25/11/2024 | 16:04 GMT+7, Hà Nội

Chuyên gia nhận định về thời tiết dịp Giáng sinh và Tết Dương lịch

Cập nhật lúc: 22/12/2019, 08:00

PV đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo Khí hậu, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia về tình hình thời tiết dịp Giáng sinh 2019 và Tết Dương lịch 2020.

PV: Thưa ông, ông nhận định như thế nào về thời tiết trong dịp Giáng sinh và Tết Dương lịch 2020 sắp tới?

Ông Nguyễn Văn Hưởng: Hiện tại miền Bắc đang chịu tác động của khối không khí lạnh vì thế khoảng thời gian từ nay đến hết ngày 23/12 ở Bắc Bộ tiếp tục duy trì trạng thái rét, từ ngày 24/12 trở đi khối không khí lạnh suy yếu, Bắc Bộ không mưa, trời nắng. Như vậy trong dịp Giáng sinh ở miền Bắc trời không có mưa, nắng về chiều, nhiệt độ cao 25-27 độ C.

Trong khi ở các tỉnh miền Trung thời tiết của dịp Giáng sinh cũng tương đối thuận lợi, không có mưa, đêm trời se lạnh, ngày nắng ráo, còn ở khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ giai đoạn cuối tháng 12 đã là thời điểm mùa khô ở Nam Bộ và Tây Nguyên, như vậy thời tiết chủ đạo ở Tây Nguyên và Nam Bộ trong dịp Giáng sinh các năm và năm nay cũng vậy, không mưa, trời nắng, ở Nam Bộ trời nóng nhẹ về trưa và chiều, nhiệt độ cao 34-35 độ C.

​Sau đó đến khoảng ngày 26/12 sẽ lại có một đợt gió mùa Đông Bắc tác động đến nước ta gây mưa rét ở miền Bắc, nhưng đến khoảng ngày 28/12 thì không khí lạnh suy yếu và vào dịp tết Dương lịch thời tiết trên cả nước nhìn chung cũng diễn ra tương đối thuận lợi, trời không mưa, nắng ráo, miền Bắc thì se lạnh và có sương mù về đêm sáng, miền Trung không mưa, trời nắng, miền Nam tiếp tục nắng mạnh.

Ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo Khí hậu, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia

PV: Xu hướng thời tiết trong những ngày đầu năm 2020 như thế nào thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Hưởng: Dự báo trong 06 tháng đầu năm 2020 có khoảng 2-3 cơn bão và ATNĐ trên Biển Đông. Tổng lượng mưa trên cả nước từ tháng 01-06/2020 phổ biến thấp hơn so với TBNN, riêng tháng 6/2020 khu vực Trung Bộ cao hơn TBNN từ 15-30%.

Mùa khô năm 2019-2020, nguồn nước trên các sông suối Bắc Bộ tiếp tục thiếu hụt so với TBNN, thiếu hụt nhiều vào các tháng đầu năm 2020. Mực nước thấp nhất tại trạm Hà Nội trên sông Hồng có khả năng ở mức 0,2-0,3m, xuất hiện vào cuối tháng 02 hoặc tháng 3 năm 2020.

Khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên: Dòng chảy trên các sông ở mức thấp, một số sông, suối có khả năng xuất hiện mực nước thấp nhất chuỗi số liệu quan trắc. Nguy cơ xảy ra tình trạng hạn hán, thiếu nước cục bộ ngoài vùng cấp nước của công trình thủy lợi tại ven biển Trung Bộ và Tây Nguyên.

Ở Nam Bộ: Mực nước thượng lưu sông Mê Kông ở mức thấp, lượng dòng chảy từ thượng nguồn về đầu nguồn sông Cửu Long trong các tháng đầu mùa khô ở mức thấp hơn TBNN từ 30-45%, các tháng cuối mùa ở mức xấp xỉ và cao hơn từ 15-20% so với TBNN.

Từ tháng 12/2019 đến tháng 02/2020, sẽ xảy ra hạn hán và xâm nhập mặn ở ĐBSCL ở mức sớm, sâu và gay gắt hơn so với TBNN, một số thời điểm ranh mặn trên các sông có khả năng xâm nhập tương đương năm 2015-2016. Đặc biệt tình hình hạn hán, xâm nhập mặn xảy ra gay gắt hơn tại các tỉnh Long An, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Hậu Giang, Kiên Giang.

PV: Ông có thể đưa ra nhận định của mình về thời gian và diễn biến của các đợt rét đậm rét hại trong thời gian tới?

Ông Nguyễn Văn Hưởng: Dự báo trong những tháng nửa đầu năm 2020, ENSO ở trạng thái trung tính, nhưng nghiêng về pha nóng, chúng tôi dự báo nhiệt độ trung bình trên cả nước trong các tháng chính đông là tháng 12, 1, 2 cao hơn so với trung bình nhiều năm từ 0,5-1,5 độ. Vì vậy chúng tôi dự báo rét đậm tập trung chủ yếu ở giai đoạn nửa cuối tháng 01 và tháng 02/2020 với khoảng 3-5 đợt rét đậm nhưng không kéo dài; đề phòng băng giá, mưa tuyết ở khu vực vùng núi thuộc Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ.

PV: Xin cám ơn ông!