19/01/2025 | 13:33 GMT+7, Hà Nội

Cùng chủ động vào cuộc

Cập nhật lúc: 25/08/2020, 16:34

Nền kinh tế nước ta đã đi qua gần 8 tháng năm 2020 và có thể sẽ hoàn thành mục tiêu kiềm chế chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của cả năm tăng dưới 4%. Đây là tín hiệu đáng mừng trong bối cảnh tình hình thị trường quốc tế...

Nền kinh tế nước ta đã đi qua gần 8 tháng năm 2020 và có thể sẽ hoàn thành mục tiêu kiềm chế chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của cả năm tăng dưới 4%. Đây là tín hiệu đáng mừng trong bối cảnh tình hình thị trường quốc tế, trong nước có nhiều biến động phức tạp dưới tác động tiêu cực của dịch Covid-19 và căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc.

Thực tế từ đầu năm đến nay, CPI của nước ta luôn nằm trong tầm kiểm soát. Minh chứng là 7 tháng năm 2020, CPI tăng 4,07%, khá sát với chỉ tiêu do Quốc hội và Chính phủ đề ra. Đáng chú ý, nếu như trong tháng 6-2020, CPI tăng 0,66% so với tháng 5 thì đến tháng 7, chỉ số này chỉ tăng 0,4% so với tháng 6. Kết quả này cho thấy, hiệu quả quản lý nhà nước của Chính phủ; sự điều hành linh hoạt của các cấp, ngành, địa phương. Trong đó, nổi bật là quản lý tốt hơn chi ngân sách nhà nước, điều tiết giá cả những mặt hàng Nhà nước kiểm soát; làm tốt công tác quản lý thị trường, bảo đảm cung - cầu hàng hóa; có biện pháp từng bước hạ giá mặt hàng thịt lợn...

Dù vậy, từ nay đến cuối năm, áp lực lạm phát lớn do bước vào thời điểm khai giảng năm học mới, nhu cầu tiêu dùng cuối năm tăng, hoạt động sản xuất, kinh doanh được thúc đẩy khi kiềm chế được dịch Covid-19... Từ đó đòi hỏi các cấp, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ các chính sách điều hành kinh tế vĩ mô, đồng thời hoàn thành tốt nhiệm vụ kinh tế - xã hội đã đề ra.

Theo đó, các cơ quan quản lý tiếp tục phát huy cách làm hiệu quả thời gian qua; chủ động trong công tác đánh giá tình hình, dự báo để quản lý, điều hành giá thận trọng, linh hoạt và chủ động; triển khai linh hoạt chính sách tài khóa, tiền tệ, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô. Trong đó, cần bám sát diễn biến cung - cầu để có giải pháp bình ổn thị trường phù hợp, nhất là đối với một số mặt hàng thiết yếu. Chú trọng việc kiểm soát chặt chẽ đối với công tác kê khai giá, tránh tình trạng lợi dụng tăng giá bất hợp lý; giữ vững quan hệ cung - cầu hàng hóa lành mạnh, bảo đảm lưu thông hàng hóa…

Về phần mình, các địa phương cần bám sát chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, tiếp tục theo dõi sát diễn biến cung - cầu hàng hóa, giá cả, rà soát tình hình, tìm dư địa cho việc giảm giá hàng hóa; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm việc thao túng giá. Bên cạnh đó là chủ động chuẩn bị các nguồn hàng để kịp thời bình ổn thị trường; chú ý đến tập quán gia tăng nhu cầu mua sắm, nhất là thực phẩm, hàng gia dụng vào dịp cuối năm và mua sắm trong dịp năm học mới của người dân.

Đối với các đơn vị sản xuất, kinh doanh cần tìm kiếm, áp dụng các biện pháp phù hợp để tiết giảm chi phí sản xuất, ổn định giá thành sản phẩm, từ đó góp phần kiềm chế lạm phát. Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp như hiện nay cần chủ động nguồn nguyên liệu sản xuất, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, tích cực tìm kiếm và mở rộng thị trường mới; tận dụng các chính sách hỗ trợ của Chính phủ và cơ quan hữu quan, tham gia thực hiện tốt chương trình kích cầu tiêu dùng để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, kích thích tăng trưởng kinh tế.

Đặc biệt, mỗi người dân cần tin tưởng vào sự điều hành, điều tiết thị trường của cơ quan quản lý, bình tĩnh trước những biến động bất thường về giá cả, từ đó chung sức giữ cho chỉ số CPI ổn định, giúp Nhà nước kiểm soát tốt lạm phát.

Với sự chủ động vào cuộc của toàn xã hội, CPI năm 2020 sẽ đạt được mục tiêu đề ra, góp phần bảo đảm an sinh xã hội và tăng trưởng kinh tế.