Đảo Trường Sa sau 45 năm giải phóng
Cập nhật lúc: 30/04/2020, 15:01
Cập nhật lúc: 30/04/2020, 15:01
Khẳng định chủ quyền
Đúng ngày này 45 năm trước (29/4/1975), cùng với đoàn quân thần tốc tiến về Sài Gòn, đã có một lực lượng đặc biệt được giao thực hiện một nhiệm vụ cũng rất đặc biệt trên mặt trận Biển Đông đó là giải phóng Trường Sa. Đây có thể nói là một quyết định táo bạo, đúng đắn, thể hiện tầm nhìn chiến lược của Trung ương Đảng và Bộ Quốc phòng đối với vấn đề chủ quyền biển đảo lúc bấy giờ.
Theo tài liệu ghi lại, ngày 2/4/1975, Đại tướng Võ Nguyên Giáp trực tiếp chỉ thị "phải nắm lực lượng ở Khu 5 và Hải quân để tổ chức tiến công giải phóng các đảo, đặc biệt là quần đảo Trường Sa".
Ngày 4/4/1975, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã gửi bức điện đặc biệt cho Quân chủng Hải quân và Quân khu 5 giao nhiệm vụ: "Nghiên cứu và chỉ đạo thực hiện gấp rút, nhằm thời cơ thuận lợi nhất đánh chiếm các đảo do quân ngụy miền Nam chiếm đóng thuộc quần đảo Trường Sa, không cho bất cứ kẻ nào xâm chiếm các nơi đó. Đây là một nhiệm vụ rất quan trọng".
Quân dân trên đảo Trường Sa chuẩn bị đón đoàn đến thăm. Ảnh: Cao Tuân
Chấp hành mệnh lệnh trên, Bộ Tư lệnh Hải quân khẩn trương chuẩn bị lực lượng làm nhiệm vụ giải phóng quần đảo Trường Sa, một nhiệm vụ quan trọng có ý nghĩa chiến lược cả về chính trị, quân sự và kinh tế, góp phần giải phóng hoàn toàn đất nước. Quyết tâm của Đảng ủy, Bộ Tư lệnh là bám sát tình hình, tranh thủ thời cơ có lợi nhất để giải phóng đảo, kiên quyết không để lực lượng nào khác đến đánh chiếm đảo trước ta.
Ngày 11/4/1975, các lực lượng của ta bí mật xuất phát từ Đà Nẵng và chọn đảo Song Tử Tây làm mục tiêu giải phóng đầu tiên. Rạng sáng ngày 14/4, đảo Song Tử Tây được giải phóng, khiến quân địch trên toàn quần đảo Trường Sa hoang mang, dao động, tạo điều kiện cho ta giải phóng các đảo còn lại thuận lợi.
Tiếp đến, 3 giờ sáng ngày 25/4 ta giải phóng hoàn toàn đảo Sơn Ca; 10 giờ 30 phút ngày 27/4, ta làm chủ đảo Nam Yết; 10 giờ 20 phút ngày 28/4, ta hoàn toàn làm chủ đảo Sinh Tồn. Đến 9 giờ sáng 29/4, phân đội chiến đấu cuối cùng của Lữ đoàn 126 đổ bộ làm chủ đảo Trường Sa.
Thăm Nhà tưởng niệm Bác Hồ.
9 giờ ngày 29/4/1975, cờ giải phóng đã tung bay trên hòn đảo lớn nhất, hòn đảo thứ năm và cũng là cuối cùng mà quân ngụy Sài Gòn đóng giữ ở quần đảo Trường Sa. Quân chủng Hải quân cùng lực lượng phối thuộc của Quân khu 5 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tiến công giải phóng quần đảo Trường Sa, nhiệm vụ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.
Chiến công này khẳng định sự chỉ đạo sáng suốt, chính xác, kịp thời của Thường trực Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng Tư lệnh và Quân chủng Hải quân trên mũi tiến công trên hướng biển trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975.
