18/01/2025 | 18:10 GMT+7, Hà Nội

Cựu Chủ tịch UBND huyện Yên Định: "Tôi không làm sai!"

Cập nhật lúc: 16/03/2020, 11:56

Bà Ngô Thị Hoa, cựu Chủ tịch UBND huyện Yên Định cho biết, bà không nắm rõ các khoản chi ngoài dự toán và khẳng định mình không làm sai.

Liên quan đến thông tin huyện Yên Định nợ khoảng 50 tỷ đồng chủ yếu rơi vào giai đoạn 2011 - 2015 khi ông Hoàng Cao Thắng làm Bí thư Huyện ủy và bà Ngô Thị Hoa làm Chủ tịch UBND huyện, hiện cả hai vị này đã nghỉ hưu.

Theo tìm hiểu, những món nợ của Huyện ủy, UBND huyện Yên Định chủ yếu như: Nợ tiền sửa sang cơ sở vật chất công sở Huyện ủy, UBND huyện; tiền xăng xe đi công tác của lãnh đạo; tiền sửa xe khi hư hỏng; tiền quà tặng các dịp đại hội, lễ kỷ niệm; tiền chè nước; giấy mực in; tiền ăn uống, nghỉ ngơi khi tiếp khách ở các nhà hàng, khách sạn của lãnh đạo huyện…

Liên quan đến thông tin Huyện ủy, UBND huyện Yên Định (Thanh Hóa) mắc nợ nhiều cá nhân số tiền hàng chục tỷ đồng, phóng viên đã có cuộc trao đổi nhanh với bà Ngô Thị Hoa, cựu Chủ tịch UBND huyện Yên Định để nắm rõ thêm thông tin này.

PV: Bà đã nghe thông tin về khoản nợ tiền tỷ của UBND huyện thời điểm bà đương kim chủ tịch huyện?

Bà Ngô Thị Hoa: Tôi cũng nắm qua thông tin báo chí nêu thông tin như vậy. Đúng là thời điểm đó tôi đang làm Chủ tịch UBND huyện, nhưng về quản lý, tôi chỉ điều hành cấp ngân sách theo dự toán đã được tỉnh duyệt. Còn cụ thể chi tiêu thế nào là do hai văn phòng (Văn phòng Huyện ủy, UBND huyện) vì ở huyện có bao nhiêu văn phòng chứ đâu phải mình Huyện ủy, UBND huyện đâu.

Bà Ngô Thị Hoa, cựu Chủ tịch UBND huyện Yên Định.

Những khoản chi tiêu khác (tiếp khách, ăn uống...) là do hai văn phòng, còn phòng tài chính chỉ tham mưu cho tôi trình ký, cấp (tài chính) cho các văn phòng căn cứ vào dự toán được duyệt. Riêng việc chi tiêu cụ thể phải do thủ trưởng cơ quan của hai cơ quan (bên UBND huyện là Phó Chủ tịch UBND huyện phụ trách thủ quỹ cơ quan). Tôi chỉ phụ trách chung về việc cấp dự toán được duyệt thôi.

PV: Được biết, thông tin tình trạng nợ nần tài chính tại huyện kéo dài qua năm này, đến năm khác, vậy trong thời gian đương kim Chủ tịch huyện liệu bà có nắm được thông tin này không?

Bà Ngô Thị Hoa: Thời điểm đó, huyện đang xây dựng nông thôn mới, có những khoản phát sinh cả tập thể đều biết và cũng đưa ra biện pháp giải quyết, nhưng những năm đó huyện không có nguồn thu.

Lúc đó vì trách nhiệm chung xây dựng nông thôn mới, anh em thấy công việc thì cứ phải làm. Ví dụ, khách đến thì văn phòng lo tiếp khách, các Phó Chủ tịch liên quan tới mảng nào thì cứ điều hành, xử lý công việc như vậy. 

PV: Tại sao bà biết nhưng không báo cáo Thường vụ để xin hướng xử lý?

Bà Ngô Thị Hoa: Có chứ, có (báo cáo) cả Thường trực và Thường vụ. Tôi cũng nói với anh Thắng Bí thư Huyện ủy để tìm giải pháp. Lúc đó, anh Thắng thì cho rằng, công việc thì cũng cứ phải làm, chẳng lẽ do “định mức” (ngân sách) thấp mà mình lại ngồi, không làm việc.

Tôi cũng đã đề xuất hạn chế việc này (chi tiêu), anh Thắng (Bí thư Huyện ủy) cũng biết nhưng sau đó cũng không xử lý gì.

Ngoài ra, thời điểm xây dựng nông thôn mới nên nguồn thu tập trung vào các xã hết. Chi thường xuyên theo dự toán tỉnh duyệt, mình nếu có tăng thu thì cũng không đáng kể.

Dù nợ nần như "chúa chổm" nhưng công trình tường rào xung quanh UBND huyện Yên Định vẫn được xây dựng bằng đá hoành tráng Ảnh: Minh Hải/Thanh Niên.

Công việc chung thì tập thể bàn, tập thể quyết. Khi dự toán chuyển đến tôi thì tôi chuyển cho tài chính căn cứ vào nguồn vốn đã duyệt, tham mưu trình Chủ tịch UBND dân xem xét. Những khoản tồn đọng vì phát sinh, có thể vài tháng sau anh em mới trình lên cho tôi. Tôi cũng chỉ chuyển phòng tài chính tham mưu, có gì báo cáo lại chứ tôi không quyết và không có chức năng quyết ngoài dự toán.

Nếu khoản ngoài dự toán phải đưa ra tập thể bàn chứ làm gì mình được quyết. Sau đó tài chính thì không thấy trình lại. Hồ sơ hiện đang nằm phòng tài chính chứ bản thân tôi cũng không biết (nợ) nó bao nhiêu cả. Tôi chỉ phụ trách điều hành chung chứ nắm sao hết được.

PV: Với khoản tiền tiếp khách, bà có biết, hoặc có "động viên" anh em cơ quan bỏ tiền túi ra để tiếp khách sau đó sẽ cân đối để hoàn lại không?

Bà Ngô Thị Hoa: Cũng có cái tôi tham gia tiếp khách thì tôi biết. Ví dụ tôi báo ngày hôm nay có khách A, B thì thông tin lại cho Chánh Văn phòng chuẩn bị. Sau này tổng hợp lại mới biết chi vượt dự toán. Còn tôi chỉ điều hành tài chính cấp dự toán 1 lần. Còn nhiều cái (chi khác) tôi không tham gia.

PV: Có ý kiến cho rằng, việc huyện chi tiêu nhiều và có dấu hiệu vi phạm nguyên tắc tài chính như vậy có trách nhiệm của bà với tư cách là Chủ tịch huyện thời điểm đó?

Bà Ngô Thị Hoa: Trách nhiệm cụ thể thế nào phải được làm rõ theo quy định của Luật Ngân sách. Tôi có duyệt ngân sách cấp ngoài dự toán đâu. Còn công việc cụ thể thì đã phân cấp, phân quyền, ai làm việc gì ra việc đó. Tôi có điều hành từng cái xe, cái cộ đâu mà biết.

Cảm ơn bà về cuộc trao đổi này!