19/01/2025 | 14:06 GMT+7, Hà Nội

Chống dịch COVID -19 không phải là việc riêng của chính quyền!

Cập nhật lúc: 29/12/2020, 08:32

Nguy cơ bùng phát dịch bệnh COVID -19 trong cộng đồng gần Tết là rất lớn, đã đến lúc truyền thống “toàn dân đánh giặc, cả nước góp sức” cần được phát huy hơn bao giờ hết.

Chủ trương nhất quán phòng chống dịch COVID -19 của nước ta là “chống dịch như chống giặc”. Dân ta lại có truyền thống “giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”, truyền thống chiến tranh nhân dân, “toàn dân đánh giặc, cả nước góp sức”. Vì thế, chủ trương “chống dịch như chống giặc” là để mọi người dân phát huy tinh thần tự tôn dân tộc, truyền thống yêu nước trong bối cảnh đại dịch COVID -19 làm rung chuyển thế giới trong năm qua.

Trong nhiều văn bản của Chính phủ, Bộ Y tế, của các địa phương ban ngành đều nhấn mạnh vai trò của mỗi người dân trong việc phòng chống, dịch COVID - 19.

Chỉ khi mỗi người dân nêu cao tinh thần yêu nước, trách nhiệm hơn trong công tác phòng chống dịch thì nguy cơ bùng phát dịch bệnh mới được đẩy lùi (ảnh nguồn internet).

Mới đây nhất, Công điện 1838/CĐ-TTg về việc phòng, chống dịch bệnh COVID-19 mà Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành đã nhấn mạnh: “Mọi người dân Việt Nam thể hiện ý thức, tinh thần trách nhiệm, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo khuyến nghị của Bộ Y tế để đón kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021 vui tươi, lành mạnh, an toàn, góp phần vào sự thành công các sự kiện trọng đại của đất nước trong năm 2021”.

Bài học dựa vào dân luôn là cẩm nang chiến thắng của dân tộc Việt Nam trước mọi kẻ thù. Trong đại dịch COVID -19, bài học này cần được phát huy hơn nữa.

Vậy nhưng trong cuộc chiến chống dịch COVID -19 trong năm 2020 lại có những cá nhân đi ngược lại với truyền thống tốt đẹp của cha ông, quên đi nhiệm vụ của công dân đối với tổ quốc, dân tộc, nhân dân.

Điển hình nhất là câu chuyện bệnh nhân COVID -19 thứ 17, N.H.N, để trốn cách ly thì bệnh nhân này cố tình khai gian lịch trình khi trong thời gian ra nước ngoài, bệnh nhân đi nhiều quốc gia châu Âu, trong đó có Italia, nước đang bùng phát dịch mạnh.

Tuy nhiên, khi nhập cảnh, BN17 khẳng định chỉ đi từ Anh mà không qua các nước khác. Quá trình kiểm tra hộ chiếu của BN17, lực lượng Công an cửa khẩu Nội Bài cũng không phát hiện dấu kiểm chứng nhập xuất cảnh của Italia nên đã giải quyết nhập cảnh bình thường.

Theo cơ quan chức năng, bệnh nhân N.H.N có 2 hộ chiếu: Hộ chiếu Việt Nam và hộ chiếu của Vương Quốc Anh. Ngày 15/2, cô đã sử dụng 2 hộ chiếu này để làm thủ tục hàng không và xuất cảnh sang Anh.

Ngày 2/3, khi nhập cảnh tại Cửa khẩu Nội Bài, N.H.N sử dụng hộ chiếu Việt Nam để làm thủ tục nhập cảnh.

Dù kiểm tra hết các trang hộ chiếu này nhưng không phát hiện được N.H.N đã đi qua vùng dịch.

Sau đó, N.H.N đã lây bệnh COVID -19 ra cộng đồng, khiến người dân Hà Nội bất an, lo lắng.

Đêm ngày 5 rạng sáng 6/3, khi thông tin N.H.N bị mắc COVID -19 sau 22 ngày cả nước không ghi nhận trường hợp mắc bệnh trong cộng đồng, khiến người dân Hà Nội có một đêm không ngủ.

Hệ lụy mà N.H.N mang đến là rất lớn cho toàn xã hội khi nhiều trường học, nhà hàng, khách sạn đóng cửa, thành phố sau đó đã thực hiện giãn cách xã hội…

Những tưởng trường hợp bệnh nhân N.H.N là bài học để mọi người dân không được chủ quan mà tăng cường ý thức hơn trong phòng chống dịch nhưng đây không phải là trường hợp duy nhất bất tuân thủ quy định phòng chống dịch để rồi gây hậu họa lớn.

Ngày 28/11, bệnh nhân 1342 (BN1342) - nam tiếp viên hàng không của Vietnam Airlines vi phạm các quy định phòng dịch khi thực hiện cách ly tập trung, cũng như không tuân thủ quy định phòng dịch khi cách ly tại nhà khiến mình mắc COVID-19 và làm lây lan ra cộng đồng tại TP. Hồ Chí Minh.

