20/01/2025 | 00:52 GMT+7, Hà Nội

Cổ phiếu bất động sản không cưỡng lại được xu hướng chung của thị trường

Cập nhật lúc: 07/02/2023, 13:45

Kết thúc tuần làm việc đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết, thị trường chứng kiến cú lao dốc, Vn-Index bị "thổi bay" 39,95 điểm, chặn đứng chuỗi 4 tuần liên tiếp tăng điểm. Nhóm cổ phiếu bất động sản cũng cùng chung số phận.

Cú sốc đầu năm

Sau 4 tuần tăng điểm liên tiếp, VN-Index đã có tuần điều chỉnh đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Trong tuần, VN-Index đã để mất 39,95 điểm, tương ứng với -3,6% để chốt tuần tại 1.077,15. Diễn biến giảm điểm đã xuất hiện ngay trong phiên đầu tuần, chỉ số sau đó đã có phiên hồi phục tuy nhiên áp lực bán đã kéo VN-Index giảm điểm trong 3 phiên còn lại của tuần.

So với diễn biến của các thị trường chứng khoán lớn trong tuần thì VN-Index có mức giảm mạnh thứ 3 trên thế giới và ngược chiều với hầu hết các thị trường châu Á, trừ 2 chỉ số quan trọng của thị trường Trung Quốc là Hangseng và Shanghai.

VHM và VIC là 2 cổ phiếu dẫn đầu diễn biến giảm điểm trong tuần với mức ảnh hưởng đến VN-Index lần lượt là -5,7 điểm và -3,1 điểm. Nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng có 5 đại diện trong top đi xuống -28,1 điểm là VPB, TCB, ACB, CTG và BID. Chiều tăng điểm, trong top 10 xuất hiện 2 cổ phiếu thuộc nhóm vốn hóa trung bình là SBT và ACG với mức tăng lần lượt 11,8% và 13,4% trong tuần.

Khối ngoại tiếp tục mua ròng với giá trị 1.800 tỷ đồng trong tuần. HPG vẫn là cái tên được khối ngoại ưa thích khi mua ròng đến 867 tỷ đồng dù cổ phiếu này đã công bố lỗ trong quý IV/2022, STB xếp vị trí thứ 2 với giá trị mua ròng 337 tỷ đồng.

Chiều bán ròng, khối này bán VNM mạnh nhất với giá trị 236 tỷ đồng. Nhịp giảm điểm trong tuần khiến chuyên gia của Miare Asset tỏ ra lo ngại khi xuất hiện phiên giảm mạnh với khối lượng lớn vào ngày 1/2. Dấu hiệu cân bằng đã xuất hiện khi VN-Index về vùng 1.060 - 1.070, tuy nhiên nếu VN-Index hồi phục thì chỉ số sẽ sớm đối mặt với lượng cung lớn tại vùng 1.100 - 1.011.

Hàng loạt cổ phiếu nhóm bất động sản rớt giá

Kết thúc tuần, nhóm cổ phiếu ngành bất động sản có 37 mã tăng, 22 mã đứng giá và 64 mã giảm giá. Số lượng mã giảm giá áp đảo cho thấy đà lao dốc của thị trường đã khiến nhóm cổ phiếu ngành này không tránh khỏi xu hướng chung.

XDH của Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Dân dụng Hà Nội là mã tăng giá mạnh nhất (+93.0%). Tuy nhiên, XDH là mã thuộc diện thanh khoản cực thấp (cả tuần qua, khối lượng khớp lệnh chỉ 700 cổ phiếu). 

Đáng chú ý trong top 20 cổ phiếu bất động sản tăng giá mạnh nhất tuần qua là NVL (+7.2%) của Novaland. Không chỉ nổi bật trong nhóm cổ phiếu ngành bất động sản, mà NVL còn là "bom tấn" của cả thị trường.

