Công ty Việt Sin có bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay không?
Cập nhật lúc: 19/07/2016, 00:37
Cập nhật lúc: 19/07/2016, 00:37
Sau khi có kết luận củaTrung tâm pháp y - Sở Y tế TP.HCM về việc bò viên của Công ty CP Kỹ nghệ Thực phẩm Việt Sin (“Công ty Việt Sin”) chỉ có ADN của cá và thịt trâu chứ không có ADN của thịt bò, nhiều người tiêu dùng cho rằng họ đã bị công ty Việt Sin đánh lừa một cách có hệ thống. Chị Nguyễn Thị Liên, ngụ tại Chung cư 47 - 57 Nguyễn Thái Bình, Quận 1, TPHCM bức xúc nói: "Là một người nội trợ, tôi cảm thấy bị sốc khi nghe báo chí thông tin bò viên của Công ty Việt Sin thực ra chỉ là cá và trâu. Việt Sin là một công ty sản xuất hàng thực phẩm mà bán hàng theo kiểu treo đầu dê bán thịt chó, lừa dối người tiêu dùng như thế thì liệu chúng tôi có còn niềm tin vào sản phẩm của công ty này nữa không".
Nhiều người tiêu dùng cũng họi điện thoại, gửi email về Báo Gia đình Việt Nam đặt vấn đề: Hành vi của Công ty Việt Sin có bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay không?. Mang thắc mắc này của người tiêu dùng hỏi các chuyên gia pháp lý, Luật sư Nguyễn Đăng Tư, Văn phòng Luật sư TriLaw (TP.HCM) cho biết pháp luật Việt Nam hiện hành chưa quy định trách nhiệm hình sự đối với tổ chức, do vậy Công ty Việt Sin sẽ khó thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Tuy nhiên, trong trường hợp cơ quan chức năng có kết luận xác định các hậu quả mà Công ty Việt Sin gây ra là nghiêm trọng thì tùy tính chất, mức độ vi phạm một số cá nhân có trách nhiệm liên quan có thể bị truy tố trách nhiệm hình sự.
Liên quan đến việc xử lý vi phạm của Công ty Việt Sin, Luật sư Nguyễn Đăng Tư cho biết: “Theo quy định tại khoản 2, Điều 30, Luật chất lượng sản phẩm hàng hóa năm 2007 và các văn bản hướng dẫn thi hành thì “Trong quá trình kiểm tra chất lượng sản phẩm trong sản xuất, mà kết quả thử nghiệm khẳng định sản phẩm không phù hợp với tiêu chuẩn công bố áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng đe dọa đến sự an toàn của người, động vật, thực vật, tài sản, môi trường thì cơ quan kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa thông báo công khai trên phương tiện thông tin đại chúng, tạm đình chỉ sản xuất sản phẩm không phù hợp và kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật”.
Ngoài ra, Luật sư Tư cũng cho biết thêm, theo quy định tại Nghị định số 185/2013/NĐ-CP, sửa đổi bởi Nghị định 124/2015 về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì các sản phẩm, hàng hóa không đảm bảo chất lượng như đã đăng ký hoặc công bố mà cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính đã tiêu thụ, đã bán còn đang lưu thông trên thị trường sẽ bị buộc thu hồi tiêu hủy hoặc buộc thu hồi loại bỏ yếu tố vi phạm.
Bênh cạnh các biện pháp nêu trên, Công ty Việt Sin còn bị buộc phải nộp lại số lợi bất hợp pháp là tiền, tài sản, giấy tờ và vật có giá có được từ vi phạm hành chính mà cá nhân, tổ chức đó đã thực hiện để sung vào ngân sách nhà nước hoặc hoàn trả cho đối tượng bị chiếm đoạt theo quy định tại Điều 37, Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012.
Đối với hành vi che giấu thông tin hoặc cung cấp thông tin không đầy đủ, sai lệch, không chính xác cho người tiêu dùng theo quy định, Công ty Việt Sin có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo khoản 1 Điều 66 Nghị định 185/2013/NĐ-CP, mức phạtcao nhất là 20.000.000 đồng.
Trong trường hợp cơ quan chức năng xác định Công ty Việt Sin có hành vi sử dụng nguyên liệu không rõ nguồn gốc, xuất xứ hoặc không có giấy chứng nhận xuất xứ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp theo quy định, hoặc sử dụng thực phẩm đã hết hạn sử dụng để sản xuất, chế biến thực phẩm, thì theo quy định tại Điều 5 Nghị định 178/2013, tùy theo mức độ vi phạm Công ty Việt Sin có thể bị xử phạt với mức phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, bị áp dụng hình phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động sản xuất, chế biến thực phẩm từ 02 tháng đến 03 tháng và áp dụng biện pháp khắc phục buộc tiêu hủy toàn bộ tang vật sản xuất.
Tuy nhiên, Luật sư Nguyễn Đăng Tư cho rằng, các chế tài xử phạt vi phạm hành chính hiện tại đối với việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của pháp luật Việt Nam còn quá nhẹ, dẫn đến nhiều tổ chức, cá nhân xem thường việc tuân thủ pháp luật, vì lợi nhuận trước mắt mà vi phạm pháp luật, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng.
Theo Luật sư Tư, với kết quả của bản kết luận giám định pháp y về ADN đối với 2 mẫu sản phẩm bò viên GoGo và bò viên Merlion của Công ty Việt Sin chỉ chứa thịt cá và trâu chứ không hề có ADN của bò, người tiêu dùng đã sử dụng sản phẩm bò viên GoGo và bò viên Merlion của Công ty Việt Sin trước đó hoàn toàn có quyền khởi kiện Công ty Việt Sin để yêu cầu bồi thường thiệt hại theo quy định tại Khoản 6, Điều 8, Luật Bảo Vệ Người Tiêu Dùng năm 2010; Điều 9, Luật An toàn thực phẩm năm 2010 và các quy định có liên quan của Bộ luật Dân sự năm 2005.
"Ngoài ra, các tổ chức, cá nhân kinh doanh phân phối các sản phẩm bò viên của Công ty Việt Sin cũng có quyền yêu cầu Công ty Việt Sin hợp tác trong việc thu hồi và xử lý sản phẩm không đảm không phù hợp với tiêu chuẩn công bố áp dụng; có quyền khiếu nại, tố cáo, khởi kiện và được bồi thường thiệt hại, tổn thất kinh doanh theo Điều 8 Luật An toàn thực phẩm năm 2010 và Bộ luật dân sự năm 2005", Luật sư Nguyễn Đăng Tư nói.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về sự việc./.