Đề nghị bàn giải pháp tăng trưởng cao hơn mức 3,39%
Cập nhật lúc: 30/06/2020, 16:37
Cập nhật lúc: 30/06/2020, 16:37
Phát biểu khai mạc Hội nghị lần thứ hai mươi tư, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội khóa XVI diễn ra sáng 30-6, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ đề nghị mỗi Thành ủy viên cần đặt câu hỏi vì sao Hà Nội có thể tăng trưởng ở mức khá cao 3,39% trong 6 tháng đầu năm 2020? Vì sao chúng ta không thể tăng trưởng cao hơn? Ngành, lĩnh vực, đơn vị, địa phương mình phụ trách sẽ đóng góp như thế nào cho tăng trưởng chung của thành phố, cho giải quyết việc làm, tăng thu ngân sách và tăng thu nhập cho người lao động trong thời gian tới?
Hoàn thành xuất sắc "nhiệm vụ kép"
Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ, năm 2020 - năm cuối của kỳ kế hoạch 5 năm 2016-2020, năm có nhiều sự kiện trọng đại của Đảng, đất nước và Thủ đô, thành phố triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh đặc biệt. Tình hình quốc tế và trong nước có những biến động lớn, chưa từng có trong nhiều thập kỷ do tác động bởi đại dịch Covid-19. Kinh tế thế giới rơi vào suy thoái; các nước, đối tác lớn của Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng; hầu hết các ngành, lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề; nhiều hoạt động kinh tế - xã hội bị ngưng trệ. Là trung tâm lớn về kinh tế và giao dịch quốc tế, mật độ dân cư đông đúc và nhiều khách vãng lai, Thủ đô Hà Nội là một địa bàn có rủi ro cao và bị ảnh hưởng nặng nề nhất so với các địa phương trong cả nước (số ca lây nhiễm nhiều nhất, nhiều ổ dịch phức tạp như: Trúc Bạch, Bệnh viện Bạch Mai, Hạ Lôi, Đông Cứu...).
Thực hiện Lời kêu gọi của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và quán triệt tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, Ban Thường vụ Thành ủy đã ban hành Chỉ thị số 31 ngày 3-4-2020 và tại Hội nghị lần thứ hai mươi ba, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố, quán triệt tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị và Thủ tướng Chính phủ, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố đã tập trung thảo luận và đề ra quyết tâm, xác định trách nhiệm rất cao trong thực hiện nhiệm vụ kép, "Hà Nội tiên phong, gương mẫu và chiến thắng quan trọng trong cuộc chiến chống Covid-19; Hà Nội cũng sẽ tiên phong, gương mẫu và chiến thắng trong mặt trận phục hồi và phát triển kinh tế Thủ đô". Thống nhất và đồng thuận với quyết tâm đó, với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, đại dịch Covid-19 đã được kiểm soát và đẩy lùi; đến nay, trên địa bàn có 114 ca nhiễm, tất cả đã khỏi bệnh, không có người tử vong; hơn 70 ngày qua không có ca nhiễm ngoài cộng đồng.
Bí thư Thành ủy đề nghị Thành ủy tập trung thảo luận làm rõ và sâu sắc hơn sự lãnh đạo, chỉ đạo của Thành ủy, sự tham gia vào cuộc của cả hệ thống chính trị và kết quả nổi bật trong công tác phòng, chống dịch bệnh của thành phố; những bài học kinh nghiệm và cả những thiếu sót, hạn chế cần rút kinh nghiệm trong công tác này, đồng thời đề xuất những giải pháp cả về nhận thức và hành động thực tiễn để tiếp tục kiểm soát dịch bệnh, không để xảy ra làn sóng dịch bệnh thứ hai có thể bùng phát trở lại.
Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng, tác động nặng nề đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội của thành phố. Kinh tế Thủ đô giảm sâu trong tháng 4, phục hồi trở lại giữa tháng 5 và tăng trưởng khá mạnh vào tháng 6. Tổng sản phẩm trên địa bàn 6 tháng đầu năm tăng 3,39%. Đây là mức tăng trưởng khá cao, cao hơn so bình quân chung của cả nước (1,81%) và trong điều kiện tăng trưởng chung toàn cầu dự báo âm 4,9% theo dự báo mới nhất của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF).
Công tác chỉ đạo, điều hành tài chính, ngân sách khá hiệu quả, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt khá, ước thực hiện 142.013 tỷ đồng, đạt 50,9% dự toán, tăng 9,9% so với cùng kỳ; chi ngân sách địa phương ước thực hiện 34.213 tỷ đồng, đạt 33,2% dự toán, tăng 21,5%; giải ngân vốn đầu tư toàn thành phố 14.826 tỷ đồng, đạt 33% kế hoạch, tăng 64,4% so với cùng kỳ; đáp ứng nhiệm vụ thường xuyên, bảo đảm nguồn vốn chi đầu tư phát triển và phòng, chống, khắc phục khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19.
