Cuộc đua tăng lãi suất huy động vượt 12%/năm
Cập nhật lúc: 14/12/2022, 16:22
Cập nhật lúc: 14/12/2022, 16:22
Đẩy lãi suất cao nhất đã lên tới 12,7%
Cuộc đua lãi suất tiền gửi vẫn tiếp tục nóng ở tháng cuối cùng của năm 2022, nhất là sau khi Ngân hàng Nhà nước nới room tín dụng. Hiện đã có ngân hàng đẩy lãi suất cao nhất đã lên tới 12,7%.
Thông tin cho biết, tính từ đầu tháng 12 đến nay, lãi suất huy động tiết kiệm tiền đồng không ngừng tăng lên tại các ngân hàng thương mại. Cuộc đua tăng lãi suất huy động tiếp tục được hâm nóng sau khi Ngân hàng Nhà nước vừa quyết định nới room tín dụng thêm 1,5-2%, tương đương với khoảng 240.000 tỷ đồng sẽ được cung ứng thêm cho nền kinh tế.
Cụ thể, ngày 10/12, Ngân hàng số Cake by VPBank tăng lãi suất huy động 6 tháng lên 9,8%/năm, từ 12 tháng trở lên 9,95%/năm.
Còn ngày 8/12, Techcombank tăng lãi suất tiết kiệm thông thường kỳ hạn 6 tháng thêm 0,7-1,3%/năm lên mức 9,2%/năm. Với khách hàng ưu tiên gửi từ 3 tỷ đồng kỳ hạn 6 tháng trở lên, nhà băng này áp dụng mức lãi suất cao nhất là 9,5%/năm.
Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB) cũng mới tăng lãi suất lên mức cao nhất 9,7%/năm ở kỳ hạn từ 10 tháng trở lên, từ 6-9 tháng có mức lãi 9,5%/năm; dưới 6 tháng đồng loạt ở mức 6%/năm.
Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) cũng tăng lãi suất tiết kiệm online kỳ hạn 6-8 tháng lên 9%/năm; 9-11 tháng lên 9,1%/năm; 13 tháng trở lên 9,3%/năm.
Đầu tháng 12, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương (Saigonbank) nâng lãi suất tiền gửi thêm 0,2-1,9%/năm lên 6-10,5%/năm đối với tiền gửi có phương thức lĩnh lãi cuối kỳ, kỳ hạn 1-36 tháng.
Lãi suất tiết kiệm tại ABBank trong tháng 12 tiếp tục tăng 0,15-0,84 điểm % so với tháng trước, nâng biểu lãi suất trong khoảng 5,65-8,6%/năm đối với tiền gửi kỳ hạn 1-60 tháng, lĩnh lãi cuối kỳ.
Các ngân hàng có lãi suất tăng mạnh trong tháng 12 này còn có thể kể đến như: BacABank tăng 1,6%/năm, DongABank tăng 1,85%, Sacombank tăng 1,6%/năm…
Hiện SaigonBank là quán quân về huy động lãi suất với mức 10,5% cho kỳ hạn 13 tháng. Dù niêm yết lãi suất rất cao nhưng ngân hàng này không có yêu cầu đi kèm về số tiền tối thiểu. Các kỳ hạn 12, 18, 24, 36 tháng được trả lãi 10% năm.
Hiện một số ngân hàng đang huy động tiền gửi kỳ hạn 1 năm với lãi suất xấp xỉ 10%/năm như: SCB (9,95%/năm), DongABank (9,75%/năm), BacABank (9,2%/năm), Ngân hàng Bản Việt (9,4%/năm), VPBank (9,1%/năm)...
Nhưng đây chỉ là lãi suất trên biểu niêm yết chính thức. Mức lãi suất này còn cách xa so với lãi thỏa thuận tại quầy của nhiều ngân hàng.
Đơn cử, ngân hàng NCB trả lãi cao nhất 12,25%/ năm cho kỳ hạn từ 12 tháng. Kỳ hạn 10 tháng cũng được nhà bằng này trả lãi lên tới 12,15%. Mức lãi này cao hơn nhiều lần lãi suất niêm yết 9,7%/năm cho cáckỳ hạn từ 10 tháng trở lên. Song mức lãi này chỉ dành cho những khách hàng gửi khoản tiền từ 500 tỷ đồng trở lên. Với khoản tiền gửi trên 1 tỷ đồng, kỳ hạn 12 tháng, NCB trả lãi thỏa thuận hơn 11%/năm.
Ngày 12/12, Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB) triển khai chương trình khuyến mãi sinh nhật với chương trình lãi suất huy động mới, cao nhất lên đến 12,7%/năm, áp dụng từ ngày 12/12. Cụ thể, tại kỳ hạn từ 13 tháng trở lên với tất cả các mức tiền gửi, lãi suất huy động đều vượt mức 12%/năm, trong đó tại kỳ hạn từ 18 tháng, khi khách hàng gửi tiết kiệm trên 1 tỷ đồng, ngân hàng áp dụng mức lãi suất là 12,7%/năm. Với mức 12,7%, lãi suất mà SHB vừa công bố hiện là mức lãi suất cao nhất đang áp dụng tại ngân hàng và cũng là mức lãi suất cao nhất trong hệ thống.