Chiến công giải phóng Trường Sa cũng khẳng định ý thức tuyệt đối chấp hành mệnh lệnh, tinh thần khắc phục khó khăn, biết nắm thời cơ, triệt để tận dụng thời cơ, táo bạo, mưu trí, dũng cảm chiến đấu; đặc biệt là ý thức rất cao về chủ quyền, về trách nhiệm quản lý, bảo vệ chủ quyền quốc gia trên các vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc của bộ đội Hải quân.
Đặc biệt, việc giải phóng các đảo thuộc quần đảo Trường Sa từ quân đội Sài Gòn đóng giữ chính là bằng chứng có tính pháp lý để khẳng định trước cộng đồng quốc tế quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Cán bộ, chiến sỹ trên đảo bám sát kế hoạch phòng thủ, tác chiến, sẵn sàng cứu hộ, cứu nạn, giúp đỡ ngư dân bị nạn...
11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, Cờ giải phóng tung bay trên nóc Dinh Độc Lập. Chiến dịch Hồ Chí Minh đã toàn thắng. 13 giờ cùng ngày, lực lượng của Quân chủng Hải quân tiến vào tiếp quản Bộ Tư lệnh Hải quân ngụy ở trại Bạch Đằng, Bộ Tư lệnh hạm đội, Công xưởng Ba Son, Bộ Tư lệnh Sư đoàn lính thủy đánh bộ, trại Trịnh Minh Thế và một số vị trí khác.
Sau khi giải phóng 5 đảo trên quần đảo Trường Sa năm 1975, tiếp tục thực hiện nhiệm vụ cấp trên giao về củng cố, xây dựng Trường Sa, Quân chủng Hải quân đã nhanh chóng triển khai lực lượng đóng giữ thêm 16 đảo, nâng tổng số lên 21 đảo với 33 điểm đóng quân. 45 năm qua, đảo Trường Sa nói riêng và quần đảo Trường Sa nói chung bước vào thời kỳ lịch sử mới, thời kỳ xây dựng chiến đấu và trưởng thành bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Trường Sa hôm nay
Trường Sa những ngày tháng Tư thời tiết như chiều lòng người hơn, biển lặng và bầu trời trở nên trong xanh dịu nhẹ, từng cơn gió thoảng qua làm cho những tán cây rung rinh như đang nhảy múa theo điệu nhạc của thiên nhiên, tất cả đã tạo nên một không gian rất đỗi yên bình.
Vào những ngày lễ quan trọng của đất nước, toàn đảo sẽ ra cột mốc chủ quyền để làm lễ chào cờ.
Giữa không gian yên bình ấy, các cán bộ, chiến sĩ đang công tác trên đảo vẫn miệt mài với những giờ tập luyện các phương án chiến đấu, duy trì nghiêm chế độ trực chiến, tăng gia sản xuất và đảm bảo thông tin liên lạc giữa đất liền với hải đảo…
Mỗi đơn vị, mỗi cán bộ, chiến sĩ một nhiệm vụ khác nhau nhưng khi đã hoàn thành nhiệm vụ, họ lại cùng nhau ngồi dưới tán cây bàng vuông, cây tra để nhâm nhi ly trà và kể cho nhau nghe những câu chuyện của riêng mình hay đọc những lá thư gửi từ đất liền chan chứa niềm tin yêu.
Và rồi, chiều đến, khi cái nắng như thiêu như đốt đã dịu đi, các khu tập thể thao, sân bóng chuyền, sân bóng đá trên đảo lại rộn vang tiếng hò hét, cổ vũ các đội thi đấu bóng đá, bóng chuyền.
Sôi nổi các hoạt động thể thao trên đảo.
Những người lính vốn đã quen khoác trên mình bộ quân phục, tay chắc cây súng giờ lại đang là những nghệ sĩ trên sân cỏ với những đường đi bóng lắt léo, đường chuyền chuẩn xác và những cú dứt điểm hiệu quả.
