22/01/2025 | 12:07 GMT+7, Hà Nội

Đa dạng giải pháp nâng cao hiệu quả các hoạt động đấu giá tài sản

Cập nhật lúc: 16/11/2022, 18:42

Sau hơn 5 năm triển khai thực hiện, Luật Đấu giá tài sản đã đi vào cuộc sống, góp phần vào việc thực hiện chủ trương cải cách tư pháp nói chung, cải cách lĩnh vực bổ trợ tư pháp nói riêng,...

Kết hợp linh hoạt nhiều hình thức

Luật Đấu giá tài sản (ĐGTS) được Quốc hội thông qua ngày 17/11/2016, đã đánh dấu mốc quan trọng trong việc hoàn thiện thể chế, thống nhất khung pháp lý điều chỉnh hoạt động ĐGTS. Các tổ chức ĐGTS đã được xã hội hóa mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng, nâng cao hiệu quả về quy mô, tính chuyên nghiệp.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Số cuộc ĐGTS công ngày càng tăng. Các hình thức đấu giá được áp dụng phong phú, đa dạng hoặc có tổ chức đấu giá đã kết hợp linh hoạt nhiều hình thức trong cùng một cuộc đấu giá. Bước đầu, việc xã hội hóa ĐGTS tại một số địa phương đã phát huy hiệu quả, đưa vào vận hành hệ thống đấu giá trực tuyến, góp phần tạo nên hệ thống đấu giá công khai, minh bạch, hiệu quả, tránh thất thoát tài sản công, tăng thu cho ngân sách Nhà nước.

Bên cạnh đó, thể chế về ĐGTS đã được hoàn thiện với việc Luật ĐGTS quy định trình tự, thủ tục chung áp dụng đối với tất cả các loại tài sản phải bán theo quy định của pháp luật, tạo ra tính thống nhất, chặt chẽ trong hoạt động đấu giá, giải quyết tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn trong hệ thống pháp luật, phân định rõ trách nhiệm của người có tài sản đấu giá trong các giai đoạn đấu giá…

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt, vẫn còn một số bất cập, hạn chế cả về mặt thể chế và thực tiễn. Đơn cử như cơ chế chính sách bảo đảm cho công tác quản lý Nhà nước còn bất cập. Việc định giá, xác định giá khởi điểm có trường hợp chưa hợp lý, chưa sát với giá thị trường. Công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý chưa thường xuyên. Một số tổ chức đấu giá thực hiện cuộc đấu giá chưa đúng trình tự, thủ tục, quy chế; đấu giá viên và nhân viên có năng lực hạn chế...

Nâng cao cả chất và lượng

Để khắc phục những tồn tại trong hoạt động ĐGTS, bên cạnh việc phổ biến, quán triệt việc thi hành các quy định của Luật ĐGTS và các văn bản pháp lý, thì giải pháp lâu dài là cần phải rà soát, hoàn thiện thể chế, pháp luật về ĐGTS.

Nhiều ý kiến cho rằng, cần tập trung sửa đổi, bổ sung những vấn đề mang tính cấp bách, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về trình tự, thủ tục ĐGTS, đồng thời tạo cơ sở pháp lý đồng bộ ngăn chặn, hạn chế tối đa tình trạng tiêu cực như thông đồng, dìm giá, “quân xanh, quân đỏ”, trả giá cao rồi “bỏ cọc” gây những hiệu ứng xấu, tác động đến tình hình kinh tế - xã hội. Quy định pháp lý cũng cần chặt chẽ hơn về điều kiện tham gia đấu giá, chế tài xử lý trong trường hợp có vi phạm; tăng cường bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người có tài sản bán đấu giá, người mua được tài sản bán đấu giá, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động bán ĐGTS.

Thời gian tới, cần xây dựng đội ngũ đấu giá viên có năng lực, trình độ đáp ứng yêu cầu thực tiễn của hoạt động bán ĐGTS; nâng cao chất lượng đấu giá viên theo hướng tập trung đào tạo theo chiều sâu, tăng cường kiến thức chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng, kinh nghiệm hành nghề; tăng cường bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ cho các đấu giá viên.

