23/01/2025 | 21:36 GMT+7, Hà Nội

Đảm bảo giá cả được điều chỉnh kịp thời với những biến động trên thị trường

Cập nhật lúc: 12/11/2022, 18:57

Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh đồng cho rằng, việc sửa đổi Luật Giá cần đảm bảo giá cả phải được điều chỉnh đáp ứng kịp thời những biến động giá cả trên thị trường, đặc biệt là trong bối cảnh giá xăng dầu có nhiều biến động

Thẩm định giá phải đảm bảo đáp ứng với từng loại hình doanh nghiệp

Chiều 11/11, tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Giá (sửa đổi). Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh (Khánh Hòa) đóng góp ý kiến vào Luật Giá (sửa đổi), đại biểu đồng thuận với việc sửa đổi Luật này; đồng thời cho rằng, việc sửa đổi Luật Giá cần đảm bảo giá cả phải được điều chỉnh đáp ứng kịp thời những biến động giá cả trên thị trường, đặc biệt là trong bối cảnh giá xăng dầu có nhiều biến động.

Đồng thời đại biểu Thịnh cũng cho ý kiến về thẩm định giá phải đảm bảo đúng theo quy định của pháp luật. Kết quả thẩm định giá phải đảm bảo đáp ứng với từng loại hình doanh nghiệp.

Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh (Khánh Hòa). Ảnh: QH
Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh (Khánh Hòa). Ảnh: QH

Ông Thịnh chia sẻ, từ đầu tháng 10 đến nay, tình trạng đứt gãy nguồn cung, khan hiếm xăng dầu xảy ra trên diện rộng, không hiếm gặp hình ảnh các cây xăng đóng cửa, người dân xếp hàng dài chờ đến lượt mua. Vậy không rõ vai trò của Quỹ bình ổn giá xăng dầu ở đâu, liệu có nên duy trì quỹ này nữa hay không? Nên chăng đã đến lúc phải thay đổi cơ chế quỹ bình ổn giá bằng các công cụ điều tiết giá khác hiệu quả hơn để giá cả hàng hóa vận hành theo quy luật của thị trường. Vấn đề này cần được liên Bộ Tài chính, Công thương cân nhắc một cách thận trọng hơn. Vì vậy, đại biểu cho rằng, việc quy định lập quỹ bình ổn giá thành một điều luật riêng tại dự thảo Điều 22 là có thể không phù hợp.

Vấn đề chính sách thẩm định giá, thời gian gần đây, sau hàng loạt các sai phạm có liên quan đến hoạt động thẩm định giá, có thể nhận thấy thị trường thẩm định giá đã và đang phát triển nóng về số lượng nhưng chưa đảm bảo chất lượng. Có không ít doanh nghiệp thẩm định giá cũng như thẩm định viên về giá thiếu kinh nghiệm hoặc vi phạm đạo đức nghề nghiệp vì lợi ích trước mắt mà gian dối, câu kết với khách hàng, làm sai lệch hồ sơ để thổi giá cao hoặc hạ thấp giá trị một cách bất thường. Vì vậy, đại biểu Thịnh ủng hộ việc siết chặt các điều kiện hành nghề thẩm định giá theo dự thảo Luật Giá.

Không có công cụ định giá cũng như bảo vệ người làm định giá

Đại biểu Hoàng Văn Cường (TP.Hà Nội) cho biết, thực tế nhiều những vụ án tham nhũng, tiêu cực bị phát hiện thì đều liên quan đến việc là xác định giá không đúng với giá hàng hóa khi mua hoặc là khi bán tài sản công. Hiện nay, các tổ chức tư vấn định giá rất ngại, thậm chí là không dám nhận nhiệm vụ định giá các tài sản cho khu vực công chỉ mua hoặc khi bán.

Đại biểu Hoàng Văn Cường (TP.Hà Nội) . Ảnh: QH
Đại biểu Hoàng Văn Cường (TP.Hà Nội) . Ảnh: QH

Cùng với đó, nhiều cơ quan, nhiều đơn vị công hiện không mua sắm được các tài sản, vật tư hàng hóa. Điển hình như là bệnh viện không mua được thuốc chữa bệnh và vật tư y tế. Nhiều tài sản công không thể chuyển giao cho khu vực tư như các dự án bất động sản không thể xác định giá đất để cho các nhà đầu tư đầu tư phát triển.

Nguyên nhân căn bản của tình trạng trên là do chưa có những quy định một cách chặt chẽ một cách cụ thể những các căn cứ, phương pháp để xác định giá cả hàng hóa; chưa có các quy định là căn cứ cho cơ quan định giá, quyết định giá bảo đảm không có tư lợi. Đại biểu chỉ rõ pháp luật hiện hành không có công cụ định giá cũng như bảo vệ cho những người làm định giá, đại biểu Cường cho hay.

Yêu cầu đầu tiên của việc hoàn thiện Luật Giá lần này là phải “lấp khoảng trống” về các căn cứ pháp luật để làm cơ sở cho việc xác định giá, phương pháp đánh giá những căn cứ định giá, những nguyên tắc định giá... Dự thảo Luật cần phải đưa có một chương riêng về phương pháp, căn cứ, nguyên tắc định giá, đại biểu Cường nhấn mạnh.

Mặt khác, theo đại biểu Cường, để có được xác định giá cả đúng cũng như có cơ sở để quản lý giá thì phải có cơ sở dữ liệu đầu vào. Do vậy, việc kê khai giá là một công việc vô cùng quan trọng.

Chính vì thế, đại biểu đề nghị hoạt động kê khai giá không nên giới hạn ở một số các loại hàng hóa như quy định hiện hành mà phải quy định tất cả các loại hàng hóa khi bắt đầu đưa vào lưu thông trên thị trường đều phải thực hiện kê khai giá. Đồng thời hai đối tượng phải thực hiện kê khai giá là những doanh nghiệp sản xuất ần đầu tiên đưa sản phẩm vào thị trường và những các doanh nghiệp nhập khẩu khi lần đầu tiên nhập khẩu hàng hóa đưa vào thị trường tiêu thụ. Bên cạnh đó, đại biểu Cường đề nghị phân định rõ định giá, thẩm định giá và quyết định giá.

Nguồn: https://kinhtemoitruong.vn/dam-bao-gia-ca-duoc-dieu-chinh-kip-thoi-voi-nhung-bien-dong-tren-thi-truong-73330.html