22/11/2024 | 00:08 GMT+7, Hà Nội

Chuyển đổi số giúp doanh nghiệp trụ vững trong đại dịch

Cập nhật lúc: 14/09/2021, 06:15

Đại dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực khiến nhiều doanh nghiệp phải rời thị trường kinh doanh. Nhưng trong bối cảnh đó, nhiều doanh nghiệp sớm thực hiện việc chuyển đổi số và đã trụ vững trong đại dịch.

Cơ hội để bứt phá

Những năm trở lại đây, nhiều doanh nghiệp ở Việt Nam đã chuyển đổi số tương đối thành công, tạo ra các đột phá trong sản xuất, kinh doanh. Một trong những số đó phải kể đến Công ty Traphaco. Phó Tổng Giám đốc Traphaco Đào Thúy Hà chia sẻ, trong những năm gần đây, Traphaco đã từng bước thành công trong chuyển đổi "tư duy 4.0", chuyển đổi số, đầu tư nhân sự, cơ sở hạ tầng, xây dựng quy trình phù hợp, bắt nhịp xu hướng mua hàng online. Nắm bắt xu hướng, Traphaco đã chủ động đầu tư công nghệ dược phẩm hiện đại theo tiêu chuẩn quốc tế, sử dụng rô bốt trong sản xuất tạo lợi thế dẫn đầu về Pharma 4.0 tại Việt Nam; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý bán hàng (DMS); áp dụng ERP trong quản lý doanh nghiệp; phân tích và khai thác dữ liệu khách hàng thông qua hệ thống BI (Business intelligence), đánh giá năng lực từng đại lý, nhà thuốc để tối ưu hóa các chính sách bán hàng.

Trong cảnh dịch Covid 19 diễn biến phức tạp nhưng doanh thu của TNG Thái Nguyên vẫn đạt lợi nhuận sau thuế 175 tỷ đồng.
Trong cảnh dịch Covid 19 diễn biến phức tạp nhưng doanh thu của TNG Thái Nguyên vẫn đạt lợi nhuận sau thuế 175 tỷ đồng.

"Khi đại dịch xảy ra, Traphaco nhanh chóng thích ứng và thay đổi, đạt được mức tăng trưởng tốt, năm 2020, tăng trưởng 12% về doanh thu, 27% về lợi nhuận sau thuế. 6 tháng năm 2021, doanh nghiệp tiếp tục đà tăng trưởng 22% về doanh thu và 38% về lợi nhuận sau thuế so với cùng kỳ" - Phó Tổng Giám đốc Traphaco Đào Thúy Hà cho hay.

Là một trong những doanh nghiệp của ngành dệt may sớm thực hiện chuyển đổi số nên trong bối cảnh hơn 1 năm dịch Covid 19 diễn biến phức tạp nhưng Công ty cổ phần Đầu tư và thương mại TNG (mã TNG) vẫn gặt hái được nhiều thành công. Ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch Hội đồng quản trị TNG cho biết, nhờ tự động hóa nhiều khâu mà năng suất lao động của Công ty được cải thiện vượt bậc. Nếu như trước đây, một công nhân đứng chạy một máy thì nay có thể điều chỉnh ba máy một lúc. Hiện TNG đã trang bị hệ thống máy cắt tự động, máy chạy vải tự động, máy may tự động, hệ thống in tự động…

Trong bối cảnh ngành dệt may nói chung, đặc biệt là các doanh nghiệp phía Nam đang gặp rất nhiều khó khăn, TNG báo cáo kết quả kinh doanh 7 tháng đầu năm rất tích cực, với 2.966 tỷ đồng doanh thu và 113 tỷ đồng lợi nhuận, tăng trưởng lần lượt 21,3% và 19,5% so với cùng kỳ 2020. Năm nay, Công ty đặt kế hoạch doanh thu 4.798 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 175 tỷ đồng. Với kết quả đạt được của 7 tháng qua, TNG đã hoàn thành được 62% chỉ tiêu doanh thu và 64,5% chỉ tiêu lợi nhuận. Theo lãnh đạo TNG, Công ty đang phấn đấu đạt mức doanh thu 6.000 tỷ đồng.
Cũng nhờ chuyển đổi số mà Công ty cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (mã PNJ) vẫn tăng trưởng vượt trội dù phải đóng tới 90% số cửa hàng do dịch bệnh. Doanh thu thuần 7 tháng đạt 12.126 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 704 tỷ đồng, lần lượt tăng 33,9% và 41,8% so với cùng kỳ. Bà Cao Thị Ngọc Dung, Chủ tịch Hội đồng quản trị PNJ chia sẻ: "Ngay khi đại dịch Covid-19 xảy ra, chúng tôi có chương trình hành động với các chương trình online, có mục tiêu rõ ràng. Công ty có 7.000 con người, 95% cơ sở kinh doanh đóng cửa nhưng nhân viên vẫn đang làm việc. Nhiều dự án trên nền tảng trực tuyến được triển khai, công việc nhiều hơn, các group hoạt động làm việc tích cực và hiệu quả".

