18/01/2025 | 19:52 GMT+7, Hà Nội

Covid-19: 'Kẻ giết người' đáng sợ nhất năm 2020

Cập nhật lúc: 09/05/2020, 13:23

So với các loại căn bệnh gây chết người, Covid-19 thực sự là 'kẻ hủy diệt' trong năm 2020, bởi mức độ nguy hiểm của nó cho đến thời điểm này. Hàng trăm ngàn người đã chết và các con số thống kê vẫn chưa dừng lại.

Covid-19 là căn bệnh nguy hiểm nhất thế giới khi cướp đi mạng sống của hơn 271.000 người đến lúc này - Ảnh: Reuters

Kể từ ca tử vong đầu tiên được ghi nhận do Covid-19 xảy ra vào ngày 9/1/2020 tại phố Vũ Hán, Trung Quốc, đến nay toàn cầu đã ghi nhận hơn 271.000 người chết vì virus Corona - theo thống kê mới nhất của chuyên trang về dữ liệu Worldometer.

Covid-19 trở thành căn bệnh nguy hiểm hơn cả SARS, H1N1, MERS và Ebola cộng lại. Thậm chí, trong một thống kê gần nhất, số người chết vì Covid-19 trên toàn cầu cao hơn hầu hết mọi thứ bệnh tật hay tác nhân gây tử vong khác.

Theo “Gánh nặng bệnh tật toàn cầu”, một nghiên cứu hàng năm của Viện Đo lường và Đánh giá Sức khỏe (IHME), số người thiệt mạng của 282 bệnh tật và thương tật trên 195 quốc gia và vùng lãnh thổ, trung bình bệnh tiểu đường gây ra 20.000 ca tử vong mỗi tuần vào năm 2017 (năm gần nhất có dữ liệu); tai nạn đường bộ giết chết 25.000 người một tuần; Ung thư phổi và khí quản là 36.000; Nhiễm trùng đường hô hấp dưới, như viêm phổi và viêm phế quản là 49.000.

Trong khi đó, một chu kỳ thời gian bảy ngày đặc biệt nguy hiểm vào tháng Tư, virus Corona đã giết chết hơn 50.000 người (xem biểu đồ).

Covid-19 khiến số người chết cao nhất so với các loại bệnh và nguyên nhân tử vong khác - Ảnh: Economist

Ngay cả khi dịch bệnh kết thúc trong nay mai, Covid-19 vẫn là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trong năm 2020 cho đến nay.

Với hơn 271.000 người chết theo báo cáo chính thức, Covid-19 hiện đang đứng trên ung thư vú, sốt rét và bệnh Parkinson. Nhưng con số này vẫn chưa phải là cuối cùng và chính xác.

Ở nhiều quốc gia, số người chết vì Covid-19 được tính chỉ bao gồm những người chết trong bệnh viện hoặc những người chết đã được xét nghiệm dương tính với virus này. Theo một số chuyên gia, con số người chết thực tế có thể cao hơn nhiều con số báo cáo.

Covid-19 không chỉ gây ra số người chết rất cao, những biện pháp hạn chế và phong tỏa để ngăn chặn virus Corona còn gây ra các ảnh hưởng sức khỏe lâu dài khác.

Các biện pháp phong tỏa, giãn cách xã hội khiến nhiều quốc gia không thực hiện được kế hoạch tiêm chủng với trẻ em; việc kiểm tra sức khỏe định kỳ đối với một số bệnh cũng bị đình chỉ ở nhiều nước. Những điều này tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây hoặc nhiễm bệnh.

Trong một nghiên cứu mới nhất của Viện Đo lường và Đánh giá Sức khỏe, các lệnh phong tỏa và hạn chế đang gây ra tổn thất tâm lý với một số đối tượng nhất định. Tại Nga, doanh số bán rượu Vodka trong tuần cuối tháng 3 tăng 31%. Tại Mỹ, doanh số bán súng trong tháng 3 tăng 85%.

Sử dụng nhiều rượu và súng có thể góp phần gây ra tình trạng bạo lực và tự tử gia tăng.

Trong bối cảnh u ám chung của Covid-19, có một điểm sáng. Khi đa số mọi người ở nhà vì các hạn chế di chuyển, tình trạng tai nạn giao thông giảm – đây là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 8 trên thế giới.

Ngoài ra, ô nhiễm không khí giảm sẽ làm giảm số ca sinh non; ít người hen suyễn hơn.

Số người chết vì Covid-19 đang giảm trong tuần vừa qua. Trên biểu đồ là thống kê số người chết của các nước chịu thiệt hại nhất thế giới - Ảnh: nguồn Euronews

Thế giới ghi nhận số người chết vì Covid-19 đang giảm dần. Trong tuần cuối cùng của tháng 4, số ca tử vong được báo cáo đã hạ xuống dưới 40.000.

Điều tồi tệ nhất có thể đã qua với các quốc gia giàu có như Tây Ban Nha, Italia, Pháp, nhưng ở những nước đang phát triển, mức độ thiệt hại do Covid-19 tấn công vẫn chưa thể đánh giá hết.

Ngay cả khi virus Corona đã suy yếu dần, chi phí cho con người vì căn bệnh này cũng đã là quá lớn.

Hơn 5 tháng kể từ khi xuất hiện, Covid-19 thực sự là nỗi ác mộng với toàn thế giới. Nếu vắc-xin điều trị Covid-19 không sớm được bào chế, nỗi ác mộng chết chóc sẽ còn kéo dài trên toàn cầu.