19/01/2025 | 16:18 GMT+7, Hà Nội

Con bị học hạt hướng dương trong Tết, tuyệt đối không được làm điều này để tránh hại con

Cập nhật lúc: 05/02/2019, 10:52

Hạt hướng dương, hạt dưa, hạt dẻ cười... là những loại hạt được nhiều gia đình lựa chọn trong mỗi dịp Tết. Tuy nhiên, đây cũng là những “thủ phạm” khiến trẻ bị sặc, hóc với tỷ lệ nhập viện cao.

Theo các bác sĩ, hóc dị vật đường thở là một tai nạn có thể gặp ở mọi lứa tuổi, tỷ lệ cao nhất ở trẻ 2 - 4 tuổi. Theo thống kê, có đến 95% các ca hóc dị vật gặp ở trẻ dưới 4 tuổi. Trong đó, dị vật đường thở hay gặp nhất ở trẻ em là hạt lạc, hạt dưa, hạt hướng dương, hạt chôm chôm, hạt nhãn…

Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng Khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai), đối với các ca hóc dị vật, nếu biết cách xử lý, sơ cứu đúng cách có thể cứu sống được bệnh nhân. Tuy nhiên, nhiều trường hợp không biết cách xử lý hoặc xử lý không đúng dẫn đến hậu quả đáng tiếc, bệnh nhân có thể bị hôn mê sâu, chịu di chứng suốt đời, thậm chí tử vong.

Trên thực tế, tại khoa Nhi đã từng cấp cứu cho rất nhiều trường hợp trẻ hóc dị vật là hạt hướng dương, hóc thạch và nhiều dị vật khác rất nguy hiểm tính mạng. Nhiều trường hợp bệnh nhi được đưa đến cấp cứu trong tình trạng tím tái, ngừng thở, phải tiến hành đặt ngay nội khí quản.

 Khi con bị hóc dị vật, tuyệt đối không được móc họng hoặc cố tống dị vật xuống. Nên dùng thủ thuật Heimlich để lấy dị vật ra cho trẻ. Ảnh: TL

Khi con bị hóc dị vật, tuyệt đối không được móc họng hoặc cố tống dị vật xuống. Nên dùng thủ thuật Heimlich để lấy dị vật ra cho trẻ. Ảnh: TL

Theo đó, một trong những sai lầm hay gặp nhất ở rất nhiều bố mẹ là khi thấy con bị hóc, sặc dị vật, thay vì sơ cứu đúng cách, bố mẹ lại có thói quen dùng tay móc họng hoặc dùng vật cứng móc ngoáy sâu vào họng của con.

Việc làm này vô cùng nguy hiểm vì có thể gây trầy xước, dẫn đến các biến chứng viêm nhiễm vùng hầu họng cho trẻ. Đó là chưa kể đến, việc móc tay vào họng trẻ có thể khiến dị vật càng bị chui vào sâu hơn, gây phù nề, khó thở cho trẻ nhỏ.

Bên cạnh đó, nhiều người còn lấy nguyên cục cơm hoặc miếng thức ăn thật to để ép con nuốt với hi vọng “tống” được dị vật xuống. Đây cũng là một việc làm sai lầm vì dễ “gậy ông đập lưng ông”, khiến đường thở của con bị chặn toàn bộ gây khó thở, thậm chí ngừng thở cho con.

Do đó, khi thấy trẻ có dấu hiệu bị hóc dị vật, bố mẹ cần bình tĩnh xử lý như sau:

Đối với trẻ dưới 2 tuổi:

- Đặt trẻ nằm sấp, đầu thấp trên cánh tay trái, giữ chặt đầu và cổ trước bằng bàn tay trái.

- Dùng gót bàn tay phải vỗ 5 cái thật mạnh vỗ lưng trẻ ở khoảng giữa hai bả vai.

- Sau đó lật ngửa trẻ sang tay phải, nếu còn khó thở, tím tái, dùng hai ngón tay trái ấn mạnh ở vùng 1/2 dưới xương ức 5 cái.

- Nếu dị vật vẫn chưa rơi ra ngoài, hãy lật người trẻ lại tiếp tục vỗ lưng. Luân phiên vỗ lưng và ấn ngực cho tới khi dị vật rơi khỏi đường thở hoặc trẻ khóc được.

Đối với trẻ lớn hơn: Dùng thủ thuật Heimlich

- Trẻ còn tỉnh:

+ Đứng sau lưng trẻ, vòng hai tay ôm lấy thắt lưng trẻ. Nắm chặt bàn tay làm thành một quả đấm đặt ở vùng thượng vị, ngay dưới chóp xương ức, phía trên rốn.

+ Ẩn 5 cái dứt khoát theo hướng từ trước ra sau và từ dưới lên trên, mạnh và nhanh. Có thể lặp lại 6-10 lần ấn bụng cho tới khi dị vật rơi khỏi đường thở hoặc trẻ khóc la được

- Trẻ hôn mê:

+ Để trẻ nằm ngửa, quỳ xuống dạng 2 chân cạnh đùi nạn nhân.

+ Đặt gót một lòng bàn tay lên vùng thượng vị, dưới chóp xương ức, dưới chóp xương ức, đặt tiếp bàn tay thứ hai chồng lên bàn tay thứ nhất.

+ Ẩn 5 cái dứt khoát, mạnh và nhanh vào bụng theo hướng từ dưới lên trên.

+ Có thể lặp lại 6-10 lần ấn bụng cho tới khi dị vật rơi khỏi đường thở.

Lưu ý:

- Nếu trẻ ngưng thở, phải thổi ngạt hai cái chậm trước và xen kẽ thổi ngạt khi làm thủ thuật Heimlich hay vỗ lưng ấn ngực cho tới khi bệnh nhân thở lại hoặc la khóc được.

- Sau khi lấy được dị vật, hoặc nạn nhân la khóc được, vẫn phải đưa nạn nhân đến cơ sở y tế để kiểm tra.

N.Mai