Ngay từ đầu năm 2020, thành phố đã tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp tăng thu ngân sách, nhất là xử lý các khoản nợ thuế, nợ tiền sử dụng đất... Chỉ đạo điều hành chi ngân sách đúng quy định, tiết kiệm, đáp ứng nhiệm vụ chi thường xuyên cũng như đột xuất, nhất là các khoản chi hỗ trợ an sinh xã hội và hỗ trợ doanh nghiệp theo các nghị định, nghị quyết của Chính phủ và Quốc hội. Chỉ đạo các địa phương thực hiện cắt giảm thêm ít nhất 5% dự toán chi thường xuyên còn lại của 9 tháng cuối năm 2020 (ngoài số tiết kiệm 10% dành nguồn cải cách tiền lương giao đầu năm) để dành nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch và thực hiện các chính sách an sinh xã hội...
Tuy đại dịch Covid-19 ở Việt Nam đã được kiểm soát nhưng diễn biến dịch bệnh trên thế giới đang diễn biến hết sức phức tạp; kinh tế cả nước và Thủ đô các tháng còn lại của năm 2020 sẽ còn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức. Đề nghị Thành ủy tập trung hiến kế, đề xuất giải pháp để phục hồi và phát triển kinh tế Thủ đô trong điều kiện hiện nay; các đồng chí Thành ủy viên trên các cương vị công tác khác nhau, tập trung phân tích, đánh giá những kết quả đạt được về kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội; công tác quốc phòng, quân sự địa phương; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của thành phố 6 tháng đầu năm.
Đồng chí nhấn mạnh: "Mỗi một Thành ủy viên chúng ta cần đặt câu hỏi vì sao Hà Nội có thể tăng trưởng ở mức khá cao 3,39%? Vì sao chúng ta không thể tăng trưởng cao hơn? Ngành, lĩnh vực, đơn vị, địa phương mình phụ trách sẽ đóng góp gì cho tăng trưởng chung của thành phố, cho giải quyết việc làm, tăng thu ngân sách và tăng thu nhập cho người lao động?".
Đồng thời, Bí thư Thành ủy cũng đề nghị cho ý kiến thẳng thắn về những tồn tại, hạn chế trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành cả ở cấp thành phố và từng quận, huyện, thị xã, những tồn tại, yếu kém, bất cập, vướng mắc trong giải ngân vốn đầu tư công; sắp xếp cổ phần hóa, thoái vốn ở các doanh nghiệp nhà nước; việc giải quyết những vấn đề dân sinh cấp bách như bảo vệ môi trường, quản lý và khai thác tài nguyên, chống ùn tắc giao thông; quản lý trật tự xây dựng đô thị; cải cách thủ tục hành chính; công tác tiếp dân, giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo và các vụ việc nổi cộm ở thành phố và các quận, huyện, thị xã.
Đồng chí Vương Đình Huệ cũng đề nghị các đồng chí cùng tập trung phát biểu về bài học kinh nghiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện các nhiệm vụ trong tổ chức Hội nghị "Hà Nội 2020- Hợp tác đầu tư và phát triển" vừa được tổ chức rất thành công trong ngày 27-6-2020 vừa qua. Đó phải chăng là kết quả của sự quyết liệt, năng động, sáng tạo trong chỉ đạo, điều hành; những định hướng, giải pháp tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện mạnh mẽ hơn nữa môi trường đầu tư, kinh doanh để các dự án đã trao chủ trương đầu tư, đã ký kết sớm triển khai thực hiện; chủ động thực hiện xúc tiến đầu tư hiệu quả đối với các dự án kêu gọi đầu tư; giải pháp để phấn đấu đạt kết quả cao nhất các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2020, với GRDP tăng gấp 1,3 lần so với cả nước và hoàn thành nhiệm vụ thu 285.000 tỷ đồng dự toán ngân sách nhà nước năm 2020 của thành phố.
Tổ chức đại hội đảng bộ cấp trên cơ sở bảo đảm tiến độ, chất lượng
Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ cũng cho biết, cùng với việc chỉ đạo tổ chức các hoạt động chào mừng kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh; kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng bộ thành phố Hà Nội và kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh với các hoạt động sâu sắc, ấn tượng, có sức lan tỏa bằng cách làm sáng tạo, thiết thực, phù hợp trong tình hình phòng, chống dịch Covid-19, các cấp, các ngành từ thành phố đến cơ sở đã đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân; triển khai các công trình, phần việc cụ thể, tăng cường vệ sinh môi trường, xây dựng môi trường sáng - xanh - sạch - đẹp từ thôn, tổ dân phố..., thiết thực kỷ niệm các ngày lễ lớn và chào mừng đại hội đảng bộ các cấp.