Bệnh nhân 1342 cũng khiến nhiều trường học bị đóng cửa, nhiều khu phố bị cách ly, người dân T.P Hồ Chí Minh và cả nước lo lắng. Chính vì hệ lụy nguy hại đó mà bệnh nhân 1342 đã bị khởi tố hình sự.

Câu chuyện bệnh nhân 1342 trốn cách ly chưa kịp lắng xuống thì mới đây nhất lại xuất hiện trường hợp bệnh nhân 1440 tại Vĩnh Long. Bệnh nhân này trở về từ Myanmar nhập cảnh trái phép qua đường mòn lối mở (đang xác minh vị trí) vào 2h sáng ngày 24/12 . 

Khi về tới Vĩnh Long, gia đình, người nhà bệnh nhân đã thông báo ngay với công an địa phương để tiến hành cách ly và lấy mẫu xét nghiệm. Đến ngày 27/12 phát hiện dương tính với COVID -19.

Ngày 28/12, một người bạn đi cùng với BN 1440, nhập cảnh trái phép vào nước ta cũng được TP. Hồ Chí Minh phát hiện dương tính với COVID -19.

Hai người này đã mang mầm bệnh từ nước ngoài, đi sâu vào nội địa, đã tiếp xúc với nhiều người.

Các bệnh nhân COVID-19 như BN 17, BN 1342 và BN 1440 là điển hình cho việc bất tuân các quy định phòng chống dịch bệnh, gây hậu họa lớn cho cộng đồng.

Không thể thống kê hết được những thiệt hại mà những người bất tuân quy định cách ly phòng dịch rồi làm lây bệnh ra cộng đồng đã mang lại.

Chỉ cần thống kê chi phí cho việc khám chữa bệnh, truy vết, xét nghiệm, phong tỏa, cách ly cũng đã là những con số rất lớn mà bản thân họ không thể bù đắp được. Tình trạng “con sâu làm rầu nồi canh” trong phòng chống dịch COVID -19 đang khiến cho những nỗ lực của toàn hệ thống chính trị trở nên khó khăn hơn.

Tại Hội nghị trực tuyến tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19 ngày 23/12, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long bày tỏ lo lắng khi hàng ngày có khoảng 100-150 trường hợp nhập cảnh trái phép ở biên giới.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long đã yêu cầu các Ban chỉ đạo tại các địa phương có biên giới cần quan tâm, bảo vệ, ngăn chặn ca xâm nhập trái phép vào Việt Nam. Nếu ca bệnh xâm nhập mang theo virus sẽ rất nguy hiểm.

Trong công điện 1838/CĐ-TTg về việc phòng, chống dịch bệnh COVID-19, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc một lần nữa chỉ đạo: “Các bộ, ngành, địa phương cần nêu cao tinh thần trách nhiệm trong phòng, chống dịch COVID-19; thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản có liên quan;

kiểm soát chặt chẽ người nhập cảnh, nhất là nhập cảnh trái phép qua đường mòn, lối mở, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm” cho thấy trách nhiệm rất cao của Chính phủ với người dân.

Thực tiễn công tác phòng chống COVID -19 trong năm 2020 đã chứng minh người dân và chính quyền Việt Nam đã làm rất tốt mà thành quả là Việt Nam trở thành số ít quốc gia có nền kinh tế tăng trưởng dương gần 3% trong năm 2020.

Thành tựu này là rất to lớn, nhưng sẽ còn tốt đẹp hơn nếu như không có những trường hợp như BN 17, BN 1342, BN 1440.

Từ nay đến Tết Nguyên Đán, tình hình dịch COVID -19 còn diễn biến phức tạp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã kêu gọi mọi người dân Việt Nam thể hiện ý thức, tinh thần trách nhiệm, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo khuyến nghị của Bộ Y tế. Bộ trưởng Bộ Y tế đã kêu gọi đẩy tinh thần chống dịch COVID -19 lên cao nhất.

Vì thế, hơn lúc nào hết mọi người dân Việt Nam cần thiết phải ý thức hơn nữa, thực hiện phòng bệnh theo khuyến nghị 5K của Bộ Y tế: khẩu trang - khử khuẩn tay - khoảng cách - không tập trung - khai báo y tế.

Tất cả cần phải xác định phòng chống dịch COVID -19 không phải là việc riêng của chính quyền mà đó là việc chung của mọi tầng lớp nhân dân.

Đã đến lúc, truyền thống yêu nước, tinh thần “toàn dân đánh giặc, cả nước góp sức” trong đánh giặc giữ nước phải được phát huy cao nhất trong cuộc chiến chống lại dịch COVID -19.

Chỉ có như vậy thì dịch COVID -19 mới được đẩy lùi, thành quả phòng chống dịch COVID -19 mới được giữ gìn và nước ta đón Tết Nguyên Đán 2021 trong niềm vui hân hoan.

Theo Công luận

Nguồn: https://congluan.vn/chong-dich-covid-19-khong-phai-la-viec-rieng-cua-chinh-quyen-post111162.html