Có hay không các lò làm nước đá bẩn trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh?
Cập nhật lúc: 26/06/2015, 23:56
Cập nhật lúc: 26/06/2015, 23:56
Trong thời gian qua, nhiều trang báo điện tử đã có bài viết phản ánh tình trạng sản xuất nước đá không đảm bảo an toàn thực phẩm tại một số cơ sở trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.
Thực hiện chỉ đạo của Cục An toàn thực phẩm, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm thành phố Hồ Chí Minh đã phối hợp với Phòng Y tế và Trung tâm Y tế dự phòng quận/huyện tiến hành kiểm tra, xác minh thông tin.
Đoàn kiểm tra chưa phát hiện 4 tên cơ sở như báo phản ánh, tuy nhiên đã tiến hành thanh kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm đối với các cơ sở trên địa bàn có khả năng là địa chỉ theo báo phản ánh.
Kết quả tổng số 03 cơ sở đã đáp ứng đủ quy định về hành chính: có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, giấy tiếp nhận hồ sơ công bố hợp quy nước đá uống, kiểm nghiệm định kỳ sản phẩm và các giấy tờ liên quan về an toàn thực phẩm thực hiện đầy đủ.
“Tuy nhiên về điều kiện cơ sở vật chất các cơ sở có hành vi vi phạm về việc chưa đảm bảo vệ sinh khu vực sản xuất. Đoàn kiểm tra đã tiến hành lập biên bản và xử phạt vi phạm theo quy định” – kết luận thanh kiểm tra nêu rõ.
Trong thời gian tới, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm thành phố Hồ Chí Minh sẽ phối hợp với cơ quan chức năng tăng cường các biện pháp quản lý, kiểm tra, giám sát về an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn.
Trước đó, ngày 23/3/2015, trên báo điện tử Tiền phong có bài viết “Đột nhập lò làm nước đá bẩn” phản ánh tình trạng sản xuất nước đá không đảm bảo an toàn thực phẩm xảy ra tại một số cơ sở sản xuất trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.
Theo nội dung bài báo, nước làm đá được lấy từ giếng khoan, lọc sơ qua, không được lọc thẩm thấu ngược, không được diệt khuẩn, dễ gây tiêu chảy, viêm đại tràng, ảnh hưởng gan, thận... Khay làm đá hoen gỉ, bụi bám đầy; đã thế, công nhân đi dép lê dính đất cát dẫm lên. Thậm chí, công nhân tiểu tiện ngay nơi để đá thành phẩm...
“Tại cơ sở sản xuất nước đá S.S trên đường Hoàng Hoa Thám, phường 12, quận Tân Bình, công nhân không được trang bị bảo hộ lao động, không găng tay, thậm chí, công nhân còn mình trần, hút thuốc trong lúc làm. Tại cơ sở này, các khay làm đá phần lớn hoen gỉ, bụi bám đầy. Nhưng chúng không được rửa, sau đó, công nhân cho nước vào. Khi cho khuôn vào hồ nước để nhúng tách đá, hồ nước chuyển màu đỏ quạch” – báo Tiền phong phản ánh.
Kỹ sư Huỳnh Lê Thái Hòa, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TPHCM, cho biết, hiện thành phố có hơn 190 cơ sở sản xuất nước đá cây và viên. Qua kiểm tra, đoàn liên ngành phát hiện trên 80 cơ sở vi phạm các điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm.
Tổng cộng 79 cơ sở sản xuất nước đá sử dụng nước máy và 114 cơ sở nước giếng, nhưng khi kiểm tra, các nguồn nước này đều được xử lý qua loa, không được kiểm định đầy đủ các tiêu chí an toàn thực phẩm.
Ngay sau khi nắm được thông tin, để chủ động giám sát, phát hiện và có biện pháp xử lý kịp thời các hành vi sản xuất, kinh doanh sản phẩm nước đá không đảm bảo an toàn thực phẩm, Cục An toàn thực phẩm đã có công văn đề nghị Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh chỉ đạo các đơn vị chức năng triển khai một số nội dung:
Phối hợp với cơ quan chức năng tổ chức xác minh thông tin phản ánh nói trên; thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm các cơ sở; lấy mẫu các sản phẩm nước đá nghi ngờ không đảm bảo an toàn để kiểm nghiệm các chỉ tiêu an toàn thực phẩm; phát hiện, xử lý nghiêm các vi phạm an toàn thực phẩm và công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Thông tin, truyền thông và hướng dẫn người dân nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh, sử dụng sản phẩm nước đá, tránh gây hoang mang cho dư luận xã hội./.