Theo đồng chí, công tác chỉ đạo đại hội đảng bộ các cấp được tập trung chỉ đạo bảo đảm tiến độ, chất lượng theo đúng hướng dẫn của Trung ương, Thành ủy (toàn Đảng bộ thành phố đã có 17.118/17.118 chi bộ tổ chức đại hội, đạt tỷ lệ 100%; tính đến ngày 22-6-2020, đã có 2.309/2.310 tổ chức cơ sở Đảng tổ chức đại hội, đạt tỷ lệ 99,96%; Thành ủy lựa chọn và đã tổ chức thành công 3 đại hội điểm đảng bộ cấp trên cơ sở, gồm: Đảng bộ quận Ba Đình, Đảng bộ huyện Gia Lâm và Đảng bộ Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội).
Nhìn chung cấp ủy các địa phương, đơn vị đã tổ chức đại hội theo đúng quy định Điều lệ Đảng; không khí đại hội diễn ra trang trọng, trang trí đúng hướng dẫn của Trung ương và Thành ủy; văn kiện và các tài liệu trong đại hội được chuẩn bị nghiêm túc, chất lượng. Công tác bầu cử nhân sự cấp ủy; nhân sự đoàn đại biểu đi dự đại hội đảng bộ cấp trên trước và trong đại hội được thực hiện bài bản, đúng quy chế bầu cử; cơ bản đúng phương án nhân sự đại hội của cấp ủy cấp triệu tập đại hội chuẩn bị được cấp ủy cấp trên phê duyệt. Nhiều cấp ủy các địa phương, đơn vị tổ chức thành công bầu trực tiếp bí thư cấp ủy tại đại hội. Công tác xây dựng văn kiện, công tác nhân sự, công tác tổ chức phục vụ Đại hội XVII Đảng bộ thành phố được chuẩn bị một cách chủ động, bài bản, khoa học.
Đồng chí Vương Đình Huệ cũng nêu rõ, các nội dung thường xuyên, trọng tâm công tác tuyên giáo, tổ chức xây dựng Đảng, kiểm tra, giám sát, dân vận, nội chính, văn phòng cấp ủy tiếp tục được triển khai đồng bộ, đạt kết quả toàn diện. Hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền các cấp được nâng lên. Vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội ngày càng được phát huy, hoạt động thiết thực, gắn với cơ sở. Công tác lãnh đạo của cấp ủy về thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh được quan tâm sâu sát; nhất là tập trung lãnh đạo thực hiện "nhiệm vụ kép" là vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, vượt qua khó khăn, thách thức, bảo đảm cuộc sống bình yên cho nhân dân Thủ đô.
Qua công tác chỉ đạo xây dựng Đảng, Bí thư Thành ủy đề nghị các đại biểu thảo luận, phân tích kỹ để rút ra kinh nghiệm và các giải pháp trong đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng. Công tác nắm bắt, dự báo diễn biến tình hình tư tưởng, dư luận cán bộ, đảng viên và nhân dân, chỉ đạo giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo, vụ việc có tính chất phức tạp, những địa phương còn có vấn đề cần quan tâm. Công tác nắm bắt tâm tư và tình hình nhân dân ở cơ sở, nhất là cán bộ không chuyên trách ở cơ sở thuộc đối tượng sắp xếp theo Đề án 21-ĐA/TU và sắp xếp, kiện toàn thôn, tổ dân phố. Vừa qua, Ban Thường vụ Thành ủy đã nhất trí để Ban Cán sự đảng UBND thành phố trình HĐND thành phố ban hành 7 nghị quyết chuyên đề, trong đó có nghị quyết về hỗ trợ kinh phí cho cán bộ thuộc diện sắp xếp, thể hiện sự quan tâm, tính nhân văn của thành phố, cần phải tập trung tuyên truyền.
Cũng theo chỉ đạo của Bí thư Thành ủy, hội nghị cần nắm bắt và có giải pháp tiếp tục chỉ đạo công tác tổ chức đại hội đảng bộ cấp trên cơ sở bảo đảm tiến độ, chất lượng theo kế hoạch; củng cố các tổ chức cơ sở đảng yếu kém; nâng cao tỷ lệ kết nạp đảng viên mới vừa bảo đảm số lượng, vừa bảo đảm chất lượng theo tinh thần Chỉ thị số 28-CT/TƯ của Ban Bí thư. Hội nghị cũng sẽ thực hiện công tác cán bộ theo quy định.
