19/01/2025 | 12:11 GMT+7, Hà Nội

Đại biểu quan tâm vấn đề thu nhập, tài sản của người được bỏ phiếu tín nhiệm

Cập nhật lúc: 25/10/2018, 23:05

Theo dự kiến, chiều nay 24/10, danh sách 48 chức danh được Quốc hội bầu, phê chuẩn được lấy phiếu tín nhiệm bằng cách bỏ phiếu kín, sẽ được trình Quốc hội. Trên phiếu ghi rõ họ tên, chức vụ của những người được lấy phiếu tín nhiệm, các mức độ: “tín nhiệm cao”, “tín nhiệm”, “tín nhiệm thấp”.

Việc lấy phiếu tín nhiệm nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội. (Ảnh: Quốc hội)

Theo đó, căn cứ vào Điều 12 Luật Tổ chức Quốc hội và Điều 18 Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, Quốc hội sẽ lấy phiếu tín nhiệm đối với 50 người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.

Tuy nhiên, trong số những người giữ các chức vụ thuộc diện Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm lần này có hai chức danh vừa được Quốc hội bầu và phê chuẩn là Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng.

Theo quy định tại khoản 6 Điều 1 Nghị quyết số 85/2014/QH13: “Quốc hội không lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn có thời gian đảm nhiệm chức vụ liên tục chưa đủ 9 tháng, tính đến ngày khai mạc kỳ họp tổ chức lấy phiếu tín nhiệm của Quốc hội”. Do vậy, sẽ có 48 người được lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV.

Kết quả lấy phiếu tín nhiệm sẽ được công bố vào ngày 25/10.

Bên lề kỳ họp thứ 6, Phóng viên đã có cuộc trao đổi với các đại biểu Quốc hội về vấn đề lấy phiếu tín nhiệm 48 chức danh được Quốc hội bầu, phê chuẩn.

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa  (Đoàn Đồng Tháp) cho rằng, trong lần lấy phiếu tín nhiệm này, các đại biểu Quốc hội đã có sự chuẩn bị để bỏ phiếu tín nhiệm thực sự công tâm khách quan, vô tư, trung thực. Các đại biểu Quốc hội sẽ đánh giá các thành viên được lấy phiếu tín nhiệm dựa trên cơ sở các hoạt động từ đầu nhiệm kỳ đến nay về những vấn đề được cử tri quan tâm, được Quốc hội xem xét đã được hồi đáp ra sao, đã làm được gì và chưa làm được gì…

Đại biểu Phạm Văn Hòa 

"Ngoài ra, đó còn là một kênh thông tin giúp các đại biểu đánh giá được mức độ tín nhiệm qua ý kiến của đông đảo các cử tri trên cả nước. Trên cơ sở đó, các đại biểu Quốc hội sẽ bỏ phiếu tín nhiệm với tinh thần thẳng thắn, khách quan và công tâm nhất". ĐB Phạm Văn Hòa cho biết.

Còn theo Đại biểu Quốc hội Vũ Trọng Kim (Đoàn Hải Dương), việc Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm “không phải bất chợt”, mà có cả quá trình từ khi người được lấy phiếu tín nhiệm trúng cử hoặc được Quốc hội phê chuẩn.

Đại biểu Vũ Trọng Kim đánh giá những vị trí đó trước hết là hoàn thành nhiệm vụ quyền hạn; thứ 2 là trách nhiệm làm đại biểu của dân và thứ 3 là đạo đức lối sống.

 ĐB Vũ Trọng Kim

Cũng theo ông Vũ Trọng Kim, khi đánh giá đạo đức lối sống cụ thể, có vấn đề thu nhập, tài sản. “Thu nhập có chính đáng không? Tài sản có phải vượt qua tầm mình xứng đáng với thu nhập không? Cái đó nhân dân theo dõi, ai cũng theo dõi cả”, Bên cạnh đó vị đại biểu này cũng cho rằng, việc giải trình rất quan trọng, vì vậy, phải làm sao để "tạo điều kiện cho các vị được bầu, phê chuẩn được trình bày".

“Bản kiểm điểm đã nằm trong tay chúng tôi rồi, nhưng trong đó ít người nói đến vấn đề tài sản. Nếu có chất vấn gì về vấn đề tài sản thì chắc chắn đồng chí đó phải trả lời”, ĐB Vũ Trọng Kim cho biết.

Đắc Nguyên