18/01/2025 | 09:03 GMT+7, Hà Nội

Công ty Vucico quảng cáo "nổ" sản phẩm tiêu diệt được Covid-19

Cập nhật lúc: 30/04/2020, 10:34

Trong thời điểm dịch Covid-19 đang bùng phát mạnh mẽ khiến người dân vô cùng lo lắng, công ty Vucico đã dựa theo mùa dịch để quảng cáo "nổ" về sản phẩm.

"Nổ quá đà" trong quảng cáo

Trong khi người dân và chính quyền đang cùng nhau chung tay đẩy lùi đại dịch Covid-19 thì một số doanh nghiệp lại lợi dụng tình hình dịch bệnh và tâm lý lo sợ của người dân để quảng cáo sản phẩm với công dụng “trên trời” có thể tiêu diệt Covid-19 nhằm trục lợi.

Theo khảo sát của chúng tôi thời gian gần đây, hai loại sản phẩm là Bộ tổng lọc nước UV và Hạt CloRun của Công ty Cổ phần Tư vấn và Đầu tư Đô thị Việt hay Vucico Việt Nam đã “nổ” những lời quảng cáo quá mức về sản phẩm của mình.

Cụ thể, sản phẩm bộ lọc nước tổng UV của Công ty Vucico Việt Nam đã được quảng cáo quá mức về công dụng cũng như cấu tạo của sản phẩm: "Với các công dụng đặc biệt và hoàn hảo như bộ lọc nước tổng sử dụng công nghệ khử trùng bằng tia UV (tia cực tím) được cấu tạo nên bằng 4 cấp lọc nước. Ngoài ra, đèn khử trùng UV còn được giới thiệu nhiều tính năng tuyệt vời như: Với công suất >40mJ/cm2, có khả năng tiêu diệt hoàn toàn các vi khuẩn ngay cả Covid-19 ".

Cùng với đó, để tăng niềm tin với khách hàng, phía công ty còn giới thiệu thêm về các lõi lọc của Bộ lọc nước tổng UV đều được sử dụng công nghệ PP Sanic – vật liệu kháng khuẩn phủ bởi Ion bạc. Sản phẩm được quảng cáo với hàng loạt những công dụng nổi bật không kém đèn khử trùng UV như: "Tiêu diệt hơn 650 loại vi khuẩn, nấm và các vi sinh khuẩn; hạn chế vi sinh vật trên bề mặt máy lọc giúp tăng thời gian thay thế lõi lọc…".

Bộ lọc nước VUCICO KIT TAP UV và bộ lọc tổng KIT BIG 10 được quảng cáo tiêu diệt được 99.99% vi khuẩn và cả virus Corona.

Trên Facebook, tại page của Công ty Vucico cũng đưa những thông tin rất quảng cáo về 2 sản phẩm VUCICO KIT TAP UV và bộ lọc tổng KIT BIG 10 như: Sử dụng công nghệ diệt khuẩn bằng đèn tia cực tím UV đến từ Pháp, xuất xứ 100% châu Âu, uống trực tiếp tại vòi chỉ cần 1 "click" mở. Đặc biệt, có thể tiêu diệt 99,99% vi khuẩn, virus lẫn các tạp chất, kim loại nặng có trong nước và kể cả virus Covid-19.

Không chỉ sản phẩm máy lọc nước UV được quảng cáo tiêu diệt được Covid-19 mà từ phía Công ty Vucico Việt Nam còn cung cấp thêm một sản phẩm khác là CHLORUN - HẠT CLO với khả năng kỳ diệu khử khuẩn cũng "đánh bay Covid-19".

Sản phẩm bột Chlorun- hạt Clo có khả năng đánh bay virus Covid-19.

Qua lời giới thiệu của nhân viên công ty thì được biết bột CHLORUN - hạt CLO là clo dạng hạt, nhập khẩu từ Israel, có đầy đủ chứng nhận chất lượng và xuất xứ. Loại bột này có thể dùng để pha loãng với nước, dùng làm dung dịch vệ sinh, tẩy rửa các bề mặt như sàn, bàn ghế kệ tủ... trong nhà. Đáng chú ý,  sản phẩm này cũng được "nổ" là có khả năng diệt hoàn toàn virus, vi khuẩn và cả Covid-19.


Nhân viên tư vấn khẳng định sản phẩm Chlorun có khả năng tiêu diệt hoàn toàn vi khuẩn và cả virus Corona.

Được biết Công ty Cổ phần Tư vấn và Đầu tư Đô thị Việt hay Vucico Việt Nam được ra đời từ tháng 1/2005. Người đại diện cho công ty Vucico Việt Nam là ông Võ Anh Tuấn và chuyên ngành hoạt động chính của công ty là bán buôn máy móc, thiết bị và phụ tùng máy khác.

