18/01/2025 | 15:04 GMT+7, Hà Nội

Chung cư mùa dịch Covid: Giai đoạn đánh giá năng lực ban quản lý toà nhà

Cập nhật lúc: 05/04/2020, 15:00

19 diễn biến ngày càng phức tạp, các chung cư cần có nhiều biện pháp để đẩy lùi dịch bệnh. Đây cũng là giai đoạn cư dân đánh giá trách nhiệm và năng lực của ban quản lý, ban quản trị toà nhà.

Để đối phó với dịch Covid-19 và bảo đảm an toàn phòng chống dịch trong các dự án chung cư là một trong những yêu cầu cấp thiết đang đặt ra với các chủ đầu tư và ban quản lý toà nhà. Trong đó, ban quản lý toà nhà chịu trách nhiệm trực tiếp công việc này.

Ghi nhận tại một số chung cư cho thấy, công tác phòng chống dịch Covid-19 rất nghiêm túc. và chuyên nghiệp. Cụ thể, tại khu chung cư Vinhomes Times City ban quản trị chung cư đề nghị tất cả các cư dân phải đeo khẩu trang trong thang máy và nơi công cộng, tuyệt đối không khạc nhổ trong thang máy. Đồng thời không mở cửa cho người lạ, người giao hàng lên các tầng căn hộ.

Đặc biệt, ban quản lý chung cư thông báo sẽ tạm khóa toàn bộ thẻ cư dân, thẻ ra vào, vân tay, thẻ gửi xe của các cư dân đang bị cách ly tại căn hộ nhằm phục vụ công tác kiểm soát an toàn. Các trường hợp vi phạm, ban quản lý sẽ thông báo đến cơ quan chức năng để xử lý theo quy định.

Còn tại chung cư Mipec Riverside Long Biên, ban quản lý đã tuyên truyền, vận động cư dân nâng cao ý thức và hành động tự bảo vệ mình, chung tay góp sức cùng cộng đồng và xã hội trong phòng chống dịch. Đề nghị các gia đình tính toán, hạn chế tối đa khách ra vào chung cư. Tất cả khách đến chung cư thì phải đăng ký với lễ tân, bảo vệ, và có chủ nhà xuống đón, thực hiện khai báo y tế.

Hiện tại, hầu khắp các chung cư ở Hà Nội đều liên tục cập nhật thông tin về tình hình dịch bệnh, đồng thời lưu ý các biện pháp phòng dịch đến cư dân, trang bị các số điện thoại thông tin khai báo y tế, đặt nước sát trùng cho cư dân dùng trước khi vào thang máy, phun khử trùng khắp khu vực chung cư... Đặc biệt là cư dân là người nước ngoài, các ban quản lý sẽ theo dõi sát sao tình hình sức khoẻ cư dân hàng ngày, hàng tuần.

Ban quản trị, ban quản lý phải nhiệt tình và trách nhiệm vì cộng đồng cư dân. 

Theo ông Nguyễn Minh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Quản lý Tòa nhà Việt (VietBuildings), các tòa nhà chung cư, khu đô thị trong mùa dịch bệnh này là nơi tiềm ẩn, nguy cơ phát sinh lây nhiễm cao vì tập trung một lượng người rất lớn. Có dự án lên đến hàng vạn người, một toà nhà bình thường khoảng 300 -  400 căn hộ cũng hơn 1.000 người.

So với các cơ quan, xí nghiệp thì lượng người tại các toà nhà này lớn hơn hẳn. Do đó, có thể nói thời điểm này là cơ hội để chúng ta nhìn nhận, đánh giá lại công tác quản lý vận hành chung cư một cách sát sao, từ đó đưa ra những biện pháp kịp thời, hiệu quả và mang tính bao quát để đảm bảo cư dân ở toà nhà nào, phân khúc nào cũng có được môi trường sống lành mạnh, an toàn.