Ngày 3/2, tin tức ông Bùi Thành Nhơn chính thức trở lại ghế Chủ tịch HĐQT Novaland kiêm người đại diện pháp luật doanh nghiệp sau hơn 1 năm rời "ghế nóng" đã giúp khối tài sản của vị tỷ phú này tăng nhiều nhất trong tuần qua. NVL trở thành mã cổ phiếu tâm điểm, tăng 750 đồng/CP vào phiên cuối tuần, tương đương 5,3% lên 14.950 đồng/CP.

Có 20,3 triệu cổ phiếu NVL được khớp lệnh, trong đó nhà đầu tư nước ngoài gom gần 4 triệu cổ phiếu. Đà tăng của NVL giúp vốn hóa thị trường của Novaland tăng lên 1.461 tỷ đồng, đồng thời giúp ông Bùi Thành Nhơn trở thành đại gia sở hữu khối tài sản tăng thêm nhiều nhất trong phiên giao dịch ngày 3/2. 

Theo báo cáo quản trị năm 2022 mới được công bố, trước khi trở lại giữ chức Chủ tịch HĐQT, ông Bùi Thành Nhơn đang trực tiếp nắm giữ hơn 96,76 triệu cổ phiếu doanh nghiệp tương đương tỷ lệ sở hữu 4,96%. Tính theo giá thị trường kết phiên giao dịch ngày 3/2 là 14.950đ/CP, khối tài sản ông Nhơn đang trực tiếp nắm giữ có giá trị hơn 1.446 tỷ đồng.

Ở chiều ngược lại, QCG của Công ty CP Quốc Cường Gia Lai dẫn đầu top cổ phiếu bất động sản giảm giá mạnh nhất tuần (-90.4%). Cổ phiếu QCG kết phiên 3/2/2023 giảm về mức 4.200 đồng/CP - tăng 35% so với mức đáy 3.100 đồng (phiên 16/11/2022). Mặc dù vậy, so với mức đỉnh 23.250 đồng từng ghi nhận trong phiên 11/1/2022, mã hiện đã giảm tới 82% giá trị. Thanh khoản trung bình phiên giảm mạnh từ mức 1 - 5 triệu cổ phiếu về dưới 150.000 đơn vị/phiên ở thời điểm hiện tại.

Mới đây, Công ty CP Quốc Cường Gia Lai vừa báo lỗ trong quý IV/2022, qua đó tái lỗ quý đầu sau 6 năm. Quý IV/2022, Quốc Cường Gia Lai ghi nhận doanh thu thuần 97 tỷ đồng, giảm 65% so với cùng kỳ do sự sụt giảm tới 90% của nguồn thu bất động sản. Lợi nhuận gộp cũng giảm 46% về 34 tỷ đồng.

Tại ngày 31/12/2022, tổng tài sản của QCG đạt 9.949 tỷ đồng - đi ngang so với đầu năm, trong đó các khoản phải thu cũng có giá trị lớn chiếm 677 tỷ đồng; hơn 7.230 tỷ đồng "đắp chiếu" trong danh mục hàng tồn kho.

Năm 2022, QCG dính nhiều bê bối về tài chính như bị Cục Thuế tỉnh Gia Lai xử phạt vi phạm hành chính, bị một số cổ đông khiếu nại... cũng như việc một số dự án bất động sản đang án binh bất động kéo dài gây lãng phí.

Hai cổ phiếu vốn hóa lớn góp mặt trong danh sách nhóm cổ phiếu giảm giá mạnh nhất tuần qua là VHM mất 9,8% và VIC là 5,4%. Mặc dù phiên giao dịch đầu tuần và cuối tuần, hai cổ phiếu này nhích lên nhưng không thể bù đắp được chuỗi mất điểm lớn giữa tuần, góp phần đẩy chỉ số VN-Index đi xuống./.

Nguồn: https://reatimes.vn/co-phieu-bat-dong-san-giam-gia-tuan-dau-nam-moi-20201224000017424.html