23/11/2024 | 07:34 GMT+7, Hà Nội

Chủ đầu tư “xấu hổ” hay sợ không bán được dự án nên "vội vàng" nộp thuế?

Cập nhật lúc: 18/07/2015, 05:00

15 doanh nghiệp vừa “vội vàng” nộp bổ sung hơn 219 tỷ đồng tiền sử dụng đất. Phải chăng các chủ dự án này cảm thấy "xấy hổ" hay vì lý do nào khác?

Ngày 16/7, Cục Thuế TP. Hà Nội cho biết, sau khi cơ quan này thực hiện 3 đợt công khai với tổng số 38 dự án nợ tiền sử dụng đất, nhiều chủ dự án đã có công văn hoặc liên hệ trực tiếp với cơ quan Thuế trao đổi và cam kết tiến độ nộp nợ tiền sử dụng đất.

Cụ thể, tính đến ngày 15/7/2015 (công khai đợt 3 ngày 9/7/2015), đã có 15/38 dự án nộp nợ tiền sử dụng đất với tổng số tiền 219,377 tỷ đồng.

Trong đó có 3 dự án đã nộp hết số nợ  tiền sử dụng đất là: Công trình hỗn hợp nhà ở, VP và TTTM tại 265 Cầu Giấy (thuộc Công ty cổ phần hóa chất & vật tư KHKT) nộp 93,208 tỷ đồng; dự án TTTM, VP và nhà ở (thuộc Công ty TNHH một thành viên đầu tư Việt Hà, Công ty XD và KT Việt Nam) nộp 20 tỷ đồng; dự án Nhà ở hỗn hợp cao tầng Đồng Phát Hoàng Mai tại Khu công nghiệp Vĩnh Tuy, phường Vĩnh Hưng, quận Hoàng Mai (thuộc Công ty cổ phần đầu tư Đồng Tháp) nộp 5,159 tỷ.

1 dự án đã nộp 83,18% số nợ tiền sử dụng đất là dự án đầu tư tòa nhà hỗn hợp đa năng và nhà ở chung cư Vinafor tại số 55, đường 430, Vạn Phúc, Hà Đông - thuộc Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam – Công ty TNHH một thành viên nộp 5tỷ đồng.

Đại diện Cục Thuế TP. Hà Nội khẳng định: “Kết quả này có được là do cơ quan thuế đã thực hiện nghiêm các quy trình về đôn đốc, thu hồi nợ đọng tiền sử dụng đất theo quy định cũng như ý thức chấp hành pháp luật thuế của các chủ dự án

Ngay sau khi Cục thuế Thành phố Hà Nội công khai danh sách các doanh nghiệp nợ thuế lớn và dự án nợ tiền sử dụng đất nhằm cảnh báo các doanh nghiệp cần nghiêm túc thực hiện nghĩa vụ với NSNN, một số doanh nghiệp đã thu xếp nguồn tài chính và nộp vào NSNN trước khi cơ quan Thuế thực hiện các biện pháp nhằm thu hồi nợ đọng thuế theo đúng luật định”.

Liên quan tới những thông tin ảnh hưởng tới những nhà đầu tư mua nhà tại những dự án mà chủ đầu tư nợ tiền sử dụng đất (SDĐ), trao đổi với PV, bà Nguyễn Thị Hải Yến - Trưởng phòng Tuyên truyền Hỗ trợ người nộp thuế cho biết, theo quy định về thu tiền SDĐ và quy định của pháp luật quản lý thuế, việc chậm nộp tiền SDĐ của các chủ đầu tư dự án sẽ bị cơ quan thuế xử lý theo quy định thông qua việc xác định khoản tiền chậm nộp phải nộp NSNN với mức 0,05%/ngày tính trên số tiền SDĐ chậm nộp và số ngày chậm nộp.

Đồng thời, cơ quan thuế sẽ tiến hành các biện pháp cưỡng chế nhằm thu đủ số tiền SDĐ nợ vào NSNN theo quy định. Việc chủ đầu tư dự án nợ tiền SDĐ thể hiện việc chưa chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật của chủ đầu tư và là dấu hiệu cho thấy chủ đầu tư có những khó khăn, vướng mắc về tài chính để thực hiện dự án…

“Thông qua việc công khai thông tin về tình hình nợ tiền SDĐ, người mua nhà sẽ có thêm một kênh thông tin để lựa chọn, quyết định khi tiến hành giao dich nhằm hạn chế rủi ro khi mua nhà từ các chủ đầu tư không chấp hành pháp luật, có hạn chế về năng lực tài chính để triển khai thực hiện dự án” – bà Yến nhấn mạnh.

Theo ông Thái Dũng Tiến - Phó Cục trưởng Cục Thuế Hà Nội,  doanh nghiệp có quyền lợi là được Nhà nước giao đất để thực hiện dự án, xây dựng dự án để thu về lợi nhuận. Do vậy, doanh nghiệp phải có nghĩa vụ đóng góp cho ngân sách nhà nước. Do đó, khi xây dựng dự án phải đảm bảo đủ năng lực về tài chính để nộp thuế và hoàn thiện dự án.

