Theo phong tục của người Việt, Tết Trung Thu được tổ chức vào giữa mùa thu, tức là vào ngày Rằm tháng Tám âm lịch hằng năm. Đây được coi là ngày lễ lớn sau tết Nguyên Đán cổ truyền và cũng là dịp Tết của sự sum họp, đoàn tụ.
Có lẽ cũng bởi vậy mà ngay từ đầu tháng, không khí ấm cúng của Tết Trung Thu đã trở về với phố cổ Hội An, len lỏi vào mỗi nếp nhà, rộn ràng cả trong tâm thức của mỗi người dân hay bất cứ du khách nào lần đầu tiên đặt chân đến.
Giống như những đô thị khác ở Việt Nam, tại Hội An vào dịp Trung Thu cũng rất tấp nập nhưng nơi đây lại chẳng ồn ào và xô bồ.
Vẫn là đèn lồng, vẫn là tiếng trống nhưng sự điềm nhiên và thanh tịnh vốn có của phố Hội không hề bị xáo trộn trong dịp lễ này.
Người Hội An quan niệm mỗi năm đón lân vào nhà một lần với mong muốn đem lại may mắn, tài lộc, buôn may bán đắt. Vì thế, cứ nghe tiếng trống lân rộng ràng ngoài ngõ, nhà nào cũng mở cửa để mời lân vào.
Cách múa lân ở đây cũng rất nhẹ nhàng, không nặng tính biểu diễn mà múa theo bài bản cố định, xen lẫn những động tác khổ luyện, công phu, cộng thêm sự pha trò hài hước của ông địa… nhưng lại khiến người xem mê mẩn không rời.
Không giống với Hà Nội hay TPHCM – Nơi có rất nhiều loại đèn lồng khác nhau như đèn ông sao, đèn lồng giấy, đèn lồng đỏ kiểu Trung Quốc, đèn Trung Thu đồ chơi... lung linh và thích mắt. Ở Hội An chỉ có duy nhất một loại đèn lồng đó là loại đèn lồng được bọc bằng vải chứ không phải bằng giấy.
Và điều đó tạo thành nét riêng biệt chỉ có ở phố đèn lồng Hội An.
Có đủ các loại đèn lồng hình dáng khác nhau vô cùng đặc sắc để du khách lựa chọn với mức giá phải chăng…
Và khi… phố bắt đầu lên đèn, tiếng trống tùng tùng rộn vang khắp ngả đường cũng là lúc dòng người đổ về phố Cổ càng đông hơn. Cứ như có hẹn cùng trăng, lòng người hân hoan đón Trung thu về, để được hòa mình vào không gian ngập tràn tiếng cười trong trẻo của trẻ thơ, và cầu mong mọi điều tốt đẹp sẽ đến với tất cả mọi người.