12/10/2024 | 13:33 GMT+7, Hà Nội

Đà tăng của dòng vốn FDI và cơ hội tăng trưởng dài hạn cho nhóm bất động sản KCN

Cập nhật lúc: 21/01/2022, 06:15

Dòng vốn FDI kỳ vọng sẽ quay trở lại đà tăng trưởng trong 2022 khi Việt Nam đang có nhiều lợi thế sẽ tạo cơ hội tăng trưởng dài hạn cho nhóm bất động sản khu công nghiệp trong thời gian tới.

Báo cáo cập nhật kinh tế vĩ mô công bố bởi Công ty Cổ phần Chứng khoán Agribank (Agriseco) đưa ra góc nhìn tích cực về dòng vốn FDI trong 2022, theo đó, Agriseco kỳ vọng dòng vốn FDI sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ nhờ vào lợi thế cạnh tranh của Việt Nam về vị trí địa lý, chi phí nhân công, giá thuê đất cũng như môi trường kinh doanh và chính sách ưu đãi.

Sự phục hồi kinh tế sẽ lan tỏa đến nhiều nhóm ngành

Sau khi chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch vào quý III/2021, Việt Nam đã nhanh chóng kiểm soát dịch bệnh tại các tỉnh phía Nam và mở cửa trở lại nền kinh tế. Điều này giúp GDP quý IV/2021 hồi phục trở lại và đóng góp tích cực cho tăng trưởng cả năm.

Động lực tăng trưởng trong quý IV đến từ nhóm Công nghiệp và xây dựng với mức tăng 5,61% so với cùng kỳ năm 2020. Nhóm này đã hồi phục mạnh trở lại ở tất cả các khu vực đặc biệt là nhóm ngành công nghiệp chế biến và ngành sản xuất điện với mức tăng lần lượt là 6,37% và 5,24%. Giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp quý IV đạt 6,52% so với năm 2020 nhờ đà tăng từ nhóm công nghiệp chế biến (sản xuất kim loại, điện tử, khai thác than, dệt).

Nhóm Nông nghiệp tăng 3,16% cũng góp phần vào đà tăng của thị trường khi tăng sản lượng và giá trị xuất khẩu các mặt hàng lâm sản và thủy sản như gỗ, tôm, cá.

Tăng trưởng GDP năm 2021 đạt 2,58% - mức thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây và không hoàn thành mục tiêu của Chính phủ. Nguyên nhân chính đến từ việc dịch bệnh diễn biến phức tạp khó lường ảnh hưởng nghiêm trọng đến các khu vực kinh tế trọng điểm đặc biệt tại khu vực phía Nam.

Mặc dù vậy, nhóm nghiên cứu Agriseco đánh giá việc duy trì được mức tăng trưởng dương vẫn là một tín hiệu tích cực nếu so sánh với ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 lên nhiều quốc gia trên thế giới. Các quốc gia này hầu hết đều đạt mức tăng trưởng âm trong năm 2020 và 2021 khi chịu tác động tương tự.

Trên cơ sở tăng trưởng kinh tế quý IV/2021 có tín hiệu phục hồi rõ nét sau khi giảm mạnh 6,17% trong quý III, với kịch bản cơ sở khi dịch bệnh được kiểm soát và độ phủ vaccine tăng cao, Agriseco Research dự báo tăng trưởng GDP 2022 sẽ đạt khoảng 6 - 6,5%. "Sự hồi phục sẽ lan tỏa đến nhiều nhóm ngành sau khi nền kinh tế mở cửa trở lại, tình hình kinh doanh sản xuất được phục hồi", báo cáo nêu.

Việt Nam tiếp tục là điểm sáng thu hút vốn FDI giai đoạn 2016 - 2021
Việt Nam tiếp tục là điểm sáng thu hút vốn FDI giai đoạn 2016 - 2021

Dòng vốn FDI quay trở lại đà tăng trưởng

Có thể thấy, Việt Nam tiếp tục là điểm sáng thu hút vốn FDI khi tổng vốn FDI vào Việt Nam trong năm 2021 đạt 31,15 tỷ USD, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm trước. Đây là tín hiệu tích cực từ tâm lý của các doanh nghiệp FDI khi nền kinh tế mở cửa trở lại.

