19/01/2025 | 09:32 GMT+7, Hà Nội

Có gì mới trong Thông tư 23/2015/TT-NHNN

Cập nhật lúc: 10/12/2015, 16:33

Ngày 04/12/2015, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) ban hành Thông tư số 23/2015/TT-NHNN (Thông tư 23) sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế dự trữ bắt buộc đối với các tổ chức tín dụng (TCTD) ban hành kèm theo Quyết định số 581/2003/QĐ-NHNN ngày 09/6/2003 (Quyết định 581) của Thống đốc NHNN.

Bên cạnh việc điều chỉnh những quy định về dự trữ bắt buộc theo hướng cụ thể và rõ ràng hơn, Thông tư 23 được ban hành là quyết định kịp thời, phù hợp với thực tiễn trong bối cảnh vai trò, chức năng và vị thế của NHNN đã được nâng cao; và mô hình tổ chức bộ máy của các đơn vị thuộc NHNN cũng có nhiều thay đổi, nhất là từ khi Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng được thành lập vào năm 2008. Điều này được thể hiện qua những nội dung chính sau đây:

Cụ  thể:

Nội dung Điều 6, Quyết định 581 được điều chỉnh thành: “NHNN quyết định lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc, lãi suất tiền gửi vượt dự trữ bắt buộc đối với từng loại hình TCTD và từng loại tiền gửi trong từng thời kỳ.

” Trong khi đó, Điều 6, Quyết định 581 quy định: “Việc trả lãi đối với số tiền phải dự trữ bắt buộc của từng loại hình TCTD, từng loại tiền gửi trong từng thời kỳ được thực hiện theo quy định của Chính phủ.”

Thông tư 23 cũng điều chỉnh Điều 22, Quyết định 581 khi thay khoản 3: “Đề xuất trình Thủ tướng Chính phủ việc trả lãi đối với dự trữ bắt buộc của từng loại hình TCTD, từng loại tiền gửi cho phù hợp với từng thời kỳ” bằng khoản 2 với nội dung: “Trên cơ sở đề xuất của Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, trình Thống đốc NHNN quyết định tỷ lệ dự trữ bắt buộc áp dụng đối với TCTD được kiểm soát đặc biệt, TCTD đang thực hiện phương án cơ cấu lại đã được phê duyệt, TCTD tham gia cơ cấu lại TCTD yếu kém theo chỉ định.”

  Mô hình tổ chức của các đơn vị chức năng thuộc NHNN cũng đã có nhiều thay đổi, cụ thể:

Cơ quan Thanh tra giám sát được thành lập theo Nghị định số 96/2008/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của NHNN.

Theo đó, Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng được thành lập trên cơ sở tổ chức lại 4 đơn vị tại trụ sở chính, gồm Thanh tra Ngân hàng, Vụ các Ngân hàng, Vụ các Tổ chức tín dụng hợp tác, Trung tâm Thông tin phòng chống rửa tiền, và 2 phòng nghiệp vụ của 64 chi nhánh trên toàn quốc (gồm Thanh tra Chi nhánh và Phòng Quản lý các TCTD).

Vì thế, các quy định của NHNN cũng cần được điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn.

Thông tư 23 thay thế cụm từ: “…gửi về NHNN (Vụ các Ngân hàng và các Tổ chức tín dụng phi ngân hàng…” tại khoản 4 (Điều 19, Quyết định 581) bằng cụm từ: “…gửi về để báo cáo Thống đốc NHNN và đồng thời gửi Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, Vụ Chính sách tiền tệ…”

Thông tư 23 thay thế cụm từ: “…gửi về NHNN (Vụ Các ngân hàng và các tổ chức tín dụng phi ngân hàng)…” tại khoản 3 (Điều 20, Quyết định 581) bằng cụm từ: “…gửi về NHNN (Sở Giao dịch NHNN)…”

Thông tư 23 bãi bỏ Điều 2 (trách nhiệm của Vụ các Ngân hàng và các Tổ chức tín dụng phi ngân hàng) của Quyết định 581 do đơn vị này đã sáp nhập vào Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng.

Thông tư 23 thay cụm từ: “Thanh tra NHNN có trách nhiệm” tại Điều 24, Quyết định 581 thành cụm từ: “Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng có trách nhiệm.”

Thông tư 23 điều chỉnh một số nội dung tại Quyết định 581 theo yêu cầu tái cơ cấu các TCTD

Thông tư 23 bổ sung thêm khoản 2 vào Điều 10 của Quyết định 581: “Đối với TCTD đang thực hiện phương án cơ cấu lại đã được phê duyệt, TCTD tham gia cơ cấu lại TCTD yếu kém theo chỉ định, Thống đốc NHNN xem xét quyết định giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc cụ thể cho từng TCTD.”

Thông tư 23 thay Điều 24, Quyết định 581 bằng nội dung mới như sau: “Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng có trách nhiệm:

+ Căn cứ vào phương án củng cố tổ chức và hoạt động, phương án cơ cấu lại TCTD, đề xuất với Vụ Chính sách tiền tệ việc giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với TCTD được kiểm soát đặc biệt, TCTD đang thực hiện phương án cơ cấu lại đã được phê duyệt, TCTD tham gia cơ cấu lại TCTD yếu kém theo chỉ định, trong đó đề xuất cụ thể về tỷ lệ dự trữ bắt buộc áp dụng, kỳ duy trì dự trữ bắt buộc bắt đầu áp dụng và thời hạn áp dụng.

+ Trong vòng 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được báo cáo của Sở Giao dịch NHNN về tình hình chấp hành dự trữ bắt buộc của TCTD, xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị Thống đốc NHNN các biện pháp xử lý đối với các TCTD thiếu dự trữ bắt buộc theo quy định hiện hành. Báo cáo Thống đốc NHNN, đồng thời gửi Vụ Chính sách tiền tệ và Sở Giao dịch NHNN các quyết định xử lý TCTD thiếu dự trữ bắt buộc.

+ Thanh tra, kiểm tra các TCTD trong việc tuân thủ các quy định tại Quy chế này; xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị Thống đốc NHNN các biện pháp xử lý đối với các TCTD vi phạm theo quy định hiện hành.”

Bên cạnh những nội dung cơ bản nêu trên một số thuật ngữ tại Quyết định 581 cũng được điều chỉnh theo hướng rõ ràng và cụ thể hơn.