19/04/2024 | 14:42 GMT+7, Hà Nội

Đà Nẵng: Phát triển du lịch cộng đồng tại Hòa Bắc

Cập nhật lúc: 17/03/2021, 11:18

Nằm cách trung tâm TP. Đà Nẵng hơn 40km, hai thôn Tà Lang và Giàn Bí (xã Hòa Bắc, H. Hòa Vang) đang trở thành điểm du lịch thu hút đông đảo du khách ghé thăm.

Với vẻ đẹp hoang sơ, kỳ vĩ của núi rừng xen lẫn những khúc uốn lượn mềm mại, nhẹ nhàng của dòng sông Cu Đê, kết hợp với những nét văn hóa truyền thống đặc sắc của đồng bào Cơ Tu, là tiềm năng lớn trong việc phát triển các khu du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng tại đây.

Hai thôn Giàn Bí và Tà Lang được xem là “địa đầu” của TP. Đà Nẵng ở hướng Tây Bắc. Nơi đây là vùng đệm giữa Vườn quốc gia Bạch Mã và Khu bảo tồn thiên nhiên Bà Nà – Núi Chúa, bao quanh là những cánh rừng nguyên sinh với thảm thực vật phong phú, đa dạng đặc trưng của miền nhiệt đới. Bên cạnh đó, đây cũng là thượng nguồn của dòng sông Cu Đê hiền hòa. Chính nhờ vẻ đẹp có sơn, có thủy đã tạo cho nơi đây chất thơ, chất tình, làm ai đến một lần cũng phải quyến luyến, mang lòng yêu thương.

Thôn Giàn Bí, thôn Tà Lang nói riêng và xã Hòa Bắc nói chung nằm trên địa hình những dãy núi cao trung bình 200m so với mực nước biển, lại là khu vực rừng nguyên sinh đầu nguồn nên có nhiều suối, thác ghềnh chảy ra sông Cu Đê. Nhiều tác phẩm thiên nhiên nổi tiếng, cuốn hút du khách khi đến đây như: Hố Giếng, Lỗ Cối thượng, Thác Xếp, Thác Rễ, Nà Mùn,… Ngoài ra, du khách sẽ bị hấp dẫn bởi trải nghiệm cắm trại bên dòng Cu Đê, ngồi ngắm hoàng hôn dần buông sau những dãy núi, đón ánh bình minh với nguồn năng lượng tích cực, tận hưởng không khí trong lành và lắng nghe bản giao hưởng của thiên nhiên với tiếng suối chảy róc rách, tiếng chim hót líu lo,…

Ven những con suối tại thôn Tà Lang, rất nhiều lán trại du lịch phục vụ nghỉ qua đêm đang được người dân dựng lên. Anh A Lăng Cư (21 tuổi, trú thôn Tà Lang) chia sẻ: “Tôi làm 2 lán trại du lịch với tổng vốn đầu tư 20 triệu để khách du lịch có địa điểm vui chơi, nghỉ lại khi lên đây. Làm du lịch mà thấy đường sá giao thông đang được nhà nước đầu tư xây dựng tôi rất mừng, tôi mong đường sá sớm hoàn thiện đưa vào sử dụng để người dân đến đây du lịch nhiều, khi đó thu nhập của bà con sẽ ổn định hơn.”

Người dân tại hai thôn Giàn Bí và Tà Lang xây dựng các láng trại phục vụ du lịch ở ven sông Cu Đê.
Người dân tại hai thôn Giàn Bí và Tà Lang xây dựng các láng trại phục vụ du lịch ở ven sông Cu Đê.

Cư dân ở 2 thôn Giàn Bí và Tà Lang chủ yếu là đồng bào Cơ Tu. Hiện nay, cộng đồng người Cơ Tu tại đây có khoảng trên 200 hộ. Trước đây người dân địa phương chủ yếu làm nông và khai thác các sản phẩm từ rừng, đốt nương làm rẫy,… hiệu quả kinh tế không cao. Bên cạnh đó, bản sắc và các giá trị văn hóa truyền thống có nguy cơ mai một. Tuy nhiên, du lịch đến với nơi đây đã mang theo một “luồng gió mới”, đem lại lợi ích kép khi vừa tạo ra nguồn sinh kế mới, vừa tạo được cơ hội để đồng bào giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình.