Đây có lẽ là khoảng thời gian thảnh thơi nhất của những người lính đảo bởi họ được sống với niềm đam mê thể thao, được giao lưu, học hỏi và rèn luyện, nâng cao sức khỏe để vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.
Đã có nhiều hộ dân đăng ký ra Trường Sa sinh sống để bám biển và giữ đảo, họ ở trong những ngôi nhà khang trang, vững chãi, đủ sức chống chọi với mưa giông, bão tố.
Như lời Thiếu úy Nguyễn Minh Phương, đang công tác tại Trạm Ra-đa 11 trên đảo Trường Sa Lớn chia sẻ: "Ở trên đảo, tuy không có điều kiện thuận lợi như trong đất liền nhưng các hoạt động thể dục thể thao vẫn diễn ra sôi nổi. Ngoài thời gian làm nhiệm vụ, tôi thường tập luyện và tham gia chơi bóng đá, bóng chuyền cùng các đồng đội. Nhờ có các hoạt động thể thao mà mối quan hệ giữa các cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị, các lực lượng trên đảo càng thêm gắn bó khăng khít".
Trên một số đảo thuộc quần đảo Trường Sa như Trường Sa Lớn, Sinh Tồn, Song Tử Tây... ngoài lực lượng cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ còn có các hộ dân đã tình nguyện đăng ký ra đảo sinh sống để bám biển và giữ đảo.
Cuộc sống của các hộ dân ngoài đảo cũng giống như trong đất liền, họ ở trong những ngôi nhà khang trang, vững chãi, đủ sức chống chọi với mưa giông, bão tố.
Trẻ con vui chơi dưới bóng mát.
Theo chị Nguyễn Thị Mỹ Dung, người dân đảo Trường Sa, so với trước đây, cuộc sống trên đảo giờ đã thay đổi nhiều, đời sống vật chất, tinh thần được nâng lên, điều kiện sinh hoạt ngày càng tốt hơn, các con được tới trường, học hành chu đáo.
Chị Dung tâm sự, chồng chị là dân quân tự vệ trên đảo, chị ở nhà nội trợ, anh chị có 2 con còn nhỏ. Xa đất liền, ngoài biển đảo còn nhiều khó khăn nhưng được sự quan tâm, giúp đỡ trực tiếp của lãnh đạo, chỉ huy, cán bộ, chiến sỹ trên đảo nên gia đình chị cũng như bà con trên đảo rất phấn khởi và vô cùng biết ơn sự quan tâm sâu sắc đó. Chính điều này làm cho người dân trên đảo thấy ấm lòng hơn, yêu mến gắn bó với biển, đảo hơn. Chị Dung luôn tự hào mình là công dân Trường Sa.
Thế hệ cán bộ, chiến sĩ trên đảo đã và đang vượt qua mọi khó khăn, góp phần xây dựng quần đảo Trường Sa thực sự mạnh về phòng thủ, tốt về lối sống, đẹp về cảnh quan môi trường.
Khi bóng chiều buông xuống, các ông bố, bà mẹ lại thong dong đạp xe chở những đứa nhỏ dạo trên những con đường rợp bóng cây để tận hưởng làn gió biển mặn mòi. Cuộc sống ở đây cứ thế trôi đi từ ngày này qua ngày khác, không ồn ào, vội vã và mặc cho ngoài biển khơi đầy bão tố, họ vẫn lạc quan, yêu cuộc sống.
Trung tá Đinh Văn Cường, Chính trị viên đảo Trường Sa cho biết: "45 năm đã trôi qua, nhưng các thế hệ cán bộ chiến sĩ nối tiếp nhau bảo vệ chủ quyền biển đảo ở Trường Sa luôn khắc ghi chiến thắng thần tốc giải phóng Trường Sa của thế hệ cha anh đi trước, đã không tiếc máu xương để gìn giữ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Đó không chỉ thể hiện tinh thần chiến đấu kiên cường anh dũng, mà còn là khát vọng hòa bình của bộ đội hải quân Việt Nam trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển".
06:40, 30/04/2020
20:46, 29/04/2020
20:42, 29/04/2020