27/04/2024 | 03:57 GMT+7, Hà Nội

Để người tiêu dùng yên tâm với nông lâm thủy sản sạch

Cập nhật lúc: 18/11/2018, 23:00

Thời gian gần đây tại Quảng Trị liên tục xuất hiện các cửa hàng trưng bảng bán nông sản sạch, nông sản hữu cơ, thủy sản, nhiều nhất là rau quả và các loại trái cây trong nước sản xuất cũng như nhập ngoại.

Chúng tôi đã có dịp cùng đoàn Thanh tra đột xuất của Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (QLCLNLS&TS) Quảng Trị, ghi nhận về thực tế này.  

Liên tục thanh tra, kiểm tra VSATTP

Cửa hàng mà đoàn đặt chân đến kiểm tra đầu tiên có tên Fresta tại đường Lê Thế Hiếu và Minimax ở đường Hùng Vương của thành phố Đông Hà. Những cửa hàng này có hàng hóa đa dạng, phong phú về chủng loại, là các sản phẩm đặc sản của các vùng miền trong nước sản xuất và nước ngoài. Khi được hỏi về các giấy tờ liên quan công nhận chất lượng và truy xuất nguồn gốc sản phẩm, người bán hàng trình ra đầy đủ hồ sơ chứng minh hàng hóa có rõ nguồn gốc xuất xứ, chất lượng và đảm bảo điều kiện VSATTP.

15-41-18_thuc_phm_1
Thanh tra của Chi cục thanh kiểm tra tại cửa hàng ở đường Hùng Vương. (Ảnh: L. Q. Huy)

Tại cửa hàng này, chúng tôi gặp chị Hoàng Thu Hằng, một người dân ở phường 5. Chị Hằng chia sẻ chất lượng cuộc sống ngày càng được nâng cao thì thực phẩm an toàn là mối quan tâm hàng đầu của người tiêu dùng và đặc biệt của đa số các bà nội trợ. Do vậy chị thường đến cửa hàng Fresta và Minimax mua thực phẩm an toàn cho bữa cơm gia đình.

Đoàn tiếp tục kiểm tra các cửa hàng bán nông sản sạch, nông sản hữu cơ trên địa bàn thành phố Đông Hà như cửa hàng Nông sản sạch Triệu Phong tại đường Hàm Nghi, Green Gift tại đường Lê Thế Hiếu, nông sản hữu cơ Quảng Trị tại đường Trần Hưng Đạo… Các cửa hàng này cũng xuất trình được hóa đơn mua hàng, nguồn gốc xuất xứ sản phẩm và giấy chứng nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn VSATTP… Tuy nhiên, các cửa hàng này lại chưa chủ động minh bạch bằng việc in tên các mặt hàng đạt chuẩn mình đang bán trên bảng hiệu lớn để người tiêu dùng tìm hiểu thông tin sản phẩm trước khi mua.

Khi được hỏi về VSATTP cho bữa cơm gia đình, một chị nhân viên ngân hàng trên đường Hùng Vương cho biết lâu nay chị mua các loại nông lâm thủy sản theo niềm tin chủ quan là chính. Nghe người ta bảo nông sản sạch thì mình mua, còn thực ra cũng chưa hoàn toàn yên tâm, tin tưởng tuyệt. Chị mong muốn cơ quan chức năng luôn thanh tra, kiểm tra chất lượng các mặt hàng nông lâm thủy sản để các bà nội trợ như chị được yên tâm.  

Phải sạch để đảm bảo duy trì sức khỏe nòi giống

Ông Phan Hữu Thặng, Chi cục trưởng Chi cục QLCLNLS&TS tỉnh Quảng Trị cho biết, rau quả sạch, an toàn và trái cây chiếm thị phần lớn trong đời sống tiêu dùng của người dân Đông Hà. Tuy nhiên, đối với trái cây nước ngoài nhập về, căn cứ theo quy định tại Điều 10 Nghị định 02/2007/NĐ-CP của Chính phủ về kiểm dịch thực vật để nhập khẩu trái cây vào Việt Nam, thì các cửa hàng muốn bán trái cây nhập ngoại phải đáp ứng các điều kiện sau: Có giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật do cơ quan kiểm dịch thực vật có thẩm quyền của nước xuất khẩu cấp hoặc giấy xác nhận có giá trị tương đương. Phải phân tích nguy cơ dịch hại trước khi nhập khẩu vào Việt Nam, nếu có dịch hại thì phải được xử lý triệt để.

