19/01/2025 | 07:20 GMT+7, Hà Nội

Chống Covid-19: Dịch vụ cách ly, sao không?

Cập nhật lúc: 22/03/2020, 13:00

Cả nước đang “chống dịch như chống giặc”. Chính phủ vào cuộc; quân đội, công an vào cuộc; ngân hàng, doanh nghiệp vào cuộc; hàng vạn vạn người dân chung tay nhắn tin gửi tiền ủng hộ…

Có lẽ lâu lắm rồi, sức mạnh của cả nước mới được huy động tổng lực như vậy.

Và có lẽ cũng đã lâu lắm rồi, hình ảnh “anh bộ đội Cụ Hồ”, hình ảnh những “lương y kiêm từ mẫu” lại một lần nữa in sâu vào tâm cảm người dân như thế. Những ca thức đêm triền miên, những suất cơm miễn phí nóng hổi, những sự chăm sóc ân cần trước người xa lạ… đã khiến hàng triệu triệu trái tim cả trong nước và trên thế giới rung động.

Kể từ ngày 23/1/2020, khi 2 ca nhiễm Covid-19 đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam là cha con người Trung Quốc đến từ thành phố Vũ Hán, đến nay đã tròn 2 tháng. Số người nhiễm Covid-19 hiện đã ngót 100. Số người bị cách ly cũng đã lên tới vài chục ngàn.

Cuộc chiến chống lại đại dịch Covid-19 đang diễn ra trên thế giới khốc liệt hơn nhiều so với dự đoán của loài người. Đến ngày 20/3/2020, chỉ riêng Italia đã ghi nhận 47.021 người nhiễm bệnh, có 4.032 người chết. Trong ngày 20/3 đã có 627 ca tử vong. Khốc liệt hơn là Italia cũng đã ghi nhận thêm 5 bác sĩ tử vong vì Covid-19, nâng tổng số y bác sĩ tử vong lên con số 13. Cùng với đó là hơn 2.600 nhân viên y tế đã bị nhiễm virus khiến hệ thống y tế lâm vào khủng hoảng.

Bên cạnh đó, chi phí chăm sóc y tế cho mỗi bệnh nhân cũng là điều khiến nhiều người suy nghĩ.

Ở nước Mỹ, có một bệnh nhân tên là Danni Askini. Theo báo chí mô tả thì đầu tiên, cô cảm thấy tức ngực, khó thở và đau nửa đầu vào một ngày thứ Bảy cuối tháng Hai. Cô liền gọi điện cho người bác sĩ đang điều trị bệnh ung thư hạch của mình. Bác sĩ nghĩ rằng có thể cơ thể Askini đang có phản ứng không tốt với loại thuốc mới, nên đã đưa Askini tới một phòng khám tại Boston. Tại đây, các bác sĩ cho biết có khả năng Askini đã mắc bệnh viêm phổi và đưa cô về nhà.

Trong vài ngày sau đó, thân nhiệt của Askini tăng và giảm đột ngột, cô bắt đầu ho dữ dội vì dịch trong phổi. Askini tới phòng khám thêm 2 lần, một bác sĩ kê thuốc điều trị triệu chứng cúm và viêm phổi cho Askini, khuyên cô về nhà nghỉ ngơi. Ba ngày sau, Askini nhận được thông báo từ phòng xét nghiệm rằng cô đã nhiễm Covid-19.

Chưa hết kinh ngạc vì bệnh tình của mình, Askini còn bị sốc khi nhận hóa đơn cho việc xét nghiệm và điều trị: Tổng cộng hết 34.927 USD.

Đấy, tốn kém đến như thế! Vậy mà nghe nói ở Việt Nam ta, những dịch vụ này 2 tháng qua với tất cả các bệnh nhân đều miễn phí!

Tại nhà ăn Trường quân sự Bộ tư lệnh Thủ đô (thị xã Sơn Tây), tổ phục vụ 40 người hoạt động hết công suất để chia 776 suất cơm chiều cho người đang cách ly 14 ngày. (Ảnh: VnExpress)

Một câu hỏi được đặt ra, về lâu dài, liệu Việt Nam ta có đủ tiềm lực kinh tế, đủ sức người sức của để thực hiện miễn phí hoàn toàn cho những người đang trong vòng cách ly và chăm sóc y tế như 2 tháng vừa qua?

Theo dự báo của các chuyên gia, Việt Nam sắp tới sẽ lên đến đỉnh dịch. Và cũng theo các chuyên gia, cũng phải mươi mười lăm tháng nữa, loài người mới có thể chính thức sản xuất hàng loạt vắc xin để chống lại con vi rút oái oăm này.

Thực tiễn chống dịch vừa qua cho thấy, nhiều người thuộc diện cách ly hoặc chăm sóc y tế hoàn toàn có khả năng thanh toán và có nhu cầu được chăm sóc y tế cao hơn mức bình quân như hiện nay. Vậy tại sao chúng ta không tạo ra một thị trường dịch vụ như vậy?

Theo tôi, kể cả về mặt đạo lý và pháp lý đều không có gì phải lăn tăn cả.