Xu hướng tất yếu

Trong những năm gần đây, lãnh đạo Chính phủ đặc biệt quan tâm đến việc chuyển đổi số, do đó, Việt Nam là một trong những quốc gia tiên phong đã xây dựng được một chương trình chuyên đề về chuyển đổi số quốc gia được Chính phủ phê duyệt nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước thời kỳ mới. "Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3/6/2020 đã đề ra các mục tiêu khá cụ thể như: Phát triển Chính phủ số, nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động, đến năm 2030, Việt Nam sẽ thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu về Chính phủ điện tử, phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, kinh tế số đóng góp 30% GDP, tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 20%; năng suất lao động hàng năm tăng tối thiểu 8%...

Nhận định về chuyển đổi số, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho biết, các doanh nghiệp Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức rất lớn từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, quá trình hội nhập và từ tác động bởi đại dịch Covid-19. Covid-19 đã gây ra những khó khăn, thách thức chưa từng có, buộc các doanh nghiệp phải nỗ lực thay đổi và thích ứng.

Chuyển đổi số giúp TNG lội ngược dòng đạt thành công trong bối cảnh đại dịch
Chuyển đổi số giúp TNG lội ngược dòng đạt thành công trong bối cảnh đại dịch

Chính vì vậy, chuyển đổi số là giải pháp, là xu hướng tất yếu để các doanh nghiệp tồn tại, nâng cao năng lực cạnh tranh, hiệu quả sản xuất, có thể tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, tăng tốc và phát triển.

Phó Tổng Giám đốc Công ty Dr SME Vũ Tuấn Anh cho rằng, nếu không chuyển đổi số, doanh nghiệp địa phương sẽ thua thiệt rất nhiều khi phải cạnh tranh với các thương hiệu quốc gia và quốc tế. Đặc biệt, doanh nghiệp nhỏ trong nước sẽ bị doanh nghiệp nước ngoài "đè bẹp", dần "chết yểu". Hiện tại, các công nghệ chuyển đổi số như điện toán đám mây, vạn vận hấp dẫn (IoT)... đã có sẵn trong các giải pháp quản trị doanh nghiệp tại Việt Nam do các đơn vị Việt Nam nghiên cứu và triển khai. Đây chính là một lợi thế quan trọng so với quá khứ nếu như các doanh nghiệp thật sự quyết tâm chuyển đổi.

"Luật chơi trong tương lai sẽ là "cá nhanh nuốt cá chậm" chứ không còn phụ thuộc vào quy mô lớn hay nhỏ. Nghĩa là ngay cả các doanh nghiệp "cá mập", nếu không chịu chuyển đổi số thì vẫn có thể có ngày chấm dứt, hoặc trở nên èo uột, nhường lại sân chơi cho lớp "đàn em" – ông Vũ Tuấn Anh khẳng định.

Còn ông Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME), trong bối cảnh dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp hoạt động theo phương thức truyền thống đã gặp khó khăn. Trước bối cảnh đó, yêu cầu về việc ứng dụng công nghệ trong tìm kiếm khách hàng và xuất khẩu hàng hóa trực tuyến là hướng đi tất yếu. Ứng dụng công nghệ để xúc tiến thương mại trực tuyến, đưa công nghệ nhiều hơn vào vận hành bộ máy quản trị, kinh doanh sẽ giúp doanh nghiệp kết nối với nhau tốt hơn, có điều kiện phục hồi sản xuất, mở rộng thị trường.

Nguồn: https://baodansinh.vn/chuyen-doi-so-giup-doanh-nghiep-tru-vung-trong-dai-dich-20210912150256016.htm