19/01/2025 | 10:13 GMT+7, Hà Nội

Dạy học trực tuyến trên truyền hình có khả thi?

Cập nhật lúc: 18/02/2020, 15:56

63 tỉnh, TP đã quyết định tiếp tục cho học sinh (HS) nghỉ học để tránh dịch Covid-19. TS Lê Viết Khuyến – nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (ĐH), Bộ GD&ĐT đề xuất trong thời gian này nên chủ động...

63 tỉnh, TP đã quyết định tiếp tục cho học sinh (HS) nghỉ học để tránh dịch Covid-19. TS Lê Viết Khuyến – nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (ĐH), Bộ GD&ĐT đề xuất trong thời gian này nên chủ động chuyển sang dạy học trực tuyến trên truyền hình áp dụng cho đại trà.

Học sinh, sinh viên hoàn toàn học trực tuyến

Trong thời gian cho sinh viên (SV) nghỉ tránh dịch Covid-19, một số trường ĐH đã thực hiện đào tạo trực tuyến, đây có nên là xu hướng?

TS Lê Viết Khuyến – nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (ĐH), Bộ GD&ĐT

- Tôi được biết, vừa rồi có một số trường ĐH như ĐH Mở Hà Nội, ĐH Kinh tế Quốc dân... thực hiện đào tạo trực tuyến, như vậy là rất tốt. Nhiều trường khác cho rằng chương trình học mang tính ứng dụng, khó có thể đào tạo trực tuyến là ngụy biện. Môn học nào cũng có học phần lý thuyết và thực hành, vì thế các trường có thể dạy học trực tuyến lý thuyết trước, song hành học thực hành tại trường (theo từng nhóm nhỏ) hoặc sau.

Chỉ có điều, điều kiện để áp dụng việc học trực tuyến không dễ, bởi đối tượng người học giàu nghèo khác nhau. Không phải HS, SV nào cũng có máy tính, điện thoại thông minh, Ipad... để học, như thế sẽ rất bất tiện khi áp dụng đại trà. Vậy tại sao chúng ta không phục hồi việc dạy học trên truyền hình cho HS phổ thông và SV ĐH?

Bậc phổ thông có 12 lớp, mỗi khối lớp lại có nhiều môn học. Liệu việc dạy học trên truyền hình có khả thi?

- Tôi nghĩ là khả thi, nhất là đối với bậc học phổ thông. Trước đây, chúng ta đã thực hiện dạy học trên truyền hình và bây giờ kênh VTV7 vẫn duy trì tuy rằng thời gian không nhiều. Hiện cả nước có rất nhiều kênh truyền hình từ T.Ư đến địa phương, là lợi thế để triển khai dạy học. Theo tôi, Nhà nước nên huy động các kênh truyền hình cùng tham gia vào hoạt động giảng dạy nhiều giờ trong ngày, thậm chí cả ngày theo hình thức phi lợi nhuận.

Các kênh truyền hình cùng tham gia, có quy định rõ ràng thời khóa biểu cho từng môn học đối với từng khối lớp, áp dụng chung thống nhất trên cả nước hoặc cho từng tỉnh, TP. Các sở GD&ĐT sẽ lựa chọn giáo viên bộ môn giỏi, tiêu biểu lên dạy trên truyền hình. HS ở nhà hoặc vài ba em cùng ngồi theo dõi thầy cô dạy trên ti vi để học. Tuy nhiên, khi giảng dạy trên truyền hình, các đơn vị phải rút bớt những chương trình khác đi. Đây là lúc cần ưu tiên cho việc học của HS, SV hơn cả.

Một chương trình dạy học trực tuyến trên VTV7.

Nhưng, trong trường hợp có chỗ nào HS chưa hiểu, sẽ không hỏi ngay được các thầy cô giáo dạy trên truyền hình?

- Tôi muốn nói rõ, các bài giảng trên truyền hình là bài học mới (chứ không phải ôn lại nội dung kiến thức các bài đã học). Chính vì thế, khi giáo viên bộ môn dạy trên truyền hình, các thầy cô khác dạy môn học này ở nhà trường cũng theo dõi, để khi học sinh chưa hiểu nội dung nào đó có thể gọi điện thoại hỏi và được giải đáp ngay. Hơn nữa, khi có vài ba em cùng ngồi học, ai chưa hiểu thì được bạn bên cạnh giải thích giúp.

Có một điều hay khi giảng dạy trên truyền hình, đó là nội dung giảng bài được lưu lại. Vì thế, HS có thể vào đường link của đài truyền hình để tải về nghe giảng lại. Cũng có thể dùng hệ thống báo in để đăng nội dung đáp án bài tập giáo viên giao, trả lời những câu hỏi phổ biến mà HS thắc mắc.

Chỉ cần có quyết tâm

Đối với các trường ĐH, việc giảng bài trên truyền hình không đơn giản bởi đặc thù từng trường với những môn học và nội dung khác nhau?

- Về việc này vẫn có thể giải quyết được. Các trường ĐH có những môn học đại cương, áp dụng chung cho sinh viên năm thứ nhất như lý luận Mác – Lênin, Lịch sử Đảng... Với những môn học này hoàn toàn có thể thực hiện giảng dạy trực tuyến trên truyền hình. Ngoài ra, các môn chuyên ngành có phần lý thuyết cũng áp dụng được giảng dạy trên truyền hình.

Tương tự, các trường nghề cũng hoàn toàn có thể đào tạo trực tuyến trên truyền hình đối với những môn học chung. Với những phần thực hành thì vẫn có thể học trực tiếp tại trường theo nhóm nhỏ. Với những trường ngoài công lập, gia đình có điều kiện, việc thực hiện đào tạo trực tuyến với những phòng dạy hiện đại hoàn toàn có thể được, vẫn tiếp tục triển khai cho HS.

Giảng dạy trực tuyến là xu hướng chung của toàn thế giới, các trường học Việt Nam cũng nên theo, thay vì sử dụng hoàn toàn phương thức truyền thống hiện nay. Thời gian này cũng là cơ hội để các trường suy nghĩ về việc triển khai đại trà giảng dạy trực tuyến trong tương lai chứ không chỉ trong thời gian tránh dịch.

Sáng kiến ông đưa ra cần có thời gian để các đài truyền hình chuẩn bị phòng thu cũng như trang thiết bị phục vụ?

- Chúng ta chỉ cần có quyết tâm cao nhất. Tôi cho rằng nếu những người đứng đầu ngành và đứng đầu các địa phương ra quyết định thì các đài phát thanh - truyền hình sẽ phối hợp với những cơ sở giáo dục để triển khai và đi vào hoạt động thậm chí ngay từ ngày mai. Đài truyền hình đã có sẵn phòng thu, họ chỉ cần thay đổi chương trình phát.

Các sở GD&ĐT sẵn sàng cử giáo viên bộ môn đến để dạy và công bố các lịch phát sóng để HS biết, theo học. Các trường ĐH, cao đẳng có thể lo việc giảng dạy trực tuyến lý thuyết. Trường nào không có điều kiện dạy trực tuyến, vài ba trường cùng khối ngành có thể phối hợp với đài truyền hình để thực hiện. Tất nhiên cần ưu tiên cho khối giáo dục phổ thông trước.

Đã đến lúc toàn xã hội phải chung sức với ngành giáo dục tìm giải pháp vĩ mô chủ động đối phó với mọi diễn biến xấu có thể của đại dịch Covid-19 hơn là chỉ thụ động cho HS, SV nghỉ học chờ hết dịch.

Xin cảm ơn ông!