Chuyên gia lý giải số ca mắc Covid-19 ở Việt Nam tăng chậm hơn so với thế giới
Cập nhật lúc: 02/04/2020, 17:44
Cập nhật lúc: 02/04/2020, 17:44
Xét nghiệm nhanh Covid-19 ở Hà Nội
Theo thông tin từ Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch bệnh Covid-19, kể từ khi chạm mốc 100 ca mắc Covid-19 vào ngày 22-3, sau 7 ngày, nước ta đã có thêm 71 ca mắc mới, sau 9 ngày có thêm 103 ca mắc mới và đến nay sau 10 ngày thì có thêm 122 ca, để nâng tổng số mắc đến sáng 2-4 là 222 ca.
Như vậy, tốc độ gia tăng số ca mắc Covid-19 của Việt Nam thấp hơn hàng chục lần so với quy luật chung của thế giới. Trước đó, các chuyên gia phân tích, để tăng số ca mắc Covid-19 từ mốc 100 ca lên 1.000 ca, thời gian trung bình của cả nước là khoảng từ 7 đến 9 ngày, riêng Nhật Bản là khoảng 28 ngày.
Về vấn đề này, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho biết, chính nhờ Việt Nam có chiến lược phù hợp và làm tốt ngay từ giai đoạn đầu nên đã trì hoãn được thời gian dịch Covid-19 lây ra cộng đồng, tốc độ tăng số ca mắc chậm hơn.
“Trước khi chúng ta cách ly tất cả những người nhập cảnh thì trên những chuyến bay trước đó có thể đã có ca bệnh, như vậy đã có ca mắc Covid-19 ở trong cộng đồng- nghĩa là có sự lây lan trong cộng đồng. Nhưng phải khẳng định, Việt Nam đã làm tốt nên đến bây giờ số lượng người mắc mới ít như vậy, trong khi nhiều quốc gia từ khi có 100 ca lên 1.000 ca chỉ mất 7 ngày” - TS Phu nói.
Vị cố vấn cao cấp của Bộ Y tế cũng cho biết, hiện nay dịch Covid-19 tại Việt Nam đã chuyển sang giai đoạn 3, khi dịch bệnh lây lan ra cộng đồng và có dưới 1.000 ca mắc, nguy cơ lây lan rộng rất cao.
Vì thế, trong giai đoạn hiện nay cần thực hiện giãn cách xã hội để đảm bảo có thể chống dịch Covid-19 thành công. Việc tự cách ly tại nhà ít nhất 2 tuần sẽ giúp những người có triệu chứng nhẹ không biết mình mắc bệnh hoặc những người không triệu chứng có nguy cơ mắc bệnh không cơ cơ hội lây bệnh ra cộng đồng.
“Nếu dịch lan quá mạnh, không khoanh vùng được sẽ tạo sức ép rất lớn lên hệ thống y tế. Khi đó tỉ lệ tử vong sẽ tăng cao do bác sĩ không thể dồn sức, tập trung cứu các bệnh nhân nặng” – PGS.TS Trần Đắc Phu nói, đồng thời nhấn mạnh: Nguyên tắc chống dịch trong giai đoạn này là phát hiện sớm, cách ly, khoanh vùng dập dịch mạnh mẽ, dập “đám lửa nhỏ” không để bùng phát lên thành “đám lửa to”.
14:14, 02/04/2020
11:00, 02/04/2020
07:26, 31/03/2020