Một số ngân hàng như: VPBank, BanVietBank, Kienlongbank, MSB, Pvcombank cũng đang áp dụng mức lãi thỏa thuận trên 11%/năm. Ngoài ra, một số ngân hàng còn cộng thêm lãi cho những khoản tiền lớn. Ngoài tăng lãi suất, dịp cuối năm, nhiều ngân hàng còn tặng thêm quà cho người gửi tiết kiệm như: đồ gia dụng, lịch, phiếu mua hàng...
Lãi suất huy động còn có thể tăng tiếp
Theo nhận định của nhiều chuyên gia, để đáp ứng nhu cầu cho vay và nhu cầu tiền mặt chi tiêu tăng cao cuối năm, các ngân hàng sẽ phải tăng cường huy động vốn mạnh hơn nữa. Vì thế, lãi suất tiết kiệm chưa thể hạ nhiệt sớm. Thậm chí, thời gian tới, lãi suất huy động còn có thể tăng tiếp.
Còn Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cũng cho biết, nhu cầu vốn đáp ứng hoạt động kinh doanh và thanh toán thời điểm cuối năm kết hợp với áp lực từ việc rút vốn khỏi kênh đầu tư trái phiếu doanh nghiệp sẽ khiến cho vòng xoáy tăng lãi suất huy động tiếp diễn, kéo theo lãi suất cho vay tăng vượt qua mức trước đại dịch.
Dù lãi suất huy động tăng nhanh trong 2 tháng gần đây nhưng huy động vốn trong trong nền kinh tế vẫn tăng rất chậm.
Tính đến cuối tháng 10/2022, huy động vốn ước tăng 4,8% so với đầu năm, cao hơn mức tăng 4,3% cuối tháng 9/2022. Huy động vốn tháng 10 chỉ tăng thêm 50.383 tỷ đồng so với mức tăng 95.210 tỷ đồng của tháng trước, theo VDSC.
Huy động vốn tăng chậm do sức khoẻ doanh nghiệp suy giảm, sự chững lại của kênh bất động sản và tiết kiệm của người dân bị ảnh hưởng bởi giá cả tiêu dùng gia tăng, các chuyên gia của VDSC cho hay.
Còn theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, đến cuối tháng 9, tổng quy mô tiền gửi của các tổ chức kinh tế ở mức hơn 5,78 triệu tỷ đồng, chỉ tăng trưởng 2,43% so với cuối năm 2021. Đây là mức tăng trưởng thấp nhất so với cùng kỳ trong lịch sử dữ liệu thống kê được công bố và chưa được 1/3 mức tăng trưởng trung bình 7,98% vào cuối tháng 9 trong giai đoạn thống kê từ năm 2012 đến nay.
Cùng với đó, quy mô tiền gửi của dân cư tại các tổ chức tín dụng đến cuối tháng 9/2022 ở mức gần 5,64 triệu tỷ đồng, tăng 6,38% so với cuối năm 2021, chỉ bằng một nửa so với mức tăng trưởng trung bình 12,1% trong 9 tháng đầu năm hàng năm trong giai đoạn thống kê từ năm 2012 tới nay.
Hiện mức lãi suất cho vay thả nổi đối với khoản vay tiêu dùng (mua nhà, mua xe) đã lên đến 15-16%/năm, lãi suất cho vay khách hàng doanh nghiệp phổ biến cũng đang là 11-12%.
Dù Chính phủ đã chỉ đạo nới thêm dư địa tín dụng cho nền kinh tế nhưng theo VDSC, một số vấn đề mang tính cấu trúc khiến cho việc cho vay có thể không được như kỳ vọng, gồm chủ trương hạn chế cho vay lĩnh vực rủi ro như bất động sản hay đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp đến hạn; rủi ro suy thoái kinh tế toàn cầu...
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) cho hay: Hiện nay các ngân hàng đang rất khó khăn trong hệ số an toàn vốn, tính chung cả ngành, dư nợ cho vay và tổng huy động gần như tương đương nhau, nghĩa là có bao nhiêu vốn ngân hàng đã cho vay gần hết nên buộc phải tăng mạnh lãi suất để tăng huy động.
"Ngành ngân hàng đang cùng lúc phải đảm trách nhiệm vụ đảm bảo vốn cho nền kinh tế nhưng phải vừa cân đối các chỉ số vĩ mô là lạm phát và tỉ giá. Mặt bằng lãi suất huy động tăng cao đang kéo theo cho vay cao. Bản thân các tổ chức tín dụng dù đã tiết giảm chi phí hoạt động để lãi suất cho vay tăng chậm hơn lãi suất huy động nhưng ngân hàng thương mại cũng là doanh nghiệp nên không thể hy sinh mãi được", ông Hùng nói.
Nguồn: https://kinhtemoitruong.vn/cuoc-dua-tang-lai-suat-huy-dong-vuot-12nam-74294.html
09:03, 12/12/2022
13:45, 04/12/2022
09:47, 04/12/2022
13:57, 30/11/2022