Hiện nay, chưa có một nghiên cứu nào chứng minh rằng có thể tiêu diệt được Covid-19, mà tất cả nghiên cứu đều đa phần thực hiện trên mô hình tế bào, chưa có nhiều nghiên cứu trên động vật, đặc biệt là lâm sàng trên người. Như vậy, việc quảng cáo sản phẩm bộ lọc nước UV và bột CloRun của Công ty Vucico Việt Nam về việc có khả năng tiêu diệt được virus Covid-19 là sai sự thật

Công ty Vucico nói gì?

Để làm rõ hơn về vấn đề các sản phẩm trên có thể tiêu diệt được hoàn toàn Covid-19 đúng như lời quảng cáo hay không, PV đã chủ động liên hệ theo số điện thoại trên trên website của phía Công ty Vucico Việt Nam khu vực Miền Bắc có trụ sở tại tòa nhà Hàn Việt, 203 Minh Khai, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội để làm việc thì đã gặp được ông Nguyên - Nhân viên phát triển kinh doanh của Công ty Vucico Miền Bắc.

Sau khi trao đổi với ông Nguyên về những thông tin mà dư luận đang quan tâm, thì ông Nguyên có trả lời rằng: "Hiện tại đang đi công tác nên đề nghị phía cơ quan báo chí gửi nội dung làm việc qua email để nghiên cứu và trình lên sếp. Sau đó, sẽ liên lạc lại với PV để thông báo thời cụ thể để hai bên lên làm việc".

Vài ngày sau, không thấy ông Nguyên trả lời email, PV đã liên hệ lại với phía công ty thì nhận được câu trả lời: "Bên phía công ty đã nhận được email và trình lên sếp nhưng vì hiện tại đang dịch nên văn phòng của công ty đang bị phân tán, thời đểm này chưa phù hợp lắm, có gì bên phía công ty sẽ báo lại."

Sau đó, PV đã nhiều lần gọi lại cho ông Nguyên nhưng vẫn không liên lạc được.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, luật sư Nguyễn Ngọc Hùng - Trưởng văn phòng Luật Kết Nối cho biết: "Theo Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 quy định tại Điều 10. Các hành vi bị cấm: 1. Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ lừa dối hoặc gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng thông qua hoạt động quảng cáo hoặc che giấu, cung cấp thông tin không đầy đủ, sai lệch, không chính xác về một trong các nội dung về Hàng hóa, dịch vụ mà tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ cung cấp;”

"Theo đó, việc quảng cáo hàng hóa phải đúng sự thật theo quy định của pháp luật, đúng công dụng, không được lừa dối hoặc gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng, người bán phải chịu trách nhiệm về cả chất lượng và hình thức quảng cáo đối với sản phẩm của mình. Việc quảng cáo sai sự thật, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại Nghị định 158/2013/NĐ-CP: Điều 51 có nêu rõ về việc vi phạm quy định về hành vi cấm trong hoạt động quảng cáo tại mục 5 sẽ phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với một trong các hành vi (a.Quảng cáo sai sự thật, không đúng quy cách, chất lượng, công dụng, nhãn hiệu, kiểu dáng, chủng loại, bao bì, xuất xứ, chỉ dẫn địa lý, phương thức phục vụ, thời hạn sử dụng, thời hạn bảo quản, bảo hành của hàng hóa, dịch vụ, trừ trường hợp quy định tại Điểm d Khoản 3 Điều 68, Điểm c Khoản 3 Điều 69, Điểm a Khoản 2 Điều 72, Điểm b Khoản 1 Điều 75 và Khoản 1 Điều 78 Nghị định này; b) Quảng cáo lừa dối, gây nhầm lẫn cho công chúng, người tiêu dùng, khách hàng về tổ chức, cá nhân, sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được quảng cáo với tổ chức, cá nhân, sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ khác hoặc lừa dối, gây nhầm lẫn về tính năng, tác dụng của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được quảng cáo, trừ trường hợp quy định tại Khoản 4 Điều 68, Điểm a Khoản 3 Điều 69 và Khoản 4 Điều 70 Nghị định này)", luật sư Hùng nhấn mạnh.

Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, Trưởng văn phòng Luật Kết Nối.

 Hội đồng thẩm phán Tòa án Nhân dân (TAND) tối cao vừa có hướng dẫn áp dụng pháp luật và tổ chức xét xử đối với một số hành vi vi phạm pháp luật phổ biến có đủ yếu tố cấu thành tội phạm trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Theo đó, người có hành vi lợi dụng dịch bệnh COVID-19 đưa ra thông tin không đúng sự thật về công dụng của thuốc, vật tư y tế...về phòng, chống dịch bệnh nhằm chiếm đoạt tài sản của người khác thì bị xử lý về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại điều 174, BLHS.