18/01/2025 | 17:02 GMT+7, Hà Nội

“Con đường từ dạ dày tới nghĩa địa chưa bao giờ ngắn đến thế”

Cập nhật lúc: 17/11/2015, 09:27

“Lợn thì chứa chất cấm, chuối ngâm ủ trong thùng hóa chất chứa thuốc trừ sâu, rau quả có dư lượng chất bảo vệ thực vật vượt quá mức cho phép. Có thể nói, con đường từ dạ dày tới nghĩa địa của mỗi người chúng ta chưa bao giờ lại trở nên ngắn và dễ dàng đến thế” – ĐBQH Trần Ngọc Vinh bức xúc phát biểu.

Tại phiên chất vấn của Quốc hội chiều nay (16/11), Phó đoàn ĐBQH Hải Phòng Trần Ngọc Vinh đặt câu hỏi với Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát về vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm.

Theo đại biểu Vinh, tại kỳ họp thứ 2 và thứ 6, nhiều đại biểu Quốc hội đã đặt vấn đề với Bộ trưởng về trách nhiệm trong việc kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng thuốc trừ sâu, chất cấm trong sản xuất, chế biến nông sản và chăn nuôi không đảm bảo an toàn thực phẩm. Đồng thời, xử lý nghiêm cá nhân, tổ chức sai phạm.

“Bộ trưởng đã hứa sẽ sớm khắc phục tình trạng này. Tuy nhiên, qua cuộc sống hàng ngày và phản ánh của cử tri, tôi nhận thấy vấn đề này không những không giảm mà còn có chiều hướng gia tăng về số lượng và mức độ nguy hiểm.

Như thịt lợn thì chứa chất cấm, chuối ngâm ủ trong thùng hóa chất chứa thuốc trừ sâu, rau quả có dư lượng chất bảo vệ thực vật vượt quá mức cho phép. Có thể nói, con đường từ dạ dày tới nghĩa địa của mỗi người chúng ta chưa bao giờ lại trở nên ngắn và dễ dàng đến thế.

Tại sao Bộ đã thực hiện nhiều giải pháp như báo cáo của Bộ đã nêu xong tình trạng này không giảm mà vẫn còn chiều hướng gia tăng? Nguyên nhân của vấn đề này là gì?

Phải chăng do chính sách chúng ta đưa ra chưa đủ răn đe, hay do sự thiếu quyết tâm của Bộ? Trách nhiệm của cá nhân Bộ trưởng và ngành trước cử tri cả nước thế nào mỗi khi cả năm có hàng chục nghìn cái chết được dự đoán trước xuất phát từ thức ăn nhiễm độc", ông Vinh chất vấn.

ĐBQH Trần Ngọc Vinh.

ĐBQH Trần Ngọc Vinh.

Do hết thời gian chất vấn cho ngày 16/11 nên Bộ trưởng Cao Đức Phát chưa trả lời những ý kiến mà ĐB Trần Ngọc Vinh đưa ra. Sáng 17/11, Quốc hội sẽ tiếp tục phiên chất vấn, trả lời chất vấn tại hội trường. Hy vọng ngày mai, Bộ trưởng Cao Đức Phát sẽ có những giải đáp thỏa đáng trước những chất vấn của Đại biểu và cử tri cả nước.

Bộ trưởng cũng "lạnh sống lưng"

Thời gian gần đây, cơ quan chức năng liên tục phát hiện các loại chất cấm được sử dụng trong chăn nuôi gia súc, gia cầm khiến người dân hoang mang.

Được biết, chất tạo nạc Salbutamol và Clenbuterol được trộn cùng cám cho heo, gà ăn. Các chất này làm heo tăng trọng nhanh, tiêu biến mỡ và tăng tỷ lệ thịt nạc.

Người tiêu dùng ăn phải loại thịt có chất này về lâu dài có thể sẽ bị mắc các bệnh ảnh hưởng đến sức khỏe như: tăng huyết áp, tim đập nhanh, buồn nôn, tác dụng xấu với phụ nữ mang thai, đặc biệt có thể gây ung thư. Đa số chất tạo nạc cấm này đều có nguồn gốc từ Trung Quốc. Để nhận biết thịt có chất tạo nạc, người tiêu dùng cần lưu ý: lớp mỡ nằm giữa lớp da và phần thịt nạc của heo thường không có.