15-41-18_thuc_phm_3
Cán bộ Chi cục lấy mẫu rau kiểm tra dư lượng thuốc BVTV. (Ảnh: L. Q. Huy)
Ông Phan Hữu Thặng đề cơ quan chức năng khi thẩm định hồ sơ công nhận xã đạt chuẩn NTM cần chú trọng tiêu chí đảm bảo các quy định VSATTP, đặc biệt thẩm định hồ sơ ký cam kết sản xuất thực phẩm an toàn đối với các cơ sở sản xuất ban đầu nhỏ lẻ về đảm bảo ATTP và phương thức quản lý nhằm tăng cường trách nhiệm đảm bảo ATTP trong sản xuất sản phẩm nông lâm thuỷ sản.

Thế nhưng phần lớn các cửa hàng tại Đông Hà có bán trái cây ngoại chưa có các giấy này hay chủ yếu bán hàng xách tay nên cơ quan chức năng cần liên tục thanh kiểm tra để xử lý đúng pháp luật.

Theo ông Thặng, QĐ số 3075 của Bộ NN-PTNT về việc ban hành hướng dẫn xác nhận sản phẩm chuỗi cung ứng TPAT chỉ rõ các cửa hàng muốn chứng minh TPAT phải đảm bảo một trong hai tiêu chí.

Thứ nhất là sản phẩm đã được cơ quan chức năng xác nhận là TPAT, nghĩa là sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và cơ sở sản xuất đó đã được chứng nhận là sản xuất an toàn.

Thứ hai là sản phẩm đó được Chi cục QLCLNLS&TS xác nhận là TPAT, chi cục này lấy mẫu gửi đi kiểm định chất lượng sản phẩm, kiểm tra nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm theo tiêu chuẩn của quy định tại quyết định 3075, nếu đạt thì cấp giấy chứng nhận. Khi đã cấp giấy chứng nhận rồi nhưng sản phẩm vẫn nằm trong điều kiện giám sát nên chi cục vẫn thường xuyên lấy mẫu giám sát định kỳ và đột xuất để theo dõi và quản lý chặt chẽ có phải là nông sản sạch, nông sản hữu cơ không.

Ông Thặng cho biết nông lâm thủy sản sạch là chuỗi an toàn thực phẩm từ sản xuất, chế biến, phân phối đến tay người tiêu dùng để đảm bảo duy trì sức khỏe nòi giống luôn và luôn là mối quan tâm của Đảng và Nhà nước. Ở tỉnh Quảng Trị chủ trương phát triển nông lâm thủy sản sạch, nông sản hữu cơ và công nghệ cao được lãnh đạo tỉnh rất quan tâm và các cấp ngành triển khai thực hiện nghiêm túc.

15-41-18_thuc_phm_2
Chi cục lấy mẫu cá để kiểm tra chất lượng. (Ảnh: L. Q. Huy)

Ông Võ Văn Hưng, Giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Trị chia sẻ ngành luôn tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị thực hiện nhiệm vụ quản lý VSATTP nên thời gian qua vấn đề VSATTP tại Quảng Trị luôn được đánh giá cao.Vì vậy, việc minh bạch công khai các sản phẩm an toàn để người tiêu dùng yên tâm sử dụng nông lâm thủy sản sạch là điều cần thiết. Các cửa hàng, cơ sở cần phải niêm yết danh mục những sản phẩm đã được xác nhận TPAT hoặc niêm yết các sản phẩm kèm theo xuất xứ và số của giấy chứng nhận sản xuất an toàn của cơ sở sản xuất sản phẩm đó để cho người tiêu dùng tin tưởng lựa chọn.