Ông Thái Văn Hoài Nam, Chủ tịch UBND xã Hòa Bắc, cho biết: “Địa phương đã đưa ra một số chủ trương nhằm kích thích sự phát triển của loại hình du lịch cộng đồng như quy hoạch vùng du lịch cộng đồng 2 thôn Tà Lang và Giàn Bí, hỗ trợ đầu tư nhà mẫu, vườn mẫu để phát triển du lịch, khôi phục một số ngành nghề truyền thống như: đan lát, dệt thổ cẩm nhằm tạo kế sinh nhai cho bà con… Ngoài ra, xây dựng đề án đưa con em người Cơ Tu vào các cơ quan nhà nước, sự nghiệp công lập trên địa bàn và rà soát xây dựng hạ tầng kĩ thuật phục vụ cho người dân phát triển du lịch như các tuyến đường kiểu mẫu và bãi đỗ xe”.

Tuyến đường kết nối từ trung tâm xã đến 2 thôn Giàn Bí và Tà Lang đang được đầu tư xây dựng.

Những chủ trương, chính sách trên đã góp phần tích cực trong việc khôi phục lại văn hóa truyền thống của đồng bào Cơ Tu nơi đây. Lễ hội đâm trâu, điệu nhảy tung tung da dá, nghề dệt thổ cẩm, điêu khắc,… được phục dựng, tạo nên sức thu hút, lôi cuốn du khách đến trải nghiệm, tìm hiểu.

 Khu du lịch sinh thái - văn hoá cộng đồng Cơ Tu
 Khu du lịch sinh thái - văn hoá cộng đồng Cơ Tu

Ông Võ Văn Tiên, trú tại thôn Giàn Bí chia sẻ: “Tôi đã lên kế hoạch đến Đắc Lắc để mua nhà sàn truyền thống theo mô hình của người đồng bào người Ê Đê. Bây giờ tâm lý khách hàng thấy chỗ nào nhiều chòi mới tới, còn khu mình thì ít quá nên chưa thu hút được nhiều, phải tạo nét đặc sắc từ nhà sàn của người Ê Đê. Xu hướng này ngày trước ít người làm vì sợ rủi ro, nay thấy khách du lịch đến đông nên chúng tôi mới mạnh dạn bỏ vốn đầu tư. Giờ có thêm dịch vụ đồ ăn, đồ uống của người Cơ Tu phục vụ du khách nên được ưu chuộng”

Ngày càng có nhiều homestay được người dân địa phương đầu tư để phục vụ du lịch.
Ngày càng có nhiều homestay được người dân địa phương đầu tư để phục vụ du lịch.

Theo kế hoạch thu hút du lịch trong năm 2021 của TP. Đà Nẵng, Hòa Bắc sẽ là địa điểm du lịch có nhiều sản phẩm mới, lạ để thu hút du khách như Tour trekking Hòa Bắc; du lịch cộng đồng tại Tà Lang. Việc đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng, nâng cấp tuyến đường giao thông cùng những chính sách, chủ trương trong việc khôi phục, phát triển các nét văn hóa truyền thống của đồng bào Cơ Tu tại xã Hòa Bắc đã tạo ra những điều kiện thuận lợi để du khách đến với Hòa Bắc ngày một nhiều hơn, góp phần phát huy được hết những tiềm năng vốn có của địa phương.

Xã Hòa Bắc có tiềm năng rất lớn trong việc phát triển du lịch bất động sản
Xã Hòa Bắc có tiềm năng rất lớn trong việc phát triển du lịch bất động sản

Với tiềm năng du lịch lớn và điều kiện phát triển ngày càng thuận lợi, Hòa Bắc sẽ tạo ra sức hút cho các doanh nghiệp đầu tư các khu du lịch sinh thái, du lịch bất động sản, du lịch nghỉ dưỡng, homestay… trong thời gian đến. Góp phần phát triển kinh tế - xã hội, tạo ra việc làm ổn định, thu nhập cao cho người dân nơi đây.

Nguồn: https://dothi.reatimes.vn/toancanh/da-nang-phat-trien-du-lich-cong-dong-tai-hoa-bac-20201231000001274.html