Bên cạnh đó, vẫn tồn tại tình trạng sử dụng các loại kháng sinh như Sulfadimidine, Florfenicol... trong thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm vượt ngưỡng cho phép, giúp kích thích tăng trọng cho gia súc, hỗ trợ tiêu hóa và phòng bệnh. Tuy nhiên, việc sử dụng các kháng sinh này làm tăng nguy cơ lây lan bùng nổ dịch bệnh cho đàn gia súc.

Đồng thời, tồn dư kháng sinh ảnh hưởng xấu đến người tiêu dùng, dễ dẫn đến tình trạng ngộ độc kháng sinh, về lâu dài là tình trạng kháng thuốc.

Không chỉ đối với gia súc, gia cầm, thủy sản ở nhiều nơi cũng bị lạm dụng thuốc kháng sinh độc hại pha vào nước dùng để nuôi thủy sản, thức ăn để kích thích tăng trưởng và phòng bệnh. Khi dùng quá liều, các kháng sinh này sẽ gây tác hại đối với sức khỏe con người như: dị ứng, ngộ độc, gây các dạng thiếu máu, suy gan, suy thận, ung thư, đột biến gen, ở một số trường hợp đặc biệt có thể dẫn đến tử vong.

Mới đây nhất, vụ việc chất vàng ô sử dụng tạo màu cho công nghiệp dệt, nhuộm, giấy được pha trộn vào để sản xuất các loại thức ăn chăn nuôi đã bị phát hiện. Chất này có khả năng gây ung thư cho người.

Trước những nhức nhối trong vấn đề an toàn thực phẩm, tư lệnh ngành nông nghiệp đã phải thốt lên: “Tôi thấy lạnh sống lưng”, mỗi lần phát hiện những cơ sở chăn nuôi chứa chất cấm, pha thuốc diệt cỏ để ngâm chuối. Theo ông, cần phải xử lý thật nặng đối với những cơ sở kinh doanh này để làm gương. Thậm chí trong một cuộc họp mới đây, Bộ trưởng còn treo giải thưởng 5 triệu đồng cho ai phát hiện chất cấm trong chế biến thực phẩm.

Theo ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản, giám sát an toàn thực phẩm (ATTP), 9 tháng đầu năm, có 10,3% mẫu rau có dư lượng hóa chất BVTV vượt mức giới hạn cho phép; 16% mẫu thịt có Salmonella, 7,6% mẫu thịt có dư lượng hóa chất, kháng sinh vượt ngưỡng, 1,01% mẫu thủy sản nhiễm dư lượng hóa chất, kháng sinh cấm sử dụng/vượt ngưỡng cho phép.

Cũng trong 9 tháng đầu năm, Tổng Cục, Cục chuyên ngành thuộc Bộ đã tổ chức được 22 đoàn thanh tra chuyên ngành theo kế hoạch và 33 đoàn thanh tra đột xuất (đạt 119%).

Kết quả đã ban hành 1.198 Quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền 21.868 tỷ đồng. Hành vi vi phạm chủ yếu là sản xuất vật tư nông nghiệp ngoài danh mục/không đảm bảo chất lượng, vi phạm nhãn hàng hóa, điều kiện nhà xưởng không đảm bảo…

Đợt thanh tra đột xuất phát hiện và xử lý 5 công ty sử dụng chất cấm trong sản xuất thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y.

Bộ trưởng Cao Đức Phát nói: Ngâm chuối vào thuốc trừ cỏ bán cho người khác ăn, đó không phải là vi phạm hành chính mà là hành động tàn độc. Chúng ta phải đấu tranh với cái ác, phải quyết liệt, không thể chấp nhận một người đầu độc nhiều người khác, trong đó có những đứa trẻ.

