18/01/2025 | 17:46 GMT+7, Hà Nội

Đáp ứng yêu cầu công việc trong tình hình mới

Cập nhật lúc: 04/04/2020, 11:00

Sau 3 ngày thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31-3-2020 của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị số 05/CT-UBND ngày 31-3-2020 của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội về thực hiện các biện pháp cấp bách...

Sau 3 ngày thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31-3-2020 của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị số 05/CT-UBND ngày 31-3-2020 của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19, trong đó có việc cách ly xã hội trong vòng 15 ngày, kể từ 0h ngày 1-4, đa phần công chức, viên chức của các công sở thuộc thành phố Hà Nội được phân công làm việc tại nhà. Với tinh thần, trách nhiệm và việc sử dụng thành thạo ứng dụng công nghệ thông tin, mỗi cá nhân đã nhanh chóng thích nghi và đáp ứng được yêu cầu công việc trong tình hình mới.

Bên cạnh làm việc trực tuyến tại nhà, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội vẫn bố trí cán bộ trực, giải quyết thủ tục hành chính. Ảnh: Quang Thái

Thích nghi cách làm việc mới

Nếu như trước đây, cán bộ, công chức, viên chức phải tuân thủ nghiêm giờ làm việc tại cơ quan thì nay trước diễn biến mới của dịch Covid-19, nhiều cán bộ, công chức, viên chức đang dần thích nghi với cách làm việc tại nhà mà vẫn bảo đảm yêu cầu công việc.

Từ ngày 1-4 đến nay, anh Phạm Văn Linh, cán bộ phụ trách bộ phận Lao động - Thương binh và Xã hội phường Trương Định (quận Hai Bà Trưng) không đến cơ quan hằng ngày, mà thay vào đó là tìm hiểu và giải quyết các hồ sơ liên quan đến lĩnh vực mình phụ trách ngay tại nhà. Sau khi hoàn tất công việc anh Linh mới đến cơ quan trình lãnh đạo ký. “Lĩnh vực lao động - thương binh và xã hội chủ yếu là công dân nộp hồ sơ giấy nên tôi thấy chỉ là thay đổi địa điểm làm việc chứ không khác biệt nhiều. Thậm chí, khi làm việc ở nhà, tôi còn tập trung hơn bởi không bị ảnh hưởng bởi các yếu tố khác. Do đó, thời gian giải quyết đối với từng hồ sơ nhanh hơn”.

Tương tự, chị Trần Hoài Anh, nhân viên Văn phòng HĐND và UBND huyện Thanh Trì chia sẻ: “Bộ phận Tổng hợp của Văn phòng luân phiên đến cơ quan, còn những người ở nhà vẫn phải giải quyết các công việc cần thiết. Cụ thể là điện thoại phải mở liên tục, đồng thời theo dõi Zalo nhóm để kịp thời giải quyết công việc theo phân công”.

Bên cạnh nhiều bộ phận có thể làm việc tại nhà thì bộ phận “một cửa” của nhiều đơn vị vẫn bố trí cán bộ trực để giải quyết hồ sơ cho tổ chức, công dân. Chị Nguyễn Thị Phượng, cán bộ bộ phận “một cửa” UBND quận Hoàng Mai cho biết: “Do công dân vẫn có nhu cầu giao dịch nên chúng tôi vẫn làm việc. Tuy nhiên, chúng tôi cũng tăng cường tư vấn, hướng dẫn người dân nộp hồ sơ trực tuyến để hạn chế phải đi lại, giữ an toàn trong mùa dịch”. Anh Đặng Tiến Dũng, trú tại khu dân cư Bằng B, phường Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai) cho biết: “Tôi vừa nộp hồ sơ trực tuyến về cấp giấy phép xây dựng nhà ở riêng lẻ. Trước khi nộp, tôi có gọi điện đến bộ phận “một cửa” của UBND quận Hoàng Mai và được hướng dẫn nộp trực tuyến. Tôi thấy rất thuận tiện và yên tâm vì hạn chế được việc đi lại nhiều lần, nhất là trong tình hình dịch phức tạp như hiện nay”.

