Công bố điều chỉnh, mở rộng quy hoạch Khu kinh tế Nghi Sơn
Cập nhật lúc: 10/01/2019, 12:00
Cập nhật lúc: 10/01/2019, 12:00
KKT Nghi Sơn theo quy hoạch điều chỉnh, mở rộng đến 2035, tầm nhìn đến 2050
Sáng 9/1, tại Thanh Hoá, Bộ Xây dựng phối hợp UBND tỉnh Thanh Hoá tổ chức lễ Công bố điều chỉnh, mở rộng quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Nghi Sơn (KKTNS), tỉnh Thanh Hoá đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050.
KKTNSđược Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định thành lập năm 2006, có diện tích 18.611,8 ha và lựa chọn là một trong 8 KKT ven biển trọng điểm ưu tiên đầu tư của Quốc gia; đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt QHC xây dựng tại Quyết định 1364/QĐ-TTg ngày 10/10/2007 với chức năng là KKT tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực, trọng tâm là công nghiệp nặng và công nghiệp cơ bản như: lọc hóa dầu, nhiệt điện, xi măng… gắn với với xây dựng và khai thác có hiệu quả cảng biển nước sâu, để trở thành khu đô thị - công nghiệp - dịch vụ du lịch quan trọng của tỉnh Thanh Hóa và vùng Bắc Trung Bộ.
Sau 12 năm thành lập, KKTNS đã và đang khẳng định được là một KKT ven biển có sức hấp dẫn thu hút được nhiều dự án đầu tư, có hệ thống hạ tầng kỹ thuật đã được đầu tư tương đối đồng bộ, hiện đại. Đến nay, đã thu hút được 192 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký đầu tư 106.627,43 tỷ đồng và 19 dự án FDI với tổng vốn đầu tư 12.862,9 triệu USD. Nhiều dự án quy mô lớn đã đi vào hoạt động như: Lọc hóa dầu Nghi Sơn, Nhiệt điện 1; xi măng Nghi Sơn, Công Thanh, Dầu ăn Muximas, Luyện cán Thép, Cảng gang thép Nghi Sơn; hệ thống cấp nước KKTNS; Khu dịch vụ Central Resort... đóng góp cho ngân sách nhà nước gần 12.000 tỷ đồng trong năm 2018.
Sự phát triển của KKTNSđã góp phần thu hút các loại hình công nghiệp hiện đại, chuyển dịch cơ cấu ngành nghề, tăng thu ngân sách, thúc đẩy tăng trưởng, tăng năng suất lao động, giải quyết nhiều việc làm, tạo đà tăng trưởng bền vững, tạo động lực lôi kéo sự phát triển KT-XH trong khu vực và các vùng lân cận.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phan Thị Mỹ Linh bàn giao tài liệu điều chỉnh,mở rộng quy hoạch chung xây dựng KKTNS, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050 cho lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa
Ngày 12/6/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 18/2015/QĐ-TTg về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế hoạt động KKT Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa, theo đó, KKTNS được mở rộng diện tích lên 106.000 ha (bao gồm: 66.497,57 ha đất liền và đảo, 39.502,43 ha mặt nước). Việc mở rộng KKTNS nhằm đáp ứng yêu cầu: Tạo ra một động lực mới cho sự phát triển KT-XH của tỉnh Thanh Hóa và khu vực Bắc Trung Bộ, giải quyết nhu cầu thiếu đất để bố trí các loại hình công nghiệp phụ trợ, công nghiệp công nghệ cao, công nghệ ICT, công nghiệp nhẹ, chế biến nông lâm thủy sản... khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch trong phạm vi KKT, giải quyết nhu cầu phát triển đô thị, đáp ứng nhu cầu nơi ở, việc làm, đi lại cho người lao động và các thiết chế văn hóa cho người dân đô thị; điều chỉnh bổ sung một số khu chức năng và giải quyết các vấn đề bất cập trong xây dựng hạ tầng KKT trong quá trình triển khai thực hiện vừa qua.
Ngày 7/12/2018, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1699/QĐ – TTg về việc phê duyệt điều chỉnh, mở rộng Quy hoạch chung xây dựng KKTNS, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo đó, phạm vi nghiên cứu lập quy hoạch là toàn bộ diện tích huyện Tĩnh Gia (12 xã trong KKTNS cũ và các xã còn lại của huyện Tĩnh Gia); 3 xã Yên Mỹ, Công Bình, Công Chính (huyện Nông Cống) và 3 xã Thanh Tân, Thanh Kỳ, Yên Lach (huyện Như Thanh...
Tổng diện tích quy hoạch 106.000 ha (tăng gần 10 lần so với ban đầu); trong đó, có 66.497,57 ha đất liền, hải đảo và 39.502,43 ha mặt nước biển lấy khu vực đô thị trung tâm huyện Tĩnh Gia làm trung trung tâm tổng hợp của KKTNS, gắn với các chức năng hành chính, giáo dục, công nghiệp triển khai R&D và nhà ở đô thị.
Sau khi điều chỉnh, KKTNS sẽ là khu kinh tế biển đa ngành, đa lĩnh vực với trọng tâm là công nghiệp nặng và công nghiệp cơ bản, gắn liền với xây dựng và khai thác có hiệu quả cảng biển Nghi Sơn; vận hành theo cơ chế ưu đãi đặc biệt; là động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thanh Hóa và khu vực Bắc miền Trung.
KKTNS sẽ là cụm đô thị công nghiệp, dịch vụ, du lịch đồng bộ và hiện đại với trung tâm là thành phố công nghiệp Nghi Sơn và các đô thị Hải Ninh, Yên Mỹ, Thanh Tâm được phát triển theo mô hình đô thị thông minh - xanh - bền vững
KKTNS cũng là đầu mối giao thông quan trọng, cửa ngõ giao lưu, trao đổi hàng hóa kết nối vùng Bắc Lào, Đông Bắc Thái Lan, vùng phụ cận Thanh Hóa với tuyến hàng hải quốc gia và quốc tế thông qua hệ thống đường bộ và cảng biển Nghi Sơn.
Việc điều chỉnh, mở rộng quy hoạch xây dựng KKTNS qua đó, tạo cơ hội cho Thanh Hóa khơi dậy và giải phóng tiềm năng, thu hút tối đa nguồn lực, nhất là nguồn lực bên ngoài vào đầu tư xây dựng và phát triển KKTNS nói riêng và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thanh Hóa nói chung.
Bên cạnh đó góp phần giải quyết nhu cầu thiếu đất để bố trí các loại hình công nghiệp phụ trợ, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp nhẹ, chế biến nông lâm thủy sản... khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch trong phạm vi Khu kinh tế; giải quyết nhu cầu phát triển đô thị, đáp ứng như cầu nơi ở… trong tình hình mới.
16:22, 09/01/2019
15:18, 08/01/2019
06:41, 05/01/2019
13:46, 04/01/2019
07:00, 03/01/2019
06:10, 31/12/2018