Về Báo cáo chính trị Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ Thành phố, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ chỉ rõ, xác định đây là một trong những nội dung quan trọng của Văn kiện trình Đại hội XVII Đảng bộ thành phố. Trong quá trình xây dựng, Thành ủy luôn bám sát tinh thần, quan điểm chỉ đạo của Trung ương; chỉ đạo tổng kết 8 chương trình công tác Thành ủy khóa XVI; chỉ đạo thực hiện Chương trình số 20-CTr/TU về nghiên cứu khoa học trọng điểm với 8 đề tài cấp thành phố làm cơ sở thực tiễn, luận cứ khoa học xây dựng văn kiện. Ban Biên tập đã tổ chức nhiều phiên họp, thảo luận, cho ý kiến về dự thảo Đề cương và dự thảo Báo cáo chính trị; xác định lộ trình tổ chức thực hiện.
Trên cơ sở tiếp thu ý kiến tại Hội nghị lần thứ hai mươi hai, bám sát tinh thần, quan điểm chỉ đạo của Trung ương nêu trong dự thảo các Văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng, đặc biệt là căn cứ tình hình thực tiễn do tác động của đại dịch Covid-19 trên toàn cầu, Tiểu ban Văn kiện đã chỉ đạo tiếp thu rà soát và biên tập; tổ chức in ấn và phát hành Dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố để lấy ý kiến góp ý tại đại hội các đảng bộ trực thuộc Thành ủy và tổ chức các hội nghị góp ý, thảo luận theo Kế hoạch 177-KH/TU của Ban Thường vụ Thành ủy (đã tổ chức thành công hội nghị lấy ý kiến của các đồng chí nguyên lãnh đạo thành phố; đại biểu văn nghệ sĩ, trí thức, chức sắc tôn giáo, bí thư, hiệu trưởng các trường đại học, cao đẳng; Câu lạc bộ Thăng Long; các bộ, ngành, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trung ương; xin ý kiến các sở, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể thành phố và đã đăng toàn văn dự thảo Báo cáo chính trị trên các báo của Hà Nội và Cổng giao tiếp điện tử thành phố để cán bộ, nhân dân nghiên cứu, góp ý; tới đây thành phố tiếp tục tổ chức hội nghị lấy ý kiến của Ban Cán sự đảng Chính phủ, Đảng đoàn Quốc hội, các ban Đảng Trung ương...).
Qua đó, Tiểu ban Văn kiện đã tiếp thu, biên tập, bổ sung, điều chỉnh một số nội dung như Tờ trình của Tiểu ban Văn kiện tại Hội nghị Thành ủy lần này. Đồng chí Vương Đình Huệ đề nghị các đại biểu phát huy dân chủ, trí tuệ, trách nhiệm, xem xét thống nhất về quan điểm tiếp thu và làm sâu sắc hơn những nội dung bổ sung, chỉnh sửa cả về chủ đề, phương châm Đại hội, kết cấu, nội dung, cách thức trình bày, các nhận định đánh giá về tình hình, kết quả, hạn chế, khuyết điểm, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm; dự báo tình hình, mục tiêu, định hướng 3 giai đoạn 2020-2025, 2025-2030, tầm nhìn 2030-2045 các nhiệm vụ trọng tâm, khâu đột phá, giải pháp chủ yếu để thực hiện thời gian tới.
Đề cập về Báo cáo về việc điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 tại ô đất công viên, hồ điều hòa (ký hiệu HĐH) thuộc khu vực Dự án phát triển đô thị và hạ tầng kỹ thuật phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ nêu rõ, đây là nội dung điều chỉnh thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ; Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố cho ý kiến chấp thuận về chủ trương theo Quy chế làm việc của Thành ủy. Đồng chí đề nghị các đại biểu cho ý kiến về sự cần thiết, căn cứ pháp lý và những nội dung cần lưu ý theo đề nghị tại Tờ trình của Ban Cán sự đảng UBND thành phố và cho ý kiến để Ban Cán sự đảng UBND thành phố chỉ đạo hoàn thiện trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt theo thẩm quyền.
Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ nhấn mạnh: "Hội nghị Ban Chấp hành lần này bao gồm nhiều vấn đề quan trọng, thời gian không nhiều, đề nghị các đồng chí Thành ủy viên phát huy trí tuệ, tinh thần trách nhiệm, tập trung nghiên cứu, thảo luận, cho ý kiến để hoàn thiện các báo cáo, phương hướng và xem xét, quyết định vào cuối kỳ họp. Với tinh thần đó, tôi xin tuyên bố khai mạc Hội nghị lần thứ hai mươi tư, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố khóa XVI".
13:33, 30/06/2020
10:17, 30/06/2020
09:16, 30/06/2020