“Chúng ta có 1000 mẫu dương tính với salbutamol, từ đó phải truy ra các đường dây. Họ nói mua từ những người bán dạo, điều đó là không chấp nhận được”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Nhìn những miếng thịt tươi đỏ nhưng người tiêu dùng không dám chắc rằng mình thật sự đã lựa chọn được thực phẩm sạch hay chưa?

Nhìn những miếng thịt tươi đỏ nhưng người tiêu dùng không dám chắc rằng mình thật sự đã lựa chọn được thực phẩm sạch hay chưa?

Đề nghị hình sự hóa việc sử dụng chất cấm

Bà Đinh Thị Phương Khanh, Phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Long An cũng cho rằng, việc đấu tranh với chất cấm phải giống như chống ma túy, phải xử lý hình sự chứ không thể để “lưng chừng” như vậy.

Theo bà Khanh, hiện nay việc truy xuất nguồn gốc chăn nuôi rất khó khăn, bên cạnh đó có một lực lượng thương lái ngấm ngầm ép nông dân phải sử dụng, bởi giá thu mua thường cao hơn từ 2.000- 5.000 đồng/kg.

Tuy nhiên, hiện nay chế tài xử lý lại chưa đủ sức răn đe. Ví dụ, trong Nghị định 119, quy định xử lý hành vi vi phạm sử dụng chất cấm chỉ phạt từ 5- 10 triệu với hộ gia đình, 10- 20 triệu với trang trại. Bà Khanh cho rằng khi sửa đổi Bộ Luật Hình sự lần này phải đưa hành vi sử dụng chất cấm vào.

“Bất cập nhất hiện nay là quy định nếu thực phẩm gây tổn hại 10- 20% sức khỏe mới xử lý. Bây giờ anh ăn chất cấm mỗi ngày tồn dư một ít chứ không phải ăn xong chết ngay.

Không lẽ chờ người ta chết rồi mới đi truy xuất anh ăn cái gì, nguồn gốc ở đâu? Xử lý phải đến nơi đến chốn, khi phát hiện chất cấm phải xử lý hình sự chứ không thể chờ người ta bệnh chết mới xử lý. Như thế khổ cho người dân lắm”, bà Khanh nhấn mạnh.

Đại tá Trần Trọng Bình, Phó Cục trưởng C49 (Bộ Công An) cũng đưa ra con số giật mình “chỉ tính riêng năm 2014, số trường hợp mắc bệnh ung thư đã lên đến 150.000- 200.000 người, số người chết vì ung thư 82.000 người. Trong đó 75- 95% số trường hợp mắc do yếu tố môi trường và ATTP”.

Đại tá Bình cũng cho rằng những hành vi vi phạm ATTP cần phải được hình sự hóa thay vì xử phạt hành chính như trước. “Chúng tôi đã bắt giữ những đối tượng mua chất cấm như  phooc môn về sản xuất bánh phở, hàn the đưa vào giò, ure cho vào cá nhưng vì vướng quy định nên vẫn không thể xử lý được. Nếu đợi những cất cấm này gây tử vong rồi mới cấu thành tội thì không thể được”, Đại tá Bình nói.

Nhiều người cũng bày tỏ quan điểm rằng phát hiện chất cấm là phải xử lý hình sự, không phải cứ chờ đến khi người ta chết mới xử lý hình sự. Lúc đó mới hỏi rằng anh ăn cái gì, ở đâu thì không thể xử lý được ai, không truy được nguồn gốc.

Những ngày vừa qua, người dân Việt Nam vẫn còn nguyên tâm trạng hân hoan khi chúng ta đã gia nhập TPP, chắc chắn sẽ sớm có những mặt hàng nhập khẩu an toàn, giá rẻ, chất lượng cao từ 11 nước thành viên TPP còn lại là Nhật Bản, Úc, Mỹ... Những hộ sản xuất, các doanh nghiệp nếu không làm ăn chân chính, nếu không thay đổi cách nhìn về một sản phẩm sạch, có giá trị, chất lượng cao chúng ta sẽ “chết” và rồi chẳng có cơ hội kể cả khi có TPP./.