22/11/2024 | 00:42 GMT+7, Hà Nội

Đà Nẵng: Ùn tắc giao thông nút phía tây cầu Rồng, cần định vị được nguyên nhân chính

Cập nhật lúc: 15/12/2018, 14:31

Hiện tượng ùn tắc giao thông giờ cao điểm ở một số nơi tại Đà Nẵng đã bắt đầu xuất hiện trong hai năm gần đây. Việc ùn tắc giao thông ở các tuyến đường trung tâm đã làm ảnh hưởng lớn đến việc đi lại của người dân cũng như du khách, nhất là tại các điểm giao thông các đầu cầu phía tây sông Hàn.

Tại một số điểm ùn tắc đã xử lý bằng xây dựng hầm chui như hầm chui phía tây đầu cầu sông Hàn, còn một số điểm hiện đang ùn tắc nặng như phía tây cầu Rồng, phía tây cầu Trần Thị Lý. Để giải quyết ùn tắc này, Đà Nẵng cũng đang nghiên cứu phương án xây dựng hầm chui, cầu vượt tại những điểm ùn tắc này nhưng đến nay, vẫn chưa thực hiện phương án nào.

Tình trạng ùn tắc giao thông giờ cao điểm ở khu vực này ngày càng nghiêm trọng, nhất là giờ cao điểm.

Để giải quyết việc ùn tắc giao thông tại điểm qua nút tây cầu Rồng, kỹ sư cầu đường Mai Triệu Quang - Tổng Giám đốc Cty BK ECC đã đưa ra ý kiến góp ý đối với vấn đề này.

Theo ông Mai Triệu Quang, cần định vị được nguyên nhân chính làm giảm khả năng thông hành qua nút giao thông phía tây cầu Rồng. Tại nút giao thông này, hiện nay, có diện tích mặt đường rất rộng nhưng chưa được sử dụng hết một cách hiệu quả.

Cùng với đó là việc cần nhận diện các hạn chế của cách tổ chức giao thông ở nút tây cầu Rồng hiện tại và đề xuất thực hiện một số điều chỉnh có chi phí rất thấp nhưng hiệu quả để tăng khả năng thông hành của nút này trong khi chờ dự án làm hầm chui.

Ông Quang cho rằng, dải phân cách rộng 3m trên đường Nguyễn Văn Linh, đoạn từ Trần Phú đến Bạch Đằng là đang rất lãng phí. Với diện tích này có thể dùng để bố trí thêm một làn xe chờ rẽ trái từ Nguyễn Văn Linh về Bạch Đằng và để có thể có thêm không gian cho xe chờ đèn đỏ. Việc loại bỏ cái dải phân cách này cũng sẽ tạo thuận lợi cho dòng xe dài rẽ trái từ Trần Phú lên cầu Rồng so với hiện nay.

Vạch stop phía từ cầu Rồng xuống Nguyễn Văn Linh xa nút giao thông làm thời gian thoát xe qua nút lâu hơn. Tương tự vị trí vạch stop trên hướng đường 2/9 và trên đường Trưng Nữ Vương cũng nên được đưa về gần nút hơn.

Bên cạnh đó, dòng xe rẽ trái từ Nguyễn Văn Linh về Bạch Đằng phải chờ ở vị trí không rõ ràng. Cần tổ chức thêm làn chờ rẽ trái và kẻ thêm các vạch sơn hợp lý để các xe rẽ trái này không làm giảm khả năng thông hành của dòng đi thẳng từ cầu Rồng xuống Nguyễn Văn Linh.

Các dòng xe nhập, trộn, cắt trên hướng Nguyễn Văn Linh, cầu Rồng từ Trần Phú đến Bạch Đằng không được thiết kế phân làm rõ, đã làm giảm đáng kể khả năng thông hành qua nút, nhất là giờ cao điểm.

Đây là một trong những nguyên nhân chính làm giảm khả năng thông hành qua nút so với tính toán lý thuyết dựa vào kích thước hình học của các nhánh và cần được cải thiện ngay bằng các phân làn hợp lý từ xa trên đoạn Trần Phú vào nút.

Một đặc điểm nữa đó là bề rộng làn rẽ phải từ đường 2/9 lên cầu Rồng quá lớn trong khi phần đi thẳng và rẽ trái thì giới hạn. Có thể điều chỉnh lại hài hòa hơn theo hướng tăng thêm một làn xe riêng cho phần rẽ trái.

Trong khi đó, đường Bạch Đằng đoạn sát nút giao luôn rộng rãi chưa dùng đến 50% khả năng thông hành, nên nghiên cứu giải pháp sử dụng hiệu quả hơn không gian mặt đường hiện có. Tương tự đường nhánh phía trước đài truyền hình hầu như không phát huy tác dụng, cần nghiên cứu sao cho có thể đóng góp hiệu quả hơn.

