Chủ động phòng bệnh sốt xuất huyết, tránh nguy cơ
Cập nhật lúc: 28/06/2021, 15:30
Cập nhật lúc: 28/06/2021, 15:30
Trước tình hình đó, Hà Nội đã triển khai các biện pháp ngăn chặn, phòng, chống dịch kịp thời ngay từ đầu.
Sốt xuất huyết có xu hướng gia tăng
Hiện nay, tình hình dịch bệnh SXH tại Hà Nội vẫn được kiểm soát, tuy nhiên đang có xu hướng gia tăng trong 4 tuần gần đây. Từ đầu năm đến nay, Hà Nội đã có 194 ca mắc SXH, chưa có trường hợp tử vong. Một số quận huyện có số mắc cao như quận Đống Đa 43 ca; quận Hai Bà Trưng 37 ca; huyện Hoài Đức 31 ca; quận Nam Từ Liêm 14 ca…
Là một trong những “điểm nóng” về SXH, từ đầu năm đến nay, quận Đống Đa đã ghi nhận 43 trường hợp mắc SXH, trong đó, một số ca bệnh xuất hiện ngay từ đầu năm. Gần đây, quận ghi nhận số ca bệnh tăng dần lên. Hiện trên địa bàn quận có 5 ổ dịch, trong đó, 2 ổ dịch đang hoạt động, 3 ổ dịch còn lại đã được xử lý, kết thúc.
Bác sĩ Nguyễn Chí Thành - Trưởng khoa Kiểm soát bệnh tật & HIV/AIDS, Trung tâm y tế (TTYT) quận Đống Đa cho biết, để công tác phòng chống dịch bệnh SXH hiệu quả, quận đã chỉ đạo các phường thường xuyên ra quân chiến dịch vệ sinh môi trường (VSMT), diệt bọ gậy, phun hóa chất tại ổ dịch ngay khi phát hiện. Ở chiến dịch đợt 1, với sự ra quân của 21 phường từ tháng 3, quận đã phun hóa chất diện rộng tại các phường có ca bệnh, ổ dịch. Hiện tại, quận đang triển khai đợt 2 chiến dịch VSMT diệt bọ gậy, phun hóa chất, hoạt động này diễn ra từ nay đến tháng 7. Việc diệt muỗi, bọ gậy và kiểm tra các dụng cụ chứa nước trong nhà rất quan trọng, tuy nhiên, nhiều người dân vẫn còn lơ là, chủ quan. Từ sự chủ quan đó nên dịch SXH năm nào cũng lưu hành.
Tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, trong quá trình triển khai phòng, chống SXH, người dân vẫn phải lưu ý đến các biện pháp phòng chống dịch Covid-19, thông điệp 5K của Bộ Y tế, không nên lơ là, chủ quan. Thời gian này, lực lượng y tế dự phòng vừa căng sức phòng, chống dịch Covid-19, vừa tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức, chủ động thực hiện các biện pháp VSMT, diệt bọ gậy trong gia đình.
– Bác sĩ Nguyễn Chí Thành - Trưởng khoa Kiểm soát bệnh tật & HIV/AIDS, TTYT quận Đống Đa
Cũng là điểm nóng về SXH, ngay từ đầu năm, cùng với việc phòng, chống dịch Covid-19, quận Hai Bà Trưng đã chủ động xây dựng kế hoạch và đã triển khai chiến dịch VSMT, diệt bọ gậy, phun hóa chất diệt muỗi diện rộng các điểm nguy cơ cao (trường học, công trường, bãi đất trống, nhà trọ,…), tăng cường truyền thông tại cộng đồng, chủ động phòng chống SXH cho 18 phường với mục tiêu khống chế không để dịch bùng phát và lan rộng. “Từ đầu năm đến nay, quận ghi nhận 37 ca mắc SXH tại 7 ổ dịch, hiện 3 ổ dịch đã kết thúc, còn 4 ổ dịch vẫn đang hoạt động. Các ổ dịch đều là những trường hợp cùng mắc trong một gia đình. Nguyên nhân có thể do người dân lo ngại trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 nên họ chỉ tự điều trị tại nhà, không đến bệnh viện. Đây có thể là một trong những nguyên nhân khiến các ca bệnh lây nhiễm tại cộng đồng” - Điều dưỡng Trần Thanh Hải - Khoa Kiểm soát bệnh tật & HIV/AIDS, TTYT quận Hai Bà Trưng thông tin.
Chủ động phòng bệnh, không tự ý điều trị tại nhà
Đề cập đến vấn đề này, TS Vũ Minh Điền - Phó Giám đốc Trung tâm phòng chống dịch, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, bệnh SXH Dengue là bệnh lưu hành hàng năm. Thông thường, cứ sau khoảng 4 năm dịch lại bùng phát mạnh ở miền Bắc với số ca mắc gia tăng. Theo quy luật, năm 2021 đúng vào chu kỳ đó nên sẽ tiềm ẩn nguy cơ lớn có thể bùng phát dịch. Lần dịch SXH bùng phát mạnh nhất gần đây là năm 2017, có 30 trường hợp đã tử vong với sự xuất hiện của type mới (D3, D4) bên cạnh type D1, D2 vẫn lưu hành hàng năm. Chu kỳ này có cơ sở khoa học liên quan đến sự phát triển của quần thể trung gian truyền bệnh.