Đối với một số nơi tạm đóng cửa bộ phận “một cửa” trong những ngày này thì việc giải quyết hồ sơ trực tuyến càng được tăng cường. Phó Chánh Văn phòng, Trưởng bộ phận “một cửa” Sở Xây dựng Hà Nội Đào Duy Hải cho biết, trên Cổng thông tin điện tử của Sở có thông báo về việc thực hiện cách ly xã hội, đồng thời ghi rõ mọi thông tin cần hướng dẫn về thủ tục hành chính liên quan đến Sở Xây dựng cần liên hệ số điện thoại và email của trưởng bộ phận “một cửa”. “Bản thân tôi cứ 1 ngày ở nhà, 1 ngày đến cơ quan để giải quyết các công việc cần thiết”, ông Đào Duy Hải cho biết.

Ngoài các đơn vị trên, nhiều cơ quan của thành phố như Sở Tài nguyên - Môi trường, Sở Văn hóa - Thể thao, Sở Khoa học - Công nghệ, các quận, huyện, thị xã… chỉ bố trí tối đa 20-30% cán bộ, công chức, viên chức trực tiếp đến làm việc tại cơ quan theo hình thức luân phiên. Lãnh đạo các đơn vị có thể luân phiên hoặc có mặt đầy đủ tùy theo phân công từng ngày. Những người đến công sở sẽ phải thực hiện đầy đủ việc đeo khẩu trang, sát khuẩn tay, thường xuyên dọn vệ sinh nơi làm việc, tránh tiếp xúc gần và ngồi cách xa nhau 2m… Cách thức này đã làm giảm đáng kể lượng người lưu thông trên đường cũng như giảm tập trung đông người tại một trụ sở, góp phần quan trọng vào nỗ lực chống dịch trên toàn địa bàn thành phố.

Tăng cường kiểm tra, giám sát

Cán bộ hỗ trợ người dân làm thủ tục dịch vụ công trực tuyến tại bộ phận “một cửa” quận Hai Bà Trưng. Ảnh: Quang Thái

Để bảo đảm hiệu quả làm việc của cán bộ, công chức, viên chức, các cơ quan đã có những cách kiểm tra, giám sát phù hợp. Chánh Văn phòng Sở Nội vụ Hà Nội Nguyễn Văn Lưỡng cho biết: “Sở Nội vụ thực hiện nghiêm 2 chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch UBND thành phố, chỉ có Ban Giám đốc và các trưởng phòng trực tại cơ quan. Những người khác làm việc tại nhà và các trưởng phòng sẽ kiểm soát tiến độ, kết quả làm việc, giờ làm việc tại nhà thông qua phần mềm quản lý điều hành. Đến thời điểm này, mọi công việc đều được đáp ứng theo đúng kế hoạch, lịch công tác”.

Theo Chánh Văn phòng HĐND và UBND quận Hai Bà Trưng Nguyễn Anh Tuấn, từ ngày 1-4, danh sách cán bộ, công chức, người lao động đến cơ quan hay làm việc ở nhà đã được phân công cụ thể. Thông qua hệ thống trực tuyến, lãnh đạo đơn vị sẽ kiểm soát được ý thức trách nhiệm và kết quả công việc của từng cá nhân.

Nói về yêu cầu đối với công chức, viên chức, Phó Vụ trưởng Vụ Công chức viên chức (Bộ Nội vụ) Nguyễn Tư Long khẳng định, đội ngũ này là những người làm công việc rất đặc thù, không chỉ đòi hỏi năng lực, trình độ mà cả sự tận tụy, tính liên tục để bảo đảm các hoạt động hành chính được thông suốt.

Như vậy, dù làm việc ở địa điểm nào thì cán bộ, công chức, viên chức cũng phải tận tâm, trách nhiệm và điều quan trọng là bảo đảm hiệu quả công việc thông suốt. Nhất là trong giai đoạn hiện nay, thành phố đang đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin, góp phần quan trọng vào việc xây dựng chính phủ điện tử, thành phố thông minh thì làm việc tại nhà dường như là một khâu “thử thách” đối với cán bộ, công chức, viên chức. Việc giãn cách xã hội hiện nay đã thúc đẩy nhanh quá trình đối mặt với “thử thách” trên, là cơ hội để tái cơ cấu năng lực hoạt động bộ máy hành chính.

Bước đầu, các cơ quan, công sở tại Hà Nội đã chứng tỏ có thể vượt qua thử thách này, đáp ứng yêu cầu công việc ngày càng cao trong tình hình mới.