Đánh giá về công tác phòng chống dịch tại các chung cư hiện nay, ông Tuấn cho hay: “Về cơ bản, công tác phòng chống dịch bệnh tại các chung cư đều được quan tâm tốt nhất, tuỳ điều kiện của mỗi khu chung cư cũng như tuỳ vào từng vùng miền. Song có một số nguyên tắc chung về phòng dịch bệnh. Do đó, trách nhiệm của ban quản trị, ban quản lý phải được nâng cao, cùng nhau đưa ra phương án phòng chống tốt nhất”.

Cụ thể, các nguyên tắc để đảm bảo hiệu quả phòng chống dịch, như tất cả cư dân phải đeo khẩu trang, trang bị sát khuẩn, đo thân nhiệt, không cho người lạ ra vào toà nhà nếu không có chủ nhà xuống đón. Các dự án có bể bơi thì tạm dừng hoạt động, tăng cường công tác phun khử khuẩn bằng hóa chất chuyên dụng Cloramin B tại các khu vực trong toà nhà, nhất là khu vực sinh hoạt chung. Ngoài ra, việc thi công sửa chữa căn hộ phải được tạm dừng.

Còn đối với khách thuê là người nước ngoài, các ban quản lý cần yêu cầu họ khai báo có từ vùng dịch về hay không, từ đó có biện pháp cách ly kịp thời.

Đặc biệt, cần có yêu cầu nghiêm cho công tác vận hành, quản lý chung cư. Thứ nhất là cần sự chung tay phối hợp của tất cả cộng đồng cư dân, tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể, chủ đầu tư, ban quản trị, ban quản lý. Đó là vấn đề quyết định.

Thứ hai, cư dân phải thực hiện nghiêm các chế tài mà ban quản trị, ban quản lý hay của các cấp ngành liên quan đặt ra.

Thứ ba, ban quản trị, ban quản lý phải nhiệt tình và trách nhiệm vì cộng đồng cư dân. Ngược lại, bộ phận này cũng rất cần sự động viên, hỗ trợ kịp thời của cộng đồng cư dân trong công tác bảo đảm, giữ gìn môi trường sống lành mạnh, sạch sẽ, an toàn cho cư dân.

Thứ tư, công tác quản lý, vận hành chung cư nói chung sau đại dịch này sẽ phải được tăng cường, đảm bảo môi trường sống tại các toà nhà luôn trong lành, sạch sẽ. Cuối cùng, người dân phải tự nâng cao ý thức để tự bảo vệ bản thân, gia đình và cộng đồng.

Còn theo ông Nguyễn Quang Huy, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Quản lý và khai thác toà nhà PMC cho rằng: “Dịch Covid-19 là cơ hội để nhìn lại và đi sâu vào bản chất của việc quản lý chung cư. Qua đó, đưa ra những giải pháp căn cơ đối với các đô thị, đặc biệt là về quản lý chung cư cao tầng. Đã đến lúc chúng ta cần có một khái niệm mới trong cách nhìn nhận về quản lý đô thị”.

Ông Huy cũng cho biết thêm, thời gian vừa qua, nhằm tăng cường phòng ngừa, chống lây nhiễm Covid-19, nhiều tòa nhà ở Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM đã được ban quản lý tòa nhà đưa ra những thông báo, khuyến cáo, các phương án phòng chống dịch.

Dịch Covid-19 này sẽ là bài học cho các khu chung cư. Sau đại dịch, công tác quản lý, vận hành nhà chung cư chắc chắn sẽ được tăng cường, đặc biệt là đối với vấn đề vệ sinh dịch tễ, các biện pháp để đảm bảo môi trường sống sạch, lành mạnh cho cư dân.

Công tác vệ sinh làm sạch và an ninh tại các toà nhà trong thời gian tới sẽ được đẩy mạnh nhằm phòng dịch trong cộng đồng từ xa, không chỉ đối với dịch Covid-19 lần này mà còn đối với dịch bệnh nói chung nhằm đề cao tinh thần “phòng bệnh hơn chữa bệnh”.