Song song với đó, cần nghiên cứu, tham mưu việc thực hiện sắp xếp tổ chức hành nghề ĐGTS theo hướng vừa bảo đảm thực hiện tốt chủ trương của Đảng, Nhà nước về xã hội hoá các nghề tư pháp, vừa đáp ứng yêu cầu đảm bảo an toàn pháp lý, phòng ngừa rủi ro cho người dân, DN, đồng thời góp phần phát triển hoạt động ĐGTS trên địa bàn một cách bền vững, phù hợp với nhu cầu của địa phương.

Tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện các quy định nhằm bảo đảm việc đổi mới tổ chức, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động, phát huy được tối đa lợi thế và tăng cường khả năng cạnh tranh của các Trung tâm so với loại hình DN ĐGTS. Ngoài ra, cần tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục hành chính, cơ chế, chính sách để các DN ĐGTS tiếp tục phát triển quy mô, số lượng, nâng cao chất lượng hành nghề.

Theo ông Phan Chí Hiếu, Thứ trưởng Bộ Tư pháp, sau 5 năm thi hành Luật ĐGTS, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật cần tập trung vào một số nhóm chính sách lớn, trong đó, cần xác định rõ hơn phạm vi áp dụng của Luật ĐGTS, mối quan hệ giữa luật này với các luật khác. Quy định rõ ràng, chặt chẽ hơn trình tự, thủ tục bán đấu giá các tài sản, nhưng phải tính tới các đặc thù của loại tài sản bán đấu giá (tài sản đang trong giai đoạn thi hành án; khoáng sản; tần số vô tuyến điện; hạn ngạch nhập khẩu, xuất khẩu...) và đa dạng hóa các hình thức bán ĐGTS. Việc hoàn thiện các quy định pháp lý trên cơ sở những tổng kết từ thực tiễn sẽ góp phần nâng cao trình độ, năng lực, kỹ năng, đạo đức nghề nghiệp không chỉ của đấu giá viên, mà còn của các chủ thể khác, đồng thời xử lý các vướng mắc để ĐGTS được thông suốt, hiệu quả trong tương lai.

Việc sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật ĐGTS là cần thiết nhằm bảo đảm trình tự, thủ tục đấu giá được chặt chẽ hơn, hiệu quả hơn, tăng tính công khai, minh bạch, khách quan. Đối với các giải pháp tiếp tục tăng cường công tác quản lý Nhà nước về ĐGTS, Cục Bổ trợ Tư pháp đề nghị tổ chức 1-2 đoàn thanh tra người có tài sản trong việc lựa chọn tổ chức ĐGTS để bảo đảm việc lựa chọn tổ chức ĐGTS theo đúng quy định tại Điều 56 Luật ĐGTS và Thông tư 02/2022/TT-BTP, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước đối với hoạt động ĐGTS.

Tính đến tháng 8/2022, 63 tỉnh, thành của Việt Nam đều có tổ chức ĐGTS được cấp phép hoạt động, trong đó Hà Nội có số lượng dẫn đầu với 118 tổ chức ĐGTS; TP HCM có 95 tổ chức ĐGTS; Thanh Hóa (41); Đà Nẵng (28); Nghệ An (26); Bà Rịa - Vùng Tàu (22) tổ chức ĐGTS... Nhu cầu từ thực tiễn cùng sự phát triển nhanh chóng của hệ sinh thái ĐGTS đòi hỏi cơ sở pháp lý cho hoạt động này phải được bổ sung, xã hội hóa các hoạt động của ĐGTS theo hướng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong chu trình hoạt động.

Tính đến tháng 8/2022, cả nước có 1.200 đấu giá viên, gần 600 DN ĐGTS, 58/63 Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản tại các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương. Theo số liệu thống kê thì từ tháng 7/2017 đến ngày 31/12/2021, các tổ chức ĐGTS đã tổ chức hơn 169.000 cuộc đấu giá, số tiền thu lao dịch vụ đấu giá tài sản thu được đạt hơn 2.096 tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước hơn 1.500 tỷ đồng.

Nguồn: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/da-dang-giai-phap-nang-cao-hieu-qua-cac-hoat-dong-dau-gia-tai-san-312088.html