19/01/2025 | 12:14 GMT+7, Hà Nội

Chốt lời và chờ những “rung lắc“ mới trên thị trường chứng khoán

Cập nhật lúc: 17/04/2023, 09:38

Thị trường chứng khoán Việt Nam đã có một tuần giao dịch từ 10 - 14/4 đầy sóng gió, nhà đầu tư có thể rút gọn lại danh mục, chốt lời với những mã cổ phiếu có lợi nhuận.

Trong phiên cuối tuần, chỉ số VN-Index mở gap tăng 3 điểm, tuy nhiên đà bán mạnh dần ở thời gian sau, kết phiên VN-Index giảm 11,41 điểm, đóng góp vào mức giảm mạnh nhất trong tuần. Cụ thể, tuần qua VN-Index giảm 16,81 điểm tương đương với -1,57% so với tuần trước xuống 1.052,89 điểm. Chỉ số HNX-Index kết tuần cũng giảm 4,35 điểm tương đương -2,06% về 207,25 điểm.

Đà bán diễn ra trên diện rộng và có sự phân hoá cao giữa các nhóm dòng. Dòng tiền ngắn hạn liên tục luân chuyển qua các nhóm ngành nghề. Chịu áp lực điều chỉnh mạnh là nhóm bất động sản, chứng khoán sau nhiều tuần phục hồi tăng giá. Các nhóm dòng đã tạo đỉnh ngắn hạn thời gian qua cũng bắt đầu điều chỉnh như thép, đầu tư công.

Nhìn lại toàn bộ quá trình tăng điểm từ nửa cuối tháng 3 đến nay cho thấy thị trường đang trong tình trạng "đánh theo tin". Nay trần, mai sàn là thực tế đang hiện hữu, bất cứ thông tin nào được cho là tích cực hay tiêu cực đều được phản ánh mạnh vào giá cổ phiếu nhưng lại không kéo dài được quá 2 phiên.

Xu hướng của dòng tiền lớn không mấy tích cực

Giữa bối cảnh thị trường không mấy khả quan, khối ngoại tiếp tục là điểm trừ khi họ đẩy mạnh bán ròng xuyên suốt 5 phiên giao dịch. Cụ thể, khối ngoại đã tiếp tục bán ròng 1.756 tỷ đồng trên kênh khớp lệnh. Đây là tuần thứ 3 liên tiếp khối ngoại bán ròng khớp lệnh trên thị trường và cũng với giá trị cao nhất.

Tâm điểm dòng vốn ngoại rút ròng tiếp tục ghi nhận tại các mã ngân hàng, trong đó STB bị bán mạnh nhất với giá trị bán ròng hơn 287 tỷ đồng. Bên cạnh đó nhóm thép HPG và mã ngành chứng khoán VND cũng bị bán mạnh với giá trị bán ròng lần lượt đạt 261 tỷ đồng và 190 tỷ đồng. Cổ phiếu PVD cũng bị bán ròng hơn 120 tỷ đồng sau 5 phiên giao dịch của tuần vừa qua.

Trong khi đó tổ chức trong nước tính riêng khớp lệnh nhóm này cũng bán ròng 435 tỷ đồng. Họ bán ròng khớp lệnh mạnh nhất CII, VND, GAS, ACB, VIX, VPB. Top các mã mua ròng VHM, HPG, SSI, HAH, KBC.

Ở chiều đối ứng, tự doanh đã quay lại mua ròng 236 tỷ đồng. Top mua ròng khớp lệnh của tự doanh trong tuần gồm TCB, HPG, DBC, DGC. Top cổ phiếu được bán ròng gồm PNJ, KBC, REE, FPT.

Nhà đầu tư cá nhân đã có một tuần giao dịch sôi động khi mua ròng 1934 tỷ đồng trên HoSE. Tính riêng khớp lệnh mua ròng 2037 tỷ đồng. Cá nhân trong nước mua ròng khớp lệnh mạnh nhất STB, VND, HPG, VNM, VPB. Nhà đầu tư cá nhân bán ròng khớp lệnh nhiều nhất là HDB, VHM, TCB, VRE, MSN.

Dòng tiền từ nhà đầu tư cá nhân là động lực chính giúp cho thị trường không bị giảm mạnh và sâu trong tuần giao dịch vừa qua.

Với phiên giao dịch thứ sáu giảm mạnh 11,41 điểm, VN-Index trên khung ngày đã gãy luôn 2 đường hỗ trợ MA20 và MA50, MACD cũng xác nhận cắt xuống. Những phiên giảm điểm kèo thanh khoản cao là dấu hiệu không mấy tích cực. Tuần sau, chỉ số VN-Index sẽ có tuần giao dịch test lại hỗ trợ MA10 trên khung tuần.
Trong khi đó, đây là thời điểm thị trường chứng khoán phản ánh kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp ở quý I/2023. Kết quả kinh doanh quý I đã dần lộ diện với những tín hiệu không mấy tích cực, thậm chí sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp thua lỗ, chưa có tín hiệu tích cực trong quý II.

Theo FG, tính đến 11/4, kế hoạch lợi nhuận sau thuế của 358 doanh nghiệp và ngân hàng niêm yết trong 2023 gần như đi ngang so với năm 2022.

Với tình hình hiện tại của thị trường chứng khoán, chiến lược hợp lý nhất của nhà đầu tư là nên cô đọng lại danh mục, chốt lời những mã cổ phiếu có lợi nhuận, đưa danh mục về tỉ trọng tiền mặt cao và chờ đợi cơ hội sẽ xuất hiện dù lâu. Thị trường chứng khoán vẫn còn những nhịp điều chỉnh và rung lắc trong ngắn hạn, chúng ta sẽ tìm kiếm cơ hội đủ lớn trong các nhịp hồi trung hạn và tăng dài hạn phía sau./.

Nguồn: https://reatimes.vn/dua-danh-muc-co-phieu-ve-ti-trong-tien-mat-cao-20201224000018927.html