Vốn FDI đăng ký mới tiếp tục tăng ở các khu vực trọng điểm TP.HCM, Hà Nội, Bình Dương, Quảng Ninh, Hải Phòng, đặc biệt là vào các nhóm ngành công nghiệp chế biến chế tạo. Bên cạnh đó, việc Việt Nam ký kết hợp tác với Nhật Bản, Ấn Độ, EU mới đây cũng là động lực để thu hút thêm dòng vốn FDI trong các tháng tiếp theo.

Vốn thực hiện và số dự án mới lần lượt giảm 1,2% và 31,1% so với năm trước nhưng chủ yếu là các dự án vốn hóa nhỏ dưới 5 triệu USD. Cơ cấu vốn FDI vẫn tập trung đầu tư vào các khu công nghiệp chế biến, chế tạo sẽ tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp từ các doanh nghiệp nước ngoài. 

Agriseco Research kỳ vọng dòng vốn FDI sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ nhờ vào lợi thế cạnh tranh của Việt Nam về vị trí địa lý, chi phí nhân công, giá thuê đất cũng như môi trường kinh doanh và chính sách ưu đãi. Bên cạnh đó, nhiều yếu tố ngoại cảnh tác động cũng giúp Việt Nam hưởng lợi như chiến tranh thương mại Mỹ Trung; hiệp định thương mại tự do như CPTPP, EVFTA được ký kết.

Dự báo cho năm 2022, nhóm nghiên cứu Agriseco nhìn nhận sẽ có nhiều dấu hiệu hồi phục tích cực cho một giai đoạn mới khởi sắc.

Cụ thể, môi trường vĩ mô năm 2022 ẩn chứa nhiều thuận lợi. Các chỉ báo dự báo sớm tăng trưởng kinh tế như PMI, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) đang hồi phục tích cực cho thấy triển vọng tăng trưởng kinh tế sẽ khả quan. Agriseco Research dự báo tăng trưởng kinh tế 2022 đạt 6 - 6,5%.

Bên cạnh đó, Quốc hội đã thông qua Chương trình phục hồi và kích thích kinh tế với quy mô gần 347.000 tỷ đồng (tương đương 15 tỷ USD, chiếm khoảng 5% GDP). Gói kích cầu tập trung chủ yếu vào chính sách tài khóa giảm thuế và đẩy mạnh chi cho y tế và cơ sở hạ tầng, hỗ trợ doanh nghiệp.

Đồng thời kết hợp chính sách tiền tệ giảm lãi suất cho vay 0,5 - 1% trong 2 năm và cơ cấu lại nợ. Tham chiếu với các thị trường chứng khoán khác trên thế giới như Mỹ, Thái Lan, Nhật Bản cho thấy các quốc gia này đều hồi phục mạnh mẽ sau khi gói kích cầu được triển khai.

Hoạt động xuất nhập khẩu dự kiến sẽ được đẩy mạnh năm 2022 nhờ sức cầu quốc tế tiếp tục hồi phục cũng như ký kết các Hiệp định thương mại. Từ 01/01/2021, Hiệp định RCEP với độ bao phủ 30% dân số thế giới sẽ có hiệu lực. Các nhóm ngành xuất khẩu được kỳ vọng tăng trưởng trong 2022 bao gồm: Xơ, sợi, dệt; Thủy sản; Gỗ; Cao su.

Điểm nhấn tiếp theo, như đã nói trên, dòng vốn FDI kỳ vọng sẽ quay trở lại đà tăng trưởng trong 2022 khi Việt Nam đang có nhiều lợi thế trong việc thu hút vốn FDI nhờ đẩy mạnh bao phủ vaccine và mở cửa trở lại nền kinh tế. Điều này sẽ tạo cơ hội tăng trưởng dài hạn cho nhóm bất động sản khu công nghiệp trong thời gian tới./.

Nguồn: https://reatimes.vn/da-tang-cua-dong-von-fdi-va-co-hoi-tang-bds-cong-nghiep-20201224000009633.html