Đoạn đường Trần Phú đoạn giao với Nguyễn Văn Linh có dòng xe rẽ trái rất lớn lên cầu Rồng hoặc sang đường 2/9 nhưng đã không được thiết kế theo dạng nút ưu tiên cho dòng xe rẽ trái với các phân luồng rõ ràng và phù hợp, trong khi không gian hiện có vẫn cho phép kiểu thiết kế này.

Đoạn đường Nguyễn Văn Linh trước đèn đỏ giao với Trần Phú không được mở rộng đủ nên làm kéo dài dòng xe chờ. Nếu mở rộng theo hướng bóp nhỏ, xóa bỏ dải phân cách 3m ở giữa dài độ 20 - 30m, mở thêm một làn rẽ phải đi liên tục bằng cách thu hẹp vỉa hè bên phải, sẽ làm tăng khả năng thông qua nút lên đáng kể với chi phí thấp.

Chiều rộng làn xe ở các nhánh vào nút hiện vẫn lấy bằng chiều rộng làn trên đường trường dẫn đến việc thiếu các làn cần thiết trước khu vực chờ đèn đỏ. Đây là điểm cần thay đổi khi thiết kế.

Với khu vực trước đèn tín hiệu tốc độ xe luôn nhỏ hơn nên bề rộng yêu cầu của làn xe cũng sẽ nhỏ hơn và nếu có cân đối tốt diện tích mặt đường và vỉa hè ở các khu vực này sẽ bố trí được đủ các làn xe với công năng khác nhau thay vì để xe chạy hỗn độn không theo làn như hiện nay...

Đồng thời kỹ sư Mai Triệu Quang cũng đã đề xuất: Khi tổ chức cần phân làn từ xa hợp lý trên đường Trần Phú và có cách bố trí làn hợp lý tại vị trí dừng chờ đèn đỏ. Với các ô kẻ ưu tiên xe máy đứng trước sẽ cải thiện được năng lực thông hành qua nút. Cách thức này đã được thực hiện thành công ở một số nước như Đài Loan, Trung Quốc, hiện nay, đang được TP Hồ Chí Minh áp dụng.

Hiện trạng giao thông tại phía Tây cầu Rồng được đề xuất cần điều chỉnh để giải quyết vấn đề ùn tắc.

Khi theo dõi thực tế, kỹ sư Mai Triệu Quang chia sẻ: Tại nút giao thông phía tây cầu Rồng từ trên cao vào giờ cao điểm sẽ thấy các bất hợp lý hiện tại có thể cải thiện ngay với chi phí thấp, trong khi chờ làm hầm chui.

Trên đường Trần Phú dòng xe máy rẽ trái bị ép sang bên phải khi chờ đèn đỏ, khi đèn xanh bật sẽ tạt đầu dòng ôtô phía bên trái Trần Phú làm dòng này di chuyển rất chậm.

Ngoài ra dòng xe máy này cũng tạo đoạn trộn trên đường Nguyễn Văn Linh làm chậm luôn cả hướng xe đi thẳng Nguyễn Văn Linh lên cầu Rồng. Trong lúc thiếu không gian cho làn rẽ trái từ Nguyễn Văn Linh đi Bạch Đằng thì dải phân cách rộng 3m không đóng vai trò gì trong tổ chức giao thông nên cần điều chỉnh.

Cần xem tại sao kẻ vạch ưu tiên xe máy đứng trước ở ngã tư sẽ làm dòng xe máy qua nút thoát nhanh hơn. Bởi xe máy có tính cơ động cao hơn ô tô nhiều và kích thước nhỏ gọn, có thể tận dụng tối đa không gian chờ trước nút.

Khi dòng xe máy đứng trước thoát hết thì vận tốc di chuyển của làn ô tô sẽ nhanh hơn trường hợp phải đi chen chúc với xe máy kẹp hai bên hoặc tạt đầu, nên ảnh hưởng của việc ô tô dừng xa nút thêm một đoạn cũng không đáng kể.

Để phân luồng cho các làn xe trước khi vào nút cần thực hiện các biển báo trên giá long môn và nhắc lại bằng các vạch sơn trên đường. Cần các biển chỉ hướng cho xe chủ động tách làn. Cấm đỗ xe trên đoạn từ Hoàng Văn Thu đến Nguyễn Văn Linh, khi đến gần giao với đường Nguyễn Cần có biển nhắc lại việc tách làn khi vào nút.

Nguyễn Nam