Bên cạnh đó, đại diện Cục thuế Hà Nội còn khuyến cáo, khi chủ dự án nợ tiền sử dụng đất chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến người mua nhà, nhất là khi làm thủ tục để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sở hữu nhà ở sẽ gặp phải nhiều khó khăn. Do đó, Phó Cục trưởng Cục Thuế Hà Nội khuyên người dân không nên mua nhà của các doanh nghiệp nợ tiền sử dụng đất.

Sau khi Cục thuế thành phố Hà Nôi công bố danh sách các dự án còn nợ tiền sử dụng đất, nhiều người mua hết sức “bất ngờ” bởi nhiều dự án bán rất chạy, thậm chí có dự án “cháy hàng”.

Trên địa bàn Hà Nội vẫn còn hàng loạt người dân mua nhà chưa làm được sổ đỏ.

Trên địa bàn Hà Nội vẫn còn hàng loạt người dân mua nhà chưa làm được sổ đỏ.

Các dự án nợ thuế nhưng vẫn được mở bán rầm rộ có thể kể tới như: Diamond Flower Tower (Trung Hoà Nhân Chính) nợ 116 tỷ đồng; dự án chung cư Mỹ Sơn nợ 76,4 tỷ đồng; dự án Beriver tại Long Biên nợ 99,7 tỷ đồng; dự án khu nhà ở kết hợp dịch vụ tại số 35 phố Lê Văn Thiêm, quận Thanh Xuân (39 tỷ đồng); dự án Trung tâm thương mại, văn phòng và nhà ở của Công ty TNHH 1 TV đầu tư Việt Hà (20 tỷ đồng)…

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, chủ các dự án bất động sản không phải cố tình trốn thế, nợ thuế. Bởi khi công khai như trên sẽ ảnh hưởng rất lớn đến uy tín của các dự án, điều này vô tình làm cho thị trường bất động sản đã khó khăn lại càng khó khăn hơn.

Đại diện một doanh nghiệp nợ thuế cho hay, việc chậm nộp thuế sẽ phải tính thêm tiền phạt. Tuy nhiên, số tiền đó chẳng thấm vào đâu so với việc đem số tiền đó gửi ngân hàng lấy lãi chênh lệch hoặc đem đầu tư.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng TS. Phạm Sỹ Liêm cho rằng, Cục Thuế Hà Nội nói riêng và Tổng Cục thuế nói chung, sau khi công bố danh sách những doanh nghiệp, dự án nợ thuế thì cần những chế tài đủ mạnh để răn đe như tịch thu tài sản, có như vậy tình trạng chây ì thuế mới giảm.

Về phía người mua nhà, chuyên gia cũng cho rằng, chỉ khi nắm rõ về khả năng tài chính và tiến độ dự án, chắc chắn hơn là khi dự án hoàn thành, có sổ đỏ thì người dân mới nên giao dịch. Khi nắm chắc giấy chứng nhận quyền sử dụng trên tay thì mới giao hết tiền. Thậm chí, có thể nhờ luật sư tư vấn để bảo đảm tính pháp lý trong việc mua bán.

Thực chất, việc cấp sổ đỏ cho người mua nhà là quan hệ giữa cơ quan nhà nước với người dân còn việc chủ đầu tư dự án bất động sản nợ tiền thuế là quan hệ giữa cơ quan quản lý nhà nước với doanh nghiệp, hai việc này hoàn toàn khác nhau. Tuy nhiên trên thực tế, nhiều nơi lại giao cho chủ đầu tư các dự án bất động sản làm sổ đỏ nhưng doanh nghiệp lại nợ thuế, nghĩa là vi phạm pháp luật và việc làm sổ đỏ cho người mua nhà gặp phải khó khăn. Nếu người dân đã làm hết nghĩa vụ tài chính với chủ đầu tư bất động sản mà chủ đầu tư không chịu làm giấy xác nhận cho mình thì có thể khởi kiện ra tòa./.

Có thể thu hồi dự án

Cục Thuế TP. Hà Nội cho biết, tổng số tiền các doanh nghiệp nợ thuế phí trên địa bàn thành phố 9.600 tỷ đồng, trong đó nợ thuế đất 7.400 tỷ. Trước tình trạng trên, Cục Thuế đã chuyển hồ sơ đề nghị cơ quan công an điều tra, xác minh sai phạm 86 vụ liên quan đến 86 doanh nghiệp có dấu hiệu phát hành hóa đơn trái phép. Đặc biệt, trong 6 tháng đầu năm đã khởi tố 5 đơn vị liên quan đến hành vi mua bán trái phép hóa đơn, một số vụ điển hình có tính chất nghiêm trọng.

Từ nay đến tháng 9, Cục Thuế sẽ tiếp tục công khai các doanh nghiệp nợ thuế.  Cục Thuế TP. Hà Nội đang phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng, Sở Tài chính xem xét những khó khăn doanh nghiệp gặp phải, từ đó đưa giải pháp xử lý phù hợp. Riêng với những doanh nghiệp được ưu đãi về thuế và doanh nghiệp bất động sản đã huy động tiền của nhân dân triển khai dự án nhưng không chịu nộp tiền sử dụng đất có thể sẽ bị thu hồi dự án.