Thường sau mỗi đợt dịch bùng phát mạnh, các địa phương sẽ ra quân VSMT triệt để, tiêu diệt vật trung gian truyền bệnh là muỗi vằn, kiểm soát được sự lây lan của bệnh. Tuy nhiên, sau khoảng 3-4 năm, dần dần vật truyền bệnh sẽ sinh sôi trở lại, phát triển thành quần thể mới gây ra vụ dịch mới. “Hiện đã đến mùa của muỗi sinh sôi truyền bệnh, bên cạnh nhiệm vụ chống dịch Covid-19, địa phương, người dân chủ động phòng các dịch bệnh theo mùa hàng năm, nhất là dịch SXH Dengue, nếu không dễ xảy ra tình trạng dịch chồng dịch trong mùa hè” - TS Vũ Minh Điền cảnh báo.
Theo PGS.TS Đỗ Duy Cường - Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai, các triệu chứng thông thường của bệnh SXH là sốt cao liên tục, kéo dài 5-7 ngày, phát ban, đau đầu, đau người, buồn nôn... Thông thường, đa số bệnh nhân mắc SXH có thể tự khỏi sau khoảng 7 ngày. Tuy nhiên, một số trường hợp diễn biến nặng có thể xảy ra tình trạng như xuất huyết dưới da, chảy máu cam, chảy máu chân răng, phụ nữ có thể rong kinh... Đặc biệt, các trường hợp nặng hơn hơn có biểu hiện như xuất huyết tiêu hóa, xuất huyết não, tổn thương gan, rối loạn đông máu... nếu không phát hiện và điều trị kịp thời sẽ có nguy cơ tử vong.
Theo các chuyên gia, bệnh SXH lây lan là do vật muỗi vằn truyền bệnh. Vì vậy, bên cạnh sự vào cuộc chống dịch của các địa phương, ý thức phòng bệnh tại gia đình của mỗi người dân rất quan trọng. Hàng tuần, mỗi người nên bỏ ra từ 10-15 phút để kiểm tra khuôn viên trong gia đình, nhằm phát hiện các dụng cụ chứa nước và loại bỏ các dụng cụ, phế thải… có thể chứa nước đọng là nơi muỗi đẻ trứng, sinh ra các ổ bọ gậy (loăng quăng) phát triển thành đàn muỗi truyền bệnh.
Liên quan đến vấn đề này, TS Trần Thị Nhị Hà - Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, tình hình dịch SXH tại Hà Nội đang được kiểm soát tốt. Tuy nhiên, kết quả kiểm tra công tác phòng chống SXH tại các điểm ổ dịch ghi nhận chỉ số côn trùng gây bệnh đều cao vượt ngưỡng nguy cơ. Sở Y tế Hà Nội cảnh báo, hiện tại thời tiết nóng, mưa nhiều rất thuận lợi để muỗi truyền bệnh SXH phát triển và lây bệnh, nguy cơ dịch SXH trong thời gian tới có thể sẽ tiếp tục gia tăng.
Để chủ động các biện pháp phòng chống dịch bệnh hiệu quả, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội đề nghị các địa phương huy động các tổ chức triển khai diệt lăng quăng, bọ gậy, bảo đảm tất cả hộ gia đình tại vùng có nguy cơ được kiểm tra, giám sát các bể, dụng cụ chứa nước, nơi sinh sản của muỗi. Các địa phương chỉ đạo TTYT giám sát chặt việc xử lý triệt để ổ dịch SXH tại địa phương, bảo đảm phun hóa chất đúng kỹ thuật... Ngoài ra, các địa phương chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh tổ chức tốt việc thu dung điều trị bệnh nhân, hạn chế tối đa các trường hợp tử vong do SXH, đặc biệt tại các cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân…
Trong bối cảnh dịch Covid-19, các triệu chứng của SXH cần được phân biệt vì một số biểu hiện rất dễ nhầm lẫn với Covid-19 như: Sốt, đau mỏi cơ... Vì vậy, nhân viên y tế cần khai thác yếu tố dịch tễ cẩn thận và kỹ càng, tránh bỏ sót hoặc nhầm lẫn, gây ra hậu quả đáng tiếc.
Người dân khi có biểu hiện mắc SXH cần đến các cơ sở y tế để được xét nghiệm, chẩn đoán và điều trị kịp thời. Người dân tuyệt đối không được tự ý theo dõi và truyền dịch tại nhà, dễ nguy hiểm nếu không điều trị đúng, nhất là với các trường hợp diễn biến nặng.
– PGS.TS Đỗ Duy Cường - Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai.
Nguồn: http://kinhtedothi.vn/chu-dong-phong-benh-sot-xuat-huyet-tranh-nguy-co-dich-chong-dich-425218.html
15:00, 22/10/2020
08:00, 06/07/2020
15:00, 15/06/2020