19/01/2025 | 01:31 GMT+7, Hà Nội

Đà Nẵng: Không cấm GrabCar, chờ ý kiến chỉ đạo

Cập nhật lúc: 09/03/2017, 20:03

Đầu tháng 3 vừa qua, UBND thành phố Đà Nẵng đã có công văn số 1397/UBND-STTTT phản hồi về thông tin liên quan đến đề nghị tạm thời chưa triển khai thí điểm hoạt động vận tải khách sử dụng ứng dụng GrabCar trên địa bàn thành phố.

Theo đó, quan điểm của TP Đà Nẵng là: Thành phố không ngăn cản, không cấm quyền tự do kinh doanh của các doanh nghiệp, luôn mong muốn tạo lập môi trường kinh doanh bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh giữa các thành phần kinh tế, đảm bảo hài hòa lợi ích hợp pháp chính đáng của người tiêu dùng, lợi ích của xã hội, lợi ích của người lao động và của doanh nghiệp.

Hiện tại thành phố đang chờ ý kiến của Bộ GTVT và các văn bản hướng dẫn để triển khai thực hiện việc thí điểm ứng dụng GrabCar.

UBND TP Đà Nẵng phản hồi về đề nghị tạm thời chưa triển khai thí điểm hoạt động vận tải khách sử dụng ứng dụng GrabCar

Tại công văn số 1397/UBND-STTTT, UBND TP Đà Nẵng đề nghị Sở Giao thông vận tải (GTVT) có thông tin phản hồi các cơ quan báo chí về vấn đề liên quan đến đề nghị tạm thời chưa triển khai thí điểm hoạt động vận tải khách sử dụng ứng dụng GrabCar tại thành phố Đà Nẵng.

Sở GTVT đã cung cấp các thông tin liên quan như sau:

Công ty TNHH GrabTaxi là đơn vị được Bộ Giao thông vận tải cho tham gia thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng tại Quyết định 24/QĐ-BGTVT ngày 07/01/2016 của Bộ GTVT tại 5 tỉnh, thành phố là Hà Nội, Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Khánh Hòa và Quảng Ninh, thời gian thí điểm trong 02 năm (từ tháng 01/2016 đến 01/2018).

Ở thành phố Đà Nẵng, trên cơ sở đánh giá nhận xét của Sở GTVT, về cơ bản loại hình kinh doanh vận tải này có hoạt động tương tự loại hình kinh doanh vận tải bằng xe Taxi, khi đưa vào hoạt động sẽ làm gia tăng số lượng xe được cấp phép hoạt động theo quy hoạch của thành phố đã phê duyệt năm 2012 đến 2020, tầm nhìn đến 2030.

Trong khi đó Chính phủ, Bộ GTVT chưa có quy định để cho địa phương quản lý loại hình hoạt động này một cách chặt chẽ, làm ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông đang được ổn định trên địa bàn thành phố.

Ngày 14/11/2016, Bộ GTVT có Công văn số 13479/BGTVT-VT về việc báo cáo kết quả sơ kết 9 tháng công tác triển khai thí điểm ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết hối hoạt động vận tải khách theo hợp đồng.

Trong quá trình triển khai đã xuất hiện một số tồn tại, vướng mắc tại các địa phương đã thí điểm ứng dụng GrabCar (Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh...), cụ thể:

- Số lượng phương tiện cơ giới cá nhân dưới 09 chỗ ngồi đăng ký mới để hoạt động GrabCar tăng mạnh, tại Hà Nội đã cấp phép trên 7.000 xe và thành phố Hồ Chí Minh trên 20.000 xe.

- Hiện tượng một lượng lớn xe ô tô cá nhân từ các địa phương lân cận chuyển về Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh để gia nhập các Hợp tác xã đăng ký kinh doanh vận tải theo hợp đồng và sử dụng ứng dụng GrabCar. Đa phần các xã viên này không đóng thuế làm thất thu ngân sách nhà nước.

- Thực trạng hiện nay thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai nhiều giải pháp để giải quyết ùn tắc giao thông trong đô thị nhưng sau một thời gian triển khai thí điểm GrabCar, ùn tắc giao thông trong đô thị không có chiều hướng giảm mà ngược lại đã xuất hiện ngày càng nhiều với mức độ ùn tắc ngày càng nghiêm trọng.

- Loại hình vận tải hành khách theo hợp đồng sử dụng ứng dụng GrabCar không phải kê khai, niêm yết giá cước; nhiều xe GrabCar không thực hiện việc dán logo nhận biết xe tham gia thí điểm khiến công tác kiểm tra, xử lý vi phạm gặp nhiều khó khăn.

- Cơ chế quản lý hoạt động vận tải sử dụng ứng dụng GrabCar hiện nay còn nhiều bất cập, chưa phù hợp với thực tiễn sau thời gian triển khai thí điểm; chính sách thuế và các hướng dẫn thực hiện nghĩa vụ thuế đối với loại hình thí điểm chưa cụ thể và chưa đảm bảo công bằng giữa các loại hình kinh doanh vận tải.

Để tránh lặp lại những bất cập của thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, qua xem xét đặc thù vị trí địa lý của thành phố Đà Nẵng với đặc điểm lõi đô thị có diện tích nhỏ, cự ly đi lại bình quân ngắn, các loại hình vận tải hiện tại đã đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân và du khách cho đến năm 2020.

Sở GTVT phối hợp Công an thành phố và các đơn vị liên quan báo cáo Thành ủy, UBND thành phố về việc triển khai thực hiện thí điểm nêu trên.

UBND thành phố đã có 02 công văn số 9670/UBND-SGTVT ngày 25/11/2016 và công văn số 1000/UBND-SGTVT ngày 14/2/2017 đề nghị Bộ GTVT về việc cho phép thành phố chưa triển khai thí điểm ứng dụng GrabCar tại thời điểm hiện nay do với tốc độ phát triển phương tiện và điều kiện hạ tầng giao thông hiện có, thành phố đã và đang phải nghiên cứu triển khai nhiều giải pháp để hạn chế phương tiện cá nhân nhằm giải quyết bài toán ùn tắc giao thông đang có dấu hiện ngày càng phức tạp trên địa bàn.

Tuy nhiên, trong khi chờ ý kiến của Bộ GTVT về việc triển khai thí điểm Grabcar tại thành phố Đà Nẵng và các cơ quan có thẩm quyền ban hành các quy định để điều chỉnh những bất cập chưa phù hợp với thực tiễn trong việc triển khai thí điểm ứng dụng GrabCar thì Công ty TNHH GrabTaxi đã tiếp tục quảng cáo, quảng bá thông tin và kêu gọi nhà đầu tư đưa phương tiện tham gia hoạt động GrabCar.

Đồng thời, huy động xe từ các địa phương khác đến Đà Nẵng hoạt động GrabCar gây mất trật tự vận tải, an toàn giao thông, tạo dư luận không đúng như một số phương tiện thông tin đã nêu trên các báo trong thời gian qua.

Trước tình hình đó, thực hiện ý kiến chỉ đạo của thành phố, Ban An toàn giao thông có Công văn số 57/CV-BATGT ngày 28/02/2017 giao các Sở, ngành liên quan triển khai các giải pháp ngăn chặn, không để diễn ra các hoạt động kinh doanh vận tải sử dụng ứng dụng hợp đồng điện tử trong thời điểm thành phố đang chờ ý kiến của Bộ GTVT việc tạm thời chưa triển khai thí điểm tại Đà Nẵng.