19/01/2025 | 01:30 GMT+7, Hà Nội

Chống buôn lậu vùng biên dịp giáp Tết

Cập nhật lúc: 19/12/2018, 19:40

Những ngày cuối năm, nếu như khu vực biên giới phía Bắc, hàng lậu đổ về chủ yếu là gia cầm, pháo các loại thì ở phía Nam, hàng lậu quanh năm là thuốc lá, đường, bia… Những ngày giáp Tết, lực lượng chống buôn lậu Bộ đội Biên phòng (BĐBP) căng mình trên các tuyến biên giới.

“Nóng” buôn lậu pháo, gia cầm phía Bắc

Trên tuyến biên giới đường bộ phía Bắc tình hình mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy diễn ra phức tạp, xuất hiện xu hướng “hàng đổi hàng” vận chuyển heroin từ nội địa lên biên giới đưa sang Trung Quốc tiêu thụ, đồng thời mua ma túy tổng hợp, ma túy đá, tiền chất ma túy từ Trung Quốc về Việt Nam tiêu thụ hoặc vận chuyển sang nước thứ ba. Tình hình vận chuyển gia cầm, pháo các loại cũng gia tăng do thời điểm gần Tết Nguyên đán.

BĐBP Long An kiểm đếm tang vật thuốc lá ngoại nhập lậu. Ảnh: Lê Đồng

BĐBP Long An kiểm đếm tang vật thuốc lá ngoại nhập lậu. Ảnh: Lê Đồng

Chỉ trong tháng 11/2018, Đồn Biên phòng Trà Cổ, BĐBP Quảng Ninh đã bắt 2 vụ vận chuyển gà, chim bồ câu vào Việt Nam với số lượng trên 52 nghìn con. Thượng tá Nguyễn Thế Thảo - Đồn trưởng Đồn Biên phòng Trà Cổ, Quảng Ninh cho biết: “Nếu vận chuyển gia cầm qua biên giới trót lọt, lợi nhuận mang lại cho các đối tượng là rất cao, mỗi con chim bồ câu được thu mua ở Đông Hưng (Trung Quốc) có giá 18 nghìn đồng nhưng khi về Việt Nam, chúng bán với giá 100 nghìn đồng/con.

Còn gà giống, các đối tượng thu mua giá 2 nghìn đồng/con, về chúng thả ở những trang trại trên địa bàn, sau vài tháng, giá bán gần 160 nghìn đồng/kg. Nếu số gia cầm này được tiêu thụ trên các địa bàn sẽ có nguy cơ lây truyền các bệnh dịch, đặc biệt là dịch cúm H5N1, H5N6..., ảnh hưởng lớn đến ngành chăn nuôi của Việt Nam và sức khỏe của người dân”.

Điển hình, vào lúc 3h30 ngày 27/11, Đội tuần tra của Đồn Biên phòng Trà Cổ bắt giữ 1 bè mảng xốp tự chế, 1 ô tô tải tại khu vực bờ biển thuộc khu Nam Thọ, phường Trà Cổ vận chuyển trên 2.000 con chim bồ câu nhập lậu từ Trung Quốc về Việt Nam.

Bè mảng xốp tự chế do Bùi Hồng Hà điều khiển và ô tô tải biển kiểm soát 34C-09513 do Bùi Văn Hùng lái, cả hai đối tượng đều trú tại khu Tràng Vỹ, phường Trà Cổ, TP Móng Cái. Qua đấu tranh khai thác, Bùi Văn Hùng khai nhận, toàn bộ số chim bồ câu non trên được đối tượng mua từ Đông Hưng, Trung Quốc với giá 14 nghìn đồng/con, đưa về TP Móng Cái bán kiếm lời.

Còn đối tượng Bùi Hồng Hà khai nhận, được Hùng thuê vận chuyển số chim trên từ Trung Quốc về bờ biển khu Nam Thọ, Trà Cổ, mỗi chuyến được nhận 500 nghìn đồng tiền công.

Đường, thuốc lá, bánh kẹo xâm nhập biên giới phía Nam

Tuyến biên giới Tây Nam Bộ, mặt hàng nhập lậu chủ yếu là: thuốc lá ngoại, đường cát Thái Lan, mỹ phẩm, quần áo cũ, vải khúc, phụ tùng xe ô tô, hàng điện tử và điện lạnh đã qua sử dụng, gỗ, sản phẩm từ gỗ và hàng hóa tiêu dùng... Đặc biệt, mặt hàng thuốc lá, đường cát gia tăng trên các tuyến biên giới thuộc các huyện Tịnh Biên, An Phú, Châu Đốc, Tân Châu (An Giang), Ninh Hòa (Long An).

