CNN “giải mã” câu chuyện thành công của Việt Nam trong ứng phó với đại dịch
Cập nhật lúc: 21/06/2020, 09:00
Cập nhật lúc: 21/06/2020, 09:00
Người dân thực hiện nghiêm túc việc đeo khẩu trang khi tham gia giao thông để phòng, chống dịch bệnh. Ảnh: INT
Mở đầu bài viết, nhà báo Nectar Gan đã tỏ rõ sự ấn tượng đặc biệt khi dù chỉ là một nước có mức thu nhập trung bình và hệ thống chăm sóc y tế chưa phát triển bằng nhiều quốc gia khác trong khu vực, nhưng Việt Nam lại duy trì được tỷ lệ tử vong ở mức 0. Sau 3 tuần giãn cách xã hội, Việt Nam đã thực hiện các biện pháp nới lỏng từ cuối tháng 4/2020 và đến nay không ghi nhận ca nhiễm mới trong cộng đồng. Các cơ sở kinh doanh và trường học đã được mở cửa trở lại, cuộc sống dần trở lại bình thường.
Tác giả bài viết trên tờ CNN cho rằng, những số liệu thống kê trên là quá "lý tưởng" để tin là sự thật. Tuy nhiên, điều này đã được xác nhận bởi Giám đốc Đơn vị Nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford (OUCRU) Guy Thwaites tại TPHCM, khi khẳng định rằng: "Các số liệu này trùng hợp với thực tế đang diễn ra".
"Tôi đến các khu bệnh mỗi ngày, tôi biết các ca bệnh, tôi biết không có người tử vong. Nếu có việc lây nhiễm trong cộng đồng không được báo cáo hay không được kiểm soát, chúng tôi sẽ biết được qua các ca ghi nhận tại bệnh viện của chúng tôi, sẽ không bao giờ xảy ra việc người dân đến đây bị bệnh viêm phổi mà không được chẩn đoán", ông Guy Thwaites nói.
Từ những lập luận trên, bài viết của tác giả Nectar Gan đã "giải mã" sự thành công của Việt Nam trong việc ứng phó với sự lây lan của đại dịch COVIDD-19 là nhờ sự phối hợp giữa nhiều yếu tố, từ hành động nhanh chóng của Chính phủ; phản ứng sớm nhằm ngăn chặn sự lây lan; theo dõi các mối liên hệ và cách ly; truyền thông hiệu quả.
Hành động ngay từ sớm
Bài viết trên CNN về câu chuyện thành công của Việt Nam trong ứng phó với đại dịch COVID-19 (ảnh chụp màn hình).
Theo phân tích của CNN, Việt Nam đã bắt đầu chuẩn bị cho kịch bản đại dịch COVID-19 từ nhiều tuần trước thời điểm ca nhiễm đầu tiên được ghi nhận.
Bài viết dẫn lời BS Phạm Quang Thái - Phó Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương: "Chúng tôi không chỉ đợi hướng dẫn từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Chúng tôi đã sử dụng các số liệu thu thập được từ trong và ngoài nước để quyết định hành động sớm".
Ngay từ đầu tháng 1/2020, các thiết bị màn hình hiển thị thân nhiệt đã được lắp đặt tại sân bay quốc tế Nội Bài để kiểm tra thân nhiệt các hành khách trở về từ Vũ Hán (Trung Quốc). Những hành khách có triệu chứng cảm cúm đều được cách ly và theo dõi chặt chẽ.
Đến trung tuần tháng 1/2020, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã chỉ thị cho các cơ quan Chính phủ thực hiện các biện pháp quyết liệt để ngăn chặn dịch bệnh lây lan, tăng cường kiểm dịch y tế tại các khu vực cửa khẩu, sân bay và cảng biển.
Ngày 23/1, Việt Nam thông báo trường hợp nhiễm COVID-19 đầu tiên được ghi nhận là một người Trung Quốc đến từ Vũ Hán. Ngay ngày hôm sau, tất cả các chuyến bay tới Vũ Hán đã được hủy bỏ.
Trong cuộc họp khẩn với lãnh đạo các Bộ, ngành liên quan để nắm bắt tình hình và thống nhất những giải pháp ngăn chặn có hiệu quả dịch bệnh COVID-19, chiều 27/1, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nêu rõ tinh thần "Chống dịch như chống giặc". Ba tuần sau, Thủ tướng đã chỉ thị thành lập một ủy ban quốc gia về phòng chống dịch, trùng với thời điểm WHO tuyên bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu về virus Corona chủng mới.
Ngày 1/2, Việt Nam công bố dịch COVID-19 toàn quốc, vào thời điểm quốc gia này mới chỉ ghi nhận 6 ca nhiễm COVID-19. Tất cả các chuyến bay giữa Việt Nam và Trung Quốc đã bị tạm thời dừng lại và việc ngừng cấp visa cho các công dân Trung Quốc cũng bị đình chỉ trong ngày hôm sau… Đến cuối tháng 3/2020, Việt Nam đã ngừng tiếp nhận tất cả khách nước ngoài nhập cảnh.
