnh mùa nắng nóng, đặc biệt là sốc nhiệt, Cục Y tế Dự phòng khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp sau: Hạn chế đi ra ngoài đường, ngoài trời nóng khi không thật cần thiết. Nếu bắt buộc phải đi ra đường, ngoài trời nóng thì phải đội mũ, mặc quần áo, đeo kính, khẩu trang… chống nóng.

Uống nhiều nước, đặc biệt là những người lao động ngoài trời, mất nước nhiều nên uống bổ sung nước chanh hoặc nước pha muối loãng, nước pha Oresol…, tuy nhiên, không nên uống nhiều nước đá hoặc nước quá lạnh dễ gây viêm họng. Không để nhiệt độ điều hòa trong phòng quá thấp hoặc không để gió quạt thổi trực tiếp gần vào người.

Thực hiện ăn chín, uống chín; đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; tăng cường dinh dưỡng, ăn thêm hoa quả để đảm bảo đủ vitamin, tăng cường sức đề kháng của cơ thể. Tăng cường vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh; vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối.

Thường xuyên lau sạch các bề mặt, vật dụng tiếp xúc hằng ngày, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà, đồ chơi trẻ em, dụng cụ học tập… bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.

Nguồn: https://kinhtemoitruong.vn/de-phong-soc-nhiet-do-nang-nong-keo-dai-5205.html