Đại tá Phan Minh Huyền - Trưởng phòng Phòng chống ma túy và tội phạm BĐBP An Giang cho biết: “Thuốc lá từ Campuchia vận chuyển vào Việt Nam bán lãi từ 2.500 - 4.000 đồng/gói; đường cát lãi từ 2.000 - 2.500 đồng/kg. Do đó, tình trạng buôn lậu các mặt hàng này luôn diễn ra sôi động. Các đối tượng buôn lậu sử dụng thủ đoạn ngày càng tinh vi, cấu kết, móc nối với nhau hình thành đường dây xuyên biên giới có tính chuyên nghiệp, khép kín... 

BĐBP An Giang bắt giữ vụ vận chuyển đường lậu.p/Ảnh: Hồ Phúc

BĐBP An Giang bắt giữ vụ vận chuyển đường lậu. Ảnh: Hồ Phúc

Hàng hóa được tập kết sát biên giới, khi có thời cơ, các đối tượng dùng vỏ lãi, xuồng cao tốc vận chuyển bất ngờ vào Việt Nam hoặc thuê người xé lẻ hàng rồi đai vác qua biên giới. Cũng có khi chúng chuyển sang vận chuyển nhỏ lẻ, ngụy trang, cất giấu rất tinh vi.

Số lượng hàng chúng vận chuyển cũng vừa phải, nếu bị bắt thì chưa đủ điều kiện để khởi tố. Chúng cho người theo dõi, giám sát hoạt động của lực lượng chống buôn lậu ngay tại đồn, trạm, chốt để thông báo cho nhau đối phó, né tránh.

Đặc biệt, các đối tượng đầu nậu thường gắn trách nhiệm bồi thường đối với người đai vác thuê. Vì thế, khi bị bắt giữ hàng, các đối tượng thường lôi kéo người thân, phụ nữ, thanh niên, trẻ em tới cướp lại hàng, chống người thi hành công vụ... Các đầu nậu không trực tiếp tham gia chỉ huy vận chuyển mà chỉ đạo đối tượng từ xa bằng điện thoại di động nên rất khó bị bắt giữ”.

Chiều 15/12, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cùng Đoàn công tác Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả (Ban Chỉ đạo 389) đã tới thị sát khu vực biên giới TP Châu Đốc, An Giang, thăm cán bộ, chiến sĩ Trạm Kiểm soát Biên phòng Vĩnh Ngươn, Đồn Biên phòng Vĩnh Ngươn (BĐBP An Giang).

Báo cáo với Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, Thượng tá Hoàng Văn Nam - Đồn trưởng Đồn Biên phòng Vĩnh Ngươn cho biết, đoạn biên giới đơn vị quản lý dài 15km. Đây là tuyến biên giới có nhiều đường mòn, kênh rạch qua lại. Vào mùa nước nổi, hầu hết bị ngập sâu từ 2-3 m nên công tác tuần tra, kiểm soát gặp nhiều khó khăn, nhất là trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, trong đó có công tác chống buôn lậu.

Ngay sát biên giới do đơn vị quản lý, phía nước bạn có chợ Gò Tà Mâu, nơi tập trung buôn bán hàng hóa lớn và có xảy ra tình trạng hàng lậu vào Việt Nam như đường cát, thuốc lá điếu, bánh kẹo, đồ điện tử đã qua sử dụng… Năm 2018, đơn vị đã xử lý 51 vụ mua bán, vận chuyển hàng lậu qua biên giới, trong đó thu giữ hơn 63.000 bao thuốc lá, hơn 26 tấn đường cát…

Để tăng cường và nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, trên biển dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, Bộ Quốc phòng chỉ thị các cơ quan, đơn vị trong toàn quân mở đợt cao điểm đấu tranh phòng chống tội phạm, chống buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, trên biển dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 (từ ngày 1/12/2018 đến ngày 28/2/2019).Theo đó, Bộ Tư lệnh BĐBP tiếp tục triển khai thực hiện tốt các đề án, chương trình, kế hoạch, tập trung vào các địa bàn phức tạp, nóng về ma túy, buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, xây dựng phương án, chuyên án triệt phá các ổ nhóm, đường dây buôn lậu.Tăng cường kiểm soát chặt chẽ người, phương tiện qua biên giới, các đường mòn, lối mở, cửa khẩu cảng…để kịp thời phát hiện, loại bỏ các điểm tập kết, tụ điểm chứa hàng lậu trên khu vực biên giới. Tập trung vào địa bàn các tỉnh Lào Cai, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Tây Ninh, Bà Rịa-Vũng Tàu, Long An, An Giang, Kiên Giang và các tỉnh Tây Nguyên.