Cũng theo đánh giá của CNN thì Việt Nam là nước nhanh chóng thực hiện các biện pháp cách ly một cách chủ động. Ông Thwaites cho rằng, tốc độ ứng phó chính là lý do chính đằng sau câu chuyện thành công của Việt Nam trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19.
Truy tìm dấu vết liên lạc một cách tỉ mỉ
Tốc độ ứng phó là lý do chính đằng sau câu chuyện thành công của Việt Nam trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19.
Guy Thwaites Giám đốc Đơn vị Nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford
Tác giả Nectar Gan nhận định, những hành động quyết đoán ngay từ sớm đã giúp Việt Nam kiểm soát hiệu quả số ca lây nhiễm trong cộng đồng ở mức dưới 16 trường hợp, tính đến ngày 13/2. Trong vòng 3 tuần sau đó, đã không có ca nhiễm COVID-19 mới nào được ghi nhận cho tới khi làn sóng thứ 2 xuất hiện vào tháng 3/2020. Những người có liên hệ với các trường hợp nhiễm COVID-19 đều được tìm kiếm chặt chẽ và thực hiện cách ly bắt buộc trong vòng 2 tuần.
BS Phạm Quang Thái cho biết, Việt Nam có một hệ thống rất mạnh mẽ, với 63 trung tâm kiểm soát dịch bệnh (CDCs) cấp tỉnh và hơn 700 CDCs cấp huyện cùng hơn 11.000 trung tâm y tế xã. Tất cả các trung tâm này đều cùng nhau góp sức vào việc lần theo mối liên hệ của các ca nhiễm COVID-19.
Khi Bệnh viện Bạch Mai - một trong những bệnh viện lớn nhất của Việt Nam trở thành "điểm nóng" COVID-19 sau khi ghi nhận hàng chục ca nhiễm vào tháng 3/2020, các biện pháp phong tỏa đã được áp dụng tại bệnh viện này, song song với thực hiện việc tìm kiếm gần 100.000 người có liên quan, gồm các nhân viên y tế, bệnh nhân, khách thăm và người tiếp xúc gần với các bệnh nhân COVID-19. Việc truy tìm dấu vết liên lạc cho phép những người nghi nhiễm có thể tự cách ly tại nhà và tới các trung tâm y tế để tiến hành xét nghiệm miễn phí nếu có bất kỳ triệu chứng nào.
CNN cho rằng, hành động sớm và quyết đoán đã giúp kiểm soát hiệu quả việc lây nhiễm dịch bệnh trong cộng đồng. Ngoài ra, nỗ lực theo dõi liên lạc của Việt Nam được đánh giá là rất tỉ mỉ, không chỉ trực tiếp với người nhiễm bệnh mà còn với những mối liên hệ gián tiếp.
Ông Thwaites đánh giá: "Đây là một trong những phần khác biệt của sự ứng phó của Việt Nam. Tôi không nghĩ có quốc gia nào có thể thực hiện việc cách ly đến cấp độ này".
Tuyên truyền và truyền thông tới người dân
Cuối bài viết, tác giả Nectar Gan phân tích sự hiệu quả trong hoạt động tuyên truyền và truyền thông tới người dân là do Chính phủ đã truyền tải rõ ràng về dịch bệnh ngay từ ban đầu.
Các website, số hotline và các ứng dụng điện thoại thông minh đều được thiết lập để cập nhật diễn biến mới nhất của dịch bệnh cùng với các khuyến cáo y tế. Bộ Y tế Việt Nam cũng thường xuyên gửi tin nhắn nhắc nhở đến người dân. Bên cạnh đó, các phương tiện tuyên truyền như loa phát thanh, bảng hiệu, mạng xã hội và báo chí cũng được huy động để nâng cao nhận thức về dịch bệnh cho người dân.
Cuối tháng 2/2020, Bộ Y tế Việt Nam đã có sáng kiến tuyên truyền kiến thức cơ bản về cách rửa tay và các biện pháp vệ sinh phù hợp trong thời kỳ dịch bệnh COVID-19 bùng phát với bài hát "Ghen Cô Vy". Bài nhảy "Ghen Cô Vy" còn được biết tới với tên gọi "Vũ điệu rửa tay" đã ngay lập tức có sức lan tỏa mạnh mẽ và cho tới nay đã thu hút được hơn 48 triệu lượt view trên YouTube.
Theo đánh giá của ông Thwaites thì Việt Nam là nước có nhiều kinh nghiệm trong việc ứng phó với sự bùng phát của các dịch bệnh truyền nhiễm như SARS và cúm gia cầm. Điều này đã giúp Chính phủ và người dân Việt Nam có sự chuẩn bị tốt hơn để ứng phó với đại dịch COVID-19.
15:00, 20/06/2020
14:00, 20